Khu trang trí vườn đẹp này ngập tràn hình ảnh và hơi thở Phật giáo, mang đến nét tĩnh, tịnh, tình cho đất trời nơi đây. Cây xanh, gió lộng, chim muông hót líu lo…; khung cảnh thiên nhiên trong khu vườn mà TTGĐ ghé thăm kỳ này; sẽ mang đến bạn cảm giác an nhiên, tự tại, thoát ly khỏi những ồn ào ngoài kia.
Trang trí vườn đẹp kiểu Phật giáo: Đâu cần tòa sen mới có Phật
Không cần thiết phải là người tu hành đích thực; cũng chẳng cần phải trưng thật nhiều những loài hoa thanh tao, trang nhã như sen, lài…; thì bạn mới tạo ra cho mình một khu vườn ngập tràn tinh thần Phật giáo. Như ở khu vườn này, bằng vài loại cây giản đơn; nhưng được bố trí khéo léo, chủ nhân khu vườn – cũng là một Phật tử; vẫn đủ sức gợi nên trong khách viếng thăm sự thanh thản của Đức Phật.
Bằng cách lấy cảm hứng từ vẻ đẹp tự nhiên của cây cối; kết hợp cùng những triết lý Phật giáo, khu trang trí vườn đẹp mà vị chủ nhân này kiến tạo nơi sân trước nhà mình; không chỉ hài hòa về thẩm mỹ, mà còn chất chứa trong đó lối tư duy và góc nhìn cuộc sống ý nghĩa.
Ban đầu, khu vườn chỉ là một khoảng sân bình thường; rải rác vài đám cỏ dại và lác đác những bụi cây thô kệch. Sau khi lên ý tưởng và bàn bạc với các chuyên gia về cây cảnh; chủ nhân khu vườn quyết định cách mạng lại toàn bộ cảnh quan, bắt đầu bằng việc điểm tô góc sân bằng những chậu cây nhỏ; đồng thời dùng các hàng tre kiểng, trúc kiểng để ngăn cách và sàng lọc các khoảng không gian với nhau.
Ngắm cây ngẫm đến đạo đời
Trong số những bụi cây có sẵn từ trước trong trang trí vườn đẹp, không ít cây có gốc lớn và tán lá rộng. Thay vì chặt đi, chủ nhân quyết định cải tạo những gốc cây này thành tiểu cảnh sinh động; mô tả câu chuyện về Đức Phật. Đặt phiến đá nhỏ dưới tán cây sum suê, ngự trên đó là tượng Phật trong thế thiền; tiểu cảnh nhắc nhở khách thăm vườn về thời khắc giác ngộ của Đức Phật dưới gốc cây bồ đề trong huyền thoại cách đây 2.500 năm.
Nếu cây cối là thực thể của những điều kỳ diệu của tạo hóa; thì một khu vườn tràn ngập cây xanh chắc hẳn là một chốn thanh tâm huyền diệu. Có những gốc cây rắn rỏi, dù nắng mưa vẫn luôn giữ chặt lấy nền đất, quấn lấy cội rễ; trong khi cành và lá bung tỏa theo mọi hướng, tự do phát triển theo nhịp đẩy đưa của nắng, gió, khí trời. Triết lý về đạo và đời, niềm tin vào chân – thiện – mỹ phải chăng cũng từ những điều đơn giản thế này mà ra?
Tu tại tâm, thiền tại vườn
Tượng Phật trưng trong vườn chỗ đứng, chỗ ngồi, chỗ nằm; nhưng tuyệt nhiên đôi tay vẫn luôn khép vào nhau chắp niệm; gương mặt toát lên sự bình an, thanh tịnh đến vĩnh hằng.
Tượng Phật có thể đứng nép mình trong một góc xanh ươm; có thể ngồi trên mặt nước phẳng lặng, tượng Phật cũng có thể nằm giữa hoa cỏ bốn bề. Bất kể đặt tượng Phật vào vị trí nào trong vườn; tâm thế bình an, tĩnh tại của hình ảnh Đức Phật vẫn luôn bất biến.
Vườn là nơi ươm cây xanh, cũng là nơi ươm trong ta những suy tư và chiêm nghiệm. Giữa khu vườn yên tĩnh, nếu tình cảm gắn chặt vào nội tại như gốc rễ bám vào đất; thì suy nghĩ lại phát triển tự do như lá đâm chồi, như tán xòe rộng.
Ai cũng có thể giác ngộ
Một khu vườn mang đậm sắc màu Phật giáo; thường có rất nhiều các lối đi và tiểu cảnh. Dù sắp đặt thế nào, khuôn viên yên tĩnh cần được tôn trọng hàng đầu. Nếu có công trình hoặc khung cảnh nào đó làm giảm đi nét tĩnh tại đó của khu vườn; bạn có thể dùng màn tre, cụm chậu cây hoặc các loại cây dây leo tự nhiên để che chắn, phân cách.
Tiểu cảnh trong vườn tốt nhất vẫn là kết hợp giữa cây và đá. Nếu muốn đầu tư nhiều hơn, bạn cũng có thể thiết kế, sắp đặt khu vườn theo cảm hứng Mandala; toàn bộ tiểu cảnh được bài trí xoay quanh trung tâm là hòn non bộ hoặc ngọn núi linh thiêng.
Theo chủ nhân khu vườn này, một khu trang trí vườn đẹp, giao hòa âm dương và được đầu tư không chỉ cây cối, sức lực mà cả vốn hiểu biết, gu nghệ thuật, tâm tư, tình cảm… có thể giúp con người giác ngộ và hòa hợp với vạn vật.
Bài: Lê Giang
Ảnh: Anh Dũng
Ảnh chụp tại một khu vườn ở Q. 2, TP. HCM
Tiếp Thị Gia Đình