Dựng lại niềm tin từ câu chuyện của Khaisilk

Khủng hoảng thương hiệu Việt liên tục xảy ra từ những động tĩnh rất nhỏ. Xây dựng lại niềm tin từ vụ Khaisilk khó hay dễ? Đâu là con đường đúng đắn cho thương hiệu Việt?

Đất Việt có bề dày lâu đời về các làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm truyền thống thành công trên thị trường trong và ngoài nước rất ít; vì đòi hỏi không những chất lượng tốt mà còn phải mẫu mã đẹp, giá hợp lý. Dưới góc độ của chiến lược kinh doanh; thành công này đòi hỏi 2 yếu tố:

Các làng nghề phải đạt trình độ cao về sản xuất và thẩm mỹ. Việt Nam không thiếu làng nghề truyền thống: gốm sứ có Bát Tràng (Hà Nội); tranh có Đông Hồ (Bắc Ninh), làng Sình (Huế); lụa có Vạn Phúc (Hà Nội), Tân Châu (An Giang), Nha Xá (Hà Nam). Nhưng họ đang thế nào?

Các doanh nghiệp kinh doanh phải có hướng đi đúng, kiên trì để tiếp cận thị trường và tạo dựng uy tín thương hiệu. Họ nối dài chuỗi giá trị từ làng nghề truyền thống đi ra. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp có thương hiệu uy tín trên thị trường trong và ngoài nước rất ít. Ta chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay: Gốm sứ Minh Long, tranh thêu XQ, lụa Khaisilk. Hãy dừng lại một chút ở đây, không phải tất cả các thương hiệu trên đều vững chắc!

Khaisilk hinh anh 1
KHAISILK TRONG CƠN KHỦNG HOẢNG

Khaisilk vốn nổi tiếng với lụa tơ tằm; là thương hiệu đã tạo được sự tin tưởng cao trong và ngoài nước. Mới đây, khách hàng phát hiện Khaisilk bán cả khăn lụa nhập từ Trung Quốc; nhưng dán cả nhãn “made in Việt Nam” lẫn “made in China”. Đây là cú sốc giáng thẳng vào niềm tin; nơi chất lượng hàng Việt, vốn đã mong manh sau những scandal hàng tiêu dùng như nước uống, nước mắm…

Với sai lầm này, Khaisilk sẽ mất rất nhiều. Ở đây, mất mát không chỉ là vấn đề tài chính khi kinh doanh lụa. Khaisilk là thương hiệu đa ngành nên các mảng khác cũng sẽ ảnh hưởng. Sâu xa hơn, uy tín công ty sẽ xấu đi trong mắt khách hàng và đối tác. Đây là yếu tố quan trọng hơn tiền bạc.

Động thái xử lý khủng hoảng từ Khaisilk

Ông Hoàng Khải đã thừa nhận bán khăn “made in China” và xin lỗi khách hàng. Đồng thời, Khaisilk sẽ thu hồi các sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc đã bán ra thị trường; nếu khách hàng có mong muốn đổi trả. Ông cũng hứa sẽ bồi thường cho khách hàng nghiêm túc.

Bước đầu, đây là động thái đúng khi xử lý khủng hoảng: thừa nhận trách nhiệm, xin lỗi và có giải pháp khắc phục đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Đây là các thao tác mang tính giải quyết tình huống và ngắn hạn.

Tuy nhiên, cốt lõi của vấn đề là niềm tin đã đổ vỡ, và người tiêu dùng cần nhiều hơn thế! Không chỉ Khaisilk, nhiều doanh nghiệp Việt đang kinh doanh với “con đường tắt” cần phải tự báo động để biết “sợ”. Các doanh nghiệp phải tìm cách thay đổi phương thức sản xuất. Ít nhất là sự minh bạch.

Vậy, giải pháp khả dĩ ở đây là gì?

Khaisilk hinh anh 2

Tranh làng Sình, Huế. Một trong những loại hình truyền thống đang dần biến mất.

THƯƠNG MẠI HÓA TRUYỀN THỐNG

Thương hiệu tranh thêu XQ khởi nghiệp thời thị trường đang ảm đạm. Tranh thêu lúc đó chỉ là hàng gia công, mẫu mã nghèo nàn. Đa số thợ thêu xem đó là nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập. XQ bắt đầu với việc tạo ra những mẫu vẽ và thêu mới lạ; gần gũi, chân thực với cuộc sống hàng ngày nhưng đường thêu tinh xảo. Điều này tạo được sự ngạc nhiên thích thú ở khách hàng và dần góp phần đảm bảo đầu ra cho thương hiệu. Nhưng XQ còn làm được nhiều hơn thế.

Bài học từ XQ

Ở đời, muốn ăn được món ngon, bạn hãy tôn vinh anh đầu bếp. Muốn mặc đẹp, hãy tôn vinh cô thợ may.

XQ đã làm đúng như thế: mô hình kinh doanh của XQ xây dựng dựa trên người thợ thêu. Bước đầu tiên, là đảm bảo thu nhập ổn định; để người thợ thêu có thể yên tâm tận tụy với nghề. Kế tiếp, người thợ được đặt ở vị trí trung tâm của xưởng. XQ tạo mọi điều kiện thuận lợi từ sự thoải mái về giờ giấc; ăn mặc đẹp, đào tạo bài bản từ chuyên môn đến dáng điệu, cử chỉ khi tiếp xúc với khách hàng.

Đặt người thợ làm trung tâm

Từ nghề tay trái, thêu trở thành nghề khiến người thợ cảm thấy yêu và tự hào, khao khát khẳng định bản thân thông qua thành quả lao động. Nhìn rộng hơn, XQ đã làm sống lại một nghề truyền thống. Ngoài việc đảm bảo đầu ra (vốn là nhiệm vụ cơ bản của các doanh nghiệp); họ tạo ra được một môi trường trong đó người thợ vừa là lực lượng lao động chính; vừa là trung tâm của mô hình kinh doanh và nguồn sáng tạo. Người thợ thêu là đại sứ thương hiệu đầu tiên và thuyết phục nhất mỗi khi khách hàng đến thăm xưởng – vốn cũng là cửa hàng.

Dĩ nhiên, XQ bán tranh thêu với giá rất cao, nhưng khách mua đều vui vẻ móc hầu bao. Đơn giản, họ biết họ không chỉ mua sản phẩm đẹp và tinh xảo, họ còn trân trọng câu chuyện và sứ mệnh XQ mang theo trong việc làm sống lại và phát triển một nét đẹp xưa xứ Việt.

NIỀM TIN DỰNG LẠI TỪ ĐẦU

Nghề lụa ở Việt Nam đang trong giai đoạn hết sức khó khăn. những làng dệt Hà Đông, Vạn Phúc, Tân Châu, Nha Xá, Hội An… đang chết dần chết mòn bởi không tìm được đầu ra, trong khi vấp phải sự cạnh tranh khủng khiếp từ mẫu mã đẹp, hiện đại đến giá thành chỉ rẻ bằng một nửa của lụa Trung Quốc.

Nhưng đâu đó, trong ký ức của người Việt, những lụa Hà Đông, Hội An, lãnh Mỹ A… vẫn là ký ức khó phai mờ. Hãy bắt đầu từ làng nghề truyền thống, từ người thợ dệt, đảm bảo đầu ra để nâng cao mức sống của họ, đào tạo bài bản, đặt họ vào trung tâm mô hình kinh doanh, để họ sáng tạo và tôn vinh nghề lụa. Chính họ sẽ kể câu chuyện thuyết phục nhất về lụa Việt Nam đối với khách hàng.

Khaisilk hinh anh 3

Lụa truyền thống Việt Nam trong cuộc khủng hoảng của Khaisilk.

Khaisilk vượt bão?

Tôi tin ông Hoàng Khải làm được. Tôi cũng cho rằng khi giới doanh nhân Việt gắn kết và có tinh thần dân tộc cao hơn, có ngạo khí của một mảnh đất đã đi qua ngàn năm thăng trầm lịch sử, họ chắc chắn sẽ đi đường dài. Đi tắt và dùng thủ thuật có thể làm giàu cá nhân và chỉ như vậy. Thế giới thời 4.0 có thể tiêu diệt một đế chế chỉ bằng một tấm ảnh.

Tuy nhiên, nếu giá trị cốt lõi của anh tử tế và công chính, những cái chết bất ngờ sẽ khó xảy đến. Nếu anh không có câu chuyện của mình, anh chẳng biết hãnh diện vì điều gì, sẽ chẳng ai đếm xỉa tới anh thời hội nhập toàn cầu này. Con đường cho thương hiệu Việt tuy khó nhưng rõ ràng có đường.

Một điều mà các doanh nhân Việt còn loay hoay là vì chưa có sự hỗ trợ bài bản từ vĩ mô. Nhà nước cần có cơ cấu chính sách tạo điều kiện, dựng nên những sân chơi kết nối cầu và cung. Ví dụ tốt nhất cho việc thương mại hóa được truyền thống – là tranh thêu XQ. Lụa Việt Nam cũng có thể làm được điều đó.

Bài: Trần Minh Duy – Chuyên gia tiếp thị thương mại và phát triển khách hàng của FrieslandCampina

Ảnh: YÊN ĐINH

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua