Chuyên gia nhận định về ung thư vú ở Việt Nam

Ung thư vú hiện chiếm đến 21% các ung thư xảy ra ở nữ giới. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với trên 5.000 ca tử vong. Tuy nhiên, ung thư vú không phải là hết.

Hội thảo về ung thư vú 

Ung thư vú (UTV) đã trở thành 3 từ quen thuộc, ám ảnh các gia đình. Mỗi năm,Việt Nam có khoảng 11.000 ca mắc mới. Tỷ lệ mắc bệnh đang có xu hướng gia tăng và ngày một trẻ hóa. Tuy vậy, tình hình điều trị cũng đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Thông tin đáng mừng này được đưa ra tại hội thảo “Nền tảng điều trị ung thư vú HER2(+)” diễn ra tại TP.Đà Nẵng, ngày 15 tháng 10. Hội thảo do Bệnh viện K Trung Ương, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM phối hợp cùng Văn phòng đại diện Hoffmann La Roche Ltd tại TP.HCM tổ chức.

Hội thảo thu hút hơn 150 chuyên gia trong và ngoài nước. Các chuyên gia cùng tham gia thảo luận về tình hình điều trị ung thư vú tại Việt Nam. Đồng thời cùng đánh giá hiệu quả của liệu pháp điều trị nhắm trúng đích Trastuzumab trong điều trị ung thư vú dương tính với HER2.

Tín hiệu đáng mừng 

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung Ương là người chủ trì hội thảo. Ông khẳng định: “Hiện nay, tỷ lệ chữa khỏi UTV tại Việt Nam đã tương đương với các nước phát triển trong khu vực. Tại Bệnh viện K, tỷ lệ này lên đến 70 – 72%, tương đương với Singapore. Với các trường hợp phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi lên tới hơn 90%”.

Tại TP. HCM, tỷ suất mắc ung thư vú là 19.7/100.000 dân. 10 năm trước, hơn 2/3 số trường hợp UTV tới bệnh viện ở giai đoạn muộn. Hiện nay người dân đã có ý thức theo dõi và phát hiện sớm. Hiện đã có khoảng ½ số ca phát hiện sớm và có thể được chữa khỏi.”

Trong khoảng 25% các trường hợp UTV, bề mặt của tế bào ung thư có mật độ protein HER2 vượt ngưỡng thông thường. Tình trạng này gọi là UTV dương tính với HER2 hoặc UTV HER2(+). Đây là yếu tố sinh ung quan trọng. HER2 khiến tế bào ung thư phân chia quá mức và tăng khả năng di chuyển tới các cơ quan khác trong cơ thể.

BS.CKII Trần Nguyên Hà – Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Ung bướu Tp.HCM cho biết, UTV HER2(+) được xem là tiên lượng xấu. Tuy nhiên, nhờ áp dụng liệu pháp Trastuzumab, loại ung thư này đã có tiên lượng tốt. Đây là một trong những thành công tiêu biểu của công tác điều trị ung thư vú tại Việt Nam.

 

Bác sĩ Trần Nguyên Hà phát biểu tại hội thảo

 

Các bác sĩ đều đánh giá cao liệu pháp nhắm trúng đích như Trastuzumab. Mục tiêu tấn công của Trastuzumab là các tế bào ung thư có sự hiện diện quá mức của thụ thể HER2 trên bề mặt. Chúng hạn chế làm tổn hại các tế bào lành xung quanh.

Hiệu quả của Trastuzumab

Trastuzumab đã chứng minh hiệu quả đáng kể trong điều trị ung thư giai đoạn sớm lẫn di căn. Liệu pháp có thể sử dụng độc lập hoặc kết hợp với hóa trị.

Trastuzumab có tác dụng kéo dài thời gian sống của bệnh nhân. Đồng thời, chúng giúp duy trì chất lượng sống của bệnh nhân bị UTV HER2(+). Sử dụng Trastuzumab phối hợp với thuốc hóa trị có tỉ lệ tử vong hoặc tái phát thấp hơn hẳn so với chỉ sử dụng hóa trị thông thường.

Sự ra đời của Trastuzumab đã mở ra một kỷ nguyên mới trong điều trị UTV HER2(+). Đối với bệnh nhân UTV HER2(+) giai đoạn sớm, phác đồ điều trị 1 năm – 18 chu kỳ với Trastuzumab sẽ mang lại hiệu quả suốt 11 năm.

Với giai đoạn di căn, liệu pháp giúp tăng gấp đôi tỷ lệ đáp ứng và thời gian sống không bệnh. Nhờ đó, người bệnh sẽ có thêm thời gian sống cùng gia đình, hoặc sống mà ít bị bệnh tật ảnh hưởng.

Từ năm 1998, Trastuzumab đã là thuốc điều trị nền tảng trong nhiều phác đồ điều trị UTV HER2(+). Đến nay, Trastuzumab được sử dụng cho hơn 1.8 triệu bệnh nhân ung thư vú trên toàn cầu. Tại Việt Nam, Trastuzumab được chính thức áp dụng từ năm 2007.

Xoa Nguyễn
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua