Người Việt không thể mất Tết cổ truyền

Ý kiến về việc bỏ Tết cổ truyền lại dấy lên nhiều tranh cãi. Bản chất vấn đề là lấy vật chất đánh đổi tinh thần. Nếu điều đó xảy ra, những thứ mất đi sẽ lớn đến mức mà mọi bài toán kinh tế không bù đắp nổi

Tết bây giờ khác xa với Tết trong ký ức của nhiều người thế hệ 8x trở về trước. Khi xã hội ngày càng hiện đại và thực dụng hơn; sự thiêng liêng ngày Tết cổ truyền dường như cứ mai một dần, thậm chí với nhiều người; đó chỉ còn là thủ tục cần phải chu toàn. Tuy nhiên, dẫu thời thế thay đổi thế nào; Tết vẫn là một thời khắc thiêng liêng đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt.

Ngày Tết, chúng ta yêu thương nhau hơn

Hàng triệu người Việt Nam dẫu xuôi ngược vạn nẻo cũng đều cố gắng về nhà trước ngày 30 Tết cổ truyền. Đó là thứ thông lệ thiêng liêng. Đêm giao thừa, nhà bày bàn thờ trước cửa thắp nhang tạ trời đất, mùi khói hương lơ lửng; ngan ngát trong gió đêm. Người già, trẻ nhỏ nghiêm trang chắp tay khấn nguyện. Văng vẳng từ xa là tiếng pháo hoa báo hiệu thời khắc sang năm mới.

Đêm giao thừa, những đô thị lớn như trở mình về lại bản chất hiền hòa; người người tha thẩn theo đuổi những tiềm thức riêng của mình; cảm nhận một lần xuân nữa lại trôi qua cuộc đời. Sau cuộc mưu sinh khốn khó của một năm; Tết khiến người ta dừng tất cả những đua tranh; đau đớn để xích lại gần nhau, về với mái nhà, thắp nén nhang thành kính cho đất trời, ông bà tổ tiên, nhắc nhở người ta về chữ đạo, về một miền đất có đạo.

Ngày Tết quê em

Nhiều người sẽ không quên tiếng pháo đêm giao thừa hay cảm giác sáng mồng Một ra đường; phố xá vắng tênh, khói hương lâng lâng hòa quyện trong đất trời tĩnh lặng. Người lớn ăn mặc chỉnh tề thắp nén nhang cho ông bà tổ tiên, xuất hành đầu năm đi lễ chùa, bọn trẻ háo hức chờ ông bà bố mẹ mừng tuổi. Gần trưa, trời hửng chút nắng;  cả vòm mây sáng rực lên như dải lụa mật ong mỏng manh, trong vắt đẹp đến ngây người.

Người xưa gọi đó là Thụy khí; nắng gió đều mang khí thiêng hoàng đạo khiến tâm hồn ta bình yên đến lạ. Nhiều người xa quê hương chỉ mơ một lần lại được ngơ ngẩn đi trên phố phường nơi quê nhà ngày Tết. Con người ngày Tết bớt sân si, đường không kẹt xe; không khói bụi mù mịt, sự yên bình gần như tuyệt đối. Tết cho chúng ta tạm dừng những bức bối, để thả mình cảm nhận những điều “vớ vẩn” như nắng gió mà ngày thường chúng ta ít chọn. Điều đó quý lắm.

Có một điều hay, trong dịp Tết; những người xa lạ cũng có thể nở nụ cười với nhau trên phố; thậm chí chúc nhau một câu an lành. Ngày bình thường đừng mong nhìn thấy những nụ cười thân thiện trên phố; ai cũng lo toan tính toán cho công việc của mình. Nhưng thật may trong dịp Tết; người Việt nở nụ cười với nhau nhiều hơn. Tết khiến người Việt yêu thương nhau hơn ngày thường.

Tết cổ truyền là nền tảng lớn nhất của người Việt

Dù trong Nam hay ngoài Bắc; Tết cổ truyền luôn là thời khắc dành cho gia đình. Có câu hát rất đúng tâm trạng của người Việt trong dịp xuân về: “Ai xuôi ngược trên khắp nẻo đường quê hương, nhớ quay về đón mùa xuân yêu thương…”. Về ở đây là về nhà. Có thể Tết đã bớt thiêng liêng vì cuộc cách mạng công nghệ; nhưng mỗi độ xuân về, các bến xe vẫn nô nức người tứ xứ cố gắng tìm tấm vé về quê ăn Tết.

Về nhà đón Tết, gia đình trên hết

Hỏi một số người tại sao họ về nhà dịp Tết, người nói nhớ nhà; người nói: Tết thì phải về nhà chứ! Dù mục đích thế nào, người ta cũng đang trở về với gia đình mình vào dịp Tết. Dù muốn dù không, người Việt vẫn dành cho nhau lời chúc tốt đẹp vào đầu năm; đi thăm hỏi chúc Tết ông bà, họ mạc. Đó là nền tảng rất quý của xã hội và con người Việt Nam: Nền tảng gia đình và lễ nghĩa.

Nhìn xã hội đang ngày càng thực dụng, các giá trị bị đánh tráo; vấn nạn hình thức lan rộng, điều mỗi người Việt cần gìn giữ chính là những giá trị thiêng liêng như Tết cổ truyền của dân tộc. Và chúng ta vẫn đôi khi tự hỏi Tết có đang mất đi không?

Chúng ta đã lờ mờ nhận thấy Tết đang mất đi sự thiêng liêng. Thời kinh tế thị trường khiến người ta sống ào ào, thậm chí không ngại ngần làm hại, nói xấu nhau để mình có lợi hoặc chỉ để cho vui… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người quyết tâm về nhà vun xới một cái Tết thật đầm ấm, thiêng liêng. Gìn giữ sự thiêng liêng đó còn vì tâm hồn của những đứa trẻ con, chúng cần lớn lên và hiểu truyền thống của ông cha. Trẻ con cần hiểu trên đời này có những điều thật thiêng liêng như gia đình sum họp, như Tết cổ truyền.

Giữ gìn bản sắc từ Tết cổ truyền

Nhìn xa hơn, đó là hưng vong của dân tộc, người Việt phải bảo vệ bằng được bản sắc đã vốn bị ít nhiều hòa tan, pha loãng trong tiến trình hội nhập. Người Việt cần về nhà trong dịp Tết để trao nhau nụ cười, đắp bồi lễ nghĩa và cứ như vậy, nền tảng gia đình chính là nền tảng sống còn của Việt Nam.

Rất nhiều người đã phản ứng gay gắt ý kiến bỏ Tết cổ truyền. Người ta sợ khi “di sản tinh thần quý nhất” của người Việt đang bị đe dọa lấy mất. Một quốc gia chỉ giàu có thịnh vượng khi nó được vun đắp bằng nền tảng gia đình, bằng lòng ái quốc thực sự trong tim chứ không phải hô hào hình thức.

Cho dù mọi thứ thời hội nhập có vẻ rối ren, nhưng chúng ta còn có Tết. Tết để về nhà, để giữ gìn thứ nền tảng cuối cùng, đáng quý, đáng hãnh diện, thứ nền tảng có thật (chứ không phải thứ mơ hồ như con rồng cháu tiên, đậm đà bản sắc dân tộc…): Nền tảng gia đình.

Đầu Xuân Mậu Tuất, TTGĐ cầu chúc quê hương Việt Nam thịnh vượng, người Việt yêu thương nhau nhiều hơn!

Bài: NGUYỄN HẬU

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua