Nếu từng đi làm công ăn lương; bạn sẽ thấy chuyện tiền thưởng Tết quan trọng với người lao động như thế nào. Đó chính là thước đo xem chủ doanh nghiệp đánh giá; ghi nhận công sức lao động và sự cống hiến của mình ra sao. Đó cũng là khoản chi phí cả gia đình người lao động mong chờ; để thêm thắt vào việc chi tiêu tốn kém mỗi dịp đầu năm mới.
Nhân viên ở bất cứ doanh nghiệp nào, dù lớn hay nhỏ; có gốc rễ hay khởi nghiệp cũng đều kỳ vọng thưởng Tết. Nhân viên càng trông chờ, chủ doanh nghiệp càng thêm thấp thỏm. Một năm trôi qua, không phải ai cũng ăn nên làm ra.
Với doanh nghiệp khởi nghiệp, việc thưởng Tết lại càng khó vì một khi đã xác định khởi nghiệp; bạn cũng phải chấp nhận là bản thân phải làm không lương ít nhất 12–24 tháng.
Vậy chuyện tiền thưởng Tết cho nhân viên phải tính sao đây?
Không bắt buộc thưởng Tết
Điều 103, Bộ luật Lao động 2012; quy định về tiền thưởng không quy định thưởng Tết là bắt buộc. Theo đó, tiền thưởng Tết là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động; căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Điều đó có nghĩa, nếu bạn có lời, bạn có thể thưởng bao nhiêu tùy thích. Nếu bạn làm ăn chưa có lời, bạn có quyền “mong nhân viên thông cảm”.
Dù không bắt buộc nhưng tiền thưởng là cách doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm tới đời sống người lao động; là chế độ đãi ngộ để khuyến khích người lao động gắn bó và cống hiến. Bởi thế, nếu cố gắng được, doanh nghiệp nào cũng nên có khoản tiền thưởng phù hợp; dành cho tất cả nhân viên.
Mức thưởng Tết tùy thuộc vào quyết định của bạn. Bạn có thể dựa trên thời gian cống hiến, mức lương, thành tích lao động…; để tính tiền thưởng cho nhân viên.
Lấy lương tháng 13 làm thưởng Tết
Công ty không bắt buộc phải trả lương tháng 13 cho người lao động. Đây cũng không phải là tiền thưởng Tết vì ở những công ty làm ăn phát đạt; họ vẫn có cả lương tháng 13 và tiền thưởng Tết. Tuy vậy, lương tháng 13 thường được xem là căn cứ để thưởng Tết cho nhân viên ở hầu hết các doanh nghiệp.
Nếu bạn gặp khó khăn trong tính toán tiền thưởng cho nhân viên; bạn có thể thưởng mỗi người một tháng lương. Người lương cao, tiền nhiều. Người lương ít, số tiền cũng sẽ hạn chế hơn. Điều này giúp bạn nhẹ đầu mà nhân viên cũng khó có cơ sở để so sánh; ghen tị, mâu thuẫn.
Kết quả khảo sát của VietnamWorks với gần 400 chuyên gia nhân sự và hơn 1.800 người lao động; cho thấy phần lớn đều mong muốn nhận được mức tiền thưởng Tết tương đương trên 2 tháng lương
Thưởng Tết bằng hiện vật
Không quy định về tiền thưởng, pháp luật cũng không bắt doanh nghiệp thưởng bằng cách nào, bằng cái gì. Do đó, nếu công ty khó khăn về tài chính; bạn có thể thưởng cho nhân viên bằng quà tặng, hiện vật.
Tuy nhiên, hiện vật đó không bị cấm sử dụng, phải có giá trị thiết thực. Đó nên là các nhu yếu phẩm mà gia đình nào cũng cần dùng tới. Gạo, nước mắm, mì chính, bột nêm, dầu ăn, nước giải khát; các đặc sản vùng miền như chả giò, bánh chưng, bánh tét… phục vụ Tết đều có thể trở thành quà. Cùng với món quà nhỏ, bạn nên có thư chúc Tết; và kêu gọi nhân viên cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Nguyên tắc cào bằng
Ở trong tình trạng khó khăn về tài chính; nhiều doanh nghiệp nghĩ sẽ chi tiền thưởng theo nguyên tắc cào bằng. Dù bạn là nhân viên bảo vệ hay một trưởng phòng cấp cao; bạn cũng sẽ nhận được một số tiền thưởng ngang bằng như nhau.
Cào bằng không đồng nghĩa với công bằng. Nó sẽ gây thiệt thòi cho những người có năng lực; đã cống hiến nhiều cho công ty. Tuy nhiên, khi khó khăn tài chính, không đủ chi trả mỗi nhân viên một tháng lương thứ 13, có còn hơn không.
Bạn có thể chi thưởng nửa tháng lương mỗi nhân viên hoặc cào bằng mỗi người 1 triệu, 2 triệu…; tùy vào năng lực tài chính của công ty.
Tiền thưởng Tết được trừ vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp
Tiền thưởng Tết sẽ tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, khoản chi này phải được ghi rõ điều kiện hưởng; hoặc mức được hưởng tại 1 trong các văn bản gồm: Hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể; quy chế tài chính của doanh nghiệp hay quy chế thưởng do giám đốc quy định; theo quy chế tài chính của doanh nghiệp.
Thêm vào đó, bạn chú ý, khoản chi có tính phúc lợi như thưởng Tết không quá 1 tháng lương bình quân thực tế; thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
Nhiều cung bậc cảm xúc
Tâm lý của người lao động luôn là: “Tết sẽ có thưởng”. Người làm chủ doanh nghiệp lại luôn bất an: “Nhân viên làm cho mình cả năm mà không lo được cho anh em cái Tết ấm thì kỳ kỳ”. Vì thế, dù không có doanh thu tốt bạn vẫn nên cố gắng thu xếp một khoản tiền thưởng cho nhân viên. Bạn hy vọng, khoản tiền đó sẽ được trân trọng. Sự nỗ lực của bạn sẽ được ghi nhận và cảm kích.
Thực tế không toàn màu hồng như thế. Bạn có thể nhìn thấy gương mặt tươi tỉnh của nhân viên khi tới gặp sếp nhưng họ bỗng lại tiu nghỉu sau khi mở phong bì. Có người chờ nhận thưởng xong, hôm sau liền viết đơn xin nghỉ việc. Có nơi thưởng không công bằng thì nhân viên lại dễ ganh tị ngầm. Có nhân viên nặng lời so sánh bạn với sếp đứa nọ, sếp đứa kia…
Đấy là những cảm xúc hỗn độn chắc chắn bạn sẽ trải qua khi sống đời doanh nhân. Đừng buồn khi nhân viên bàn tán. Bạn không thể làm hài lòng tất cả. Chỉ cần bạn đã nỗ lực hết sức, bạn đã là một người chủ có tình rồi.
Bài: Minh Lâm
Tiếp Thị Gia Đình