Làm một founder cô đơn lắm! Dù bạn không hề muốn nhưng rất nhiều bức tường cứ mọc lên,; bao chặt bạn trong nỗi cô đơn. Khởi nghiệp kinh doanh thực sự là hành trình bạn chiến đấu với cô đơn trong công việc; cũng như ở chính gia đình của bạn.
Cô đơn giữa nhân viên
Một nữ doanh nhân từng chia sẻ rằng, đời đi làm thuê rất sướng, sướng hơn cả làm sếp. Chị bảo: “Đi làm thuê, bạn có đồng nghiệp. Dù có người tốt, người xấu nhưng chắc chắn bạn còn người cùng đi ăn trưa, cùng tám chuyện, an ủi khi bạn gặp khó khăn. Bạn tha hồ phàn nàn về ông sếp, bà sếp khó tính và đủ vấn đề khác trong công ty. Chỉ cần được than thở với nhau là cảm thấy vui vẻ”.
Làm founder, đặc biệt là khi mới khởi nghiệp kinh doanh, bạn không có đồng nghiệp. Dưới bạn chỉ có nhân viên. Nhân viên đa phần không thích gần gũi sếp vì sợ “càng gần mặt trời càng dễ bị thiêu rụi”.
Tâm lý nhân viên lại thích bàn tán về sếp. Mọi hành động, lời nói, chuyện riêng tư của bạn đều bị bao con mắt dòm ngó. Bạn càng không có cơ hội để phàn nàn, than thở về những khó khăn của công ty.
Bạn gánh trên vai mọi trách nhiệm. Vô số tâm sự, thất bại, thua lỗ bạn không thể kể với ai vì họ không thể thay bạn giải quyết, thậm chí còn cười chê bạn. Tất cả một mình bạn “lãnh” đủ.
Cô đơn giữa gia đình
Trở về nhà sau vô số chuyện lớn nhỏ mệt mỏi nơi công ty, tình hình không khá hơn. Thật may mắn nếu bạn được người thân hỗ trợ, tin tưởng tuyệt đối. Thế nhưng, con số ấy rất ít. Đa số người khởi nghiệp kinh doanh đều cảm thấy loạng choạng muốn ngã khi không thể tìm được sự chia sẻ ở gia đình, người thân.
Người nhà dù thương bạn thế nào cũng không thể hiểu hết bạn và công việc của bạn. Họ cũng khó thông cảm với bạn khi tiền vào thì ít tiền ra lại nhiều. Bạn đi sớm về khuya, bỏ bê mọi việc gia đình, con cái, lễ nghĩa. Nhiều gia đình còn chẳng ra sức giúp đỡ việc nhà để bạn yên tâm khởi nghiệp khởi nghiệp.
Bạn có cô đơn không khi về nhà chồng con đã lăn ra ngủ, không một lời trò chuyện, hỏi han? Bạn có cô đơn không khi con với tay chạy theo ô-sin chứ không theo mẹ? Bạn có buồn không khi chồng bạn chẳng thể thông cảm, chia sẻ nỗi vất vả cùng vợ? Khi khởi nghiệp, đàn ông cô đơn 1 thì phụ nữ cô đơn 10.
Có người từng nói: “Đằng sau người đàn ông thành công là bóng hình của một người phụ nữ. Còn đằng sau người phụ nữ thành công là sự cô đơn”. Quá đúng! Phụ nữ lấy tình cảm làm nguồn sống, nguồn động lực cho công việc. Nếu bị giam giữa những bức tường cô đơn, họ là người dễ gục ngã hơn đàn ông.
Cô đơn giữa thị trường và cộng đồng doanh nghiệp
Ở phạm vi cộng đồng doanh nghiệp cùng lĩnh vực, bạn cũng cảm thấy cô đơn không kém. Lĩnh vực bạn khởi nghiệp kinh doanh như miếng mồi ngon nên bao nhiêu người tranh nhau xâu xé. Những kẻ cùng có mục tiêu là một con mồi thì dễ gì nhường miếng ngon cho nhau, đúng không bạn?
Khách hàng, thị trường cũng chẳng dễ dãi gì. Đa số khách hàng rất thích chê, bới lỗi nọ, moi lỗi kia. Có người bới móc để cho vui. Có người bới móc để được tổng sỉ vả và có cớ trừ tiền… Phải nghe những lời chê trách với sản phẩm tâm huyết của mình khiến bạn không dễ chịu chút nào.
Tất cả làm bạn thực sự rất cô đơn! vậy chia sẻ với ai?
Khi lên kế hoạch kinh doanh, ai cũng hào hứng chinh phục mục tiêu này đến mục tiêu khác. Vậy nhưng, ít ai lên kế hoạch đối phó với sự cô đơn mình phải đối diện lúc khởi nghiệp. Vì cô đơn mà nhiều người nản lòng, nhụt chí và gục ngã. Thế nên, nếu không chịu được cô đơn bủa vây tứ phía, bạn đừng nên khởi nghiệp kinh doanh!
Nói ra những điều này không phải để dọa bạn. Cô đơn là cái giá bạn phải trả khi trở thành người chủ, để làm được việc mình yêu thích. Dù đó là thực tế nhưng không phải bạn hoàn toàn chẳng có người chia sẻ.
Có nhiều bạn lại thích truy cập vào các diễn đàn online. Ở đó, họ dùng nickname chia sẻ tất cả mọi thứ đang phải trải qua với những người xa lạ. Bạn không biết họ, họ cũng không biết bạn là ai nên càng dễ nói, dễ bày tỏ.
Nhiều bạn “thoát” được sự cô đơn nhờ vào việc tìm được những người đồng hành chất lượng. Đó là người cộng sự, người cân bằng được các điểm mạnh, yếu của bạn; là người bạn tin tưởng, tôn trọng bạn và sẵn sàng chia sẻ với bạn mọi điều tiêu cực và tích cực trong quá trình cùng lãnh đạo. Có thêm cộng sự, bạn có thêm một bộ óc để suy nghĩ, một người để sẻ chia và san sẻ gánh nặng công ty.
Một người khởi nghiệp kinh doanh dù tài giỏi thế nào vẫn rất cần những người đồng nghiệp thấu hiểu mình. Nếu chẳng thể tìm được sự thấu hiểu đó ở nhân viên, bạn hãy nói chuyện với những nhà sáng lập khác. Ở cùng một vị trí, cùng nỗi niềm, các nhà sáng lập sẽ dễ dàng trải lòng, có sự thấu hiểu và cũng cho bạn những lời khuyên giá trị.
Bài: Thiên Minh
Tiếp Thị Gia Đình