Trương Thanh Thủy là cô gái với vóc người nhỏ bé, phong cách giản dị. Nếu gặp ngoài đời, bạn sẽ không thể đoán đó là cô gái Việt Nam đầu tiên bán được một công ty công nghệ cho thung lũng Silicon (Mỹ). Đó là Tappy. Tappy ra đời với ý tưởng là khi đến một sự kiện hoặc địa điểm kinh doanh, bạn có thể sử dụng ứng dụng này trên điện thoại để tìm kiếm và kết nối với những người xung quanh. Ứng dụng này đã biến địa điểm tổ chức thành một cộng đồng ảo cho phép mọi người có thể nói chuyện riêng tư hoặc theo nhóm.
Lúc tạo ra điều thú vị trị giá hàng triệu đô-la này, Trương Thanh Thủy chưa đầy 30 tuổi và được đài BBC mệnh danh là Nữ hoàng khởi nghiệp. Đó là danh hiệu Thủy không tự nhận.
Khi đang hăm hở với các dự án, đùng một cái, vào năm rồi, cô được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Nhìn bề ngoài, Trương Thanh Thủy đang sống thực sự và chẳng có vẻ gì là cô sắp chết vì tử thần ung thư. Cuộc chiến chống lại bệnh tật của Trương Thanh Thủy đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trong thời gian qua. “Và vì thế, tôi đã sẵn sàng ở đây, cho ngày đầu tiên của cuộc chiến” là đoạn kết trong blog nhật ký ngày 0 của cô về hành trình chiến đấu với bệnh ung thư. Dòng chữ đó luôn khích lệ tinh thần những người đang tuyệt vọng vì căn bệnh quái ác này.
Một năm qua, Trương Thanh Thủy bền bỉ tìm cách kết nối và mang đến những giá trị, kiến thức bổ ích, thiết thực cho những bệnh nhân ung thư không chỉ tại Việt Nam. Điều vô cùng nhân văn mà cô hướng đến là xem bệnh nhân ung thư là trung tâm của vấn đề chứ không phải căn bệnh ung thư.
Chẳng tiếc nuối điều gì ngày hôm qua
Chị đón nhận căn bệnh ung thư với tâm thế nào?
Có lẽ mọi điều đến với chúng ta đều là duyên. Căn bệnh ung thư này cũng vậy. Trước đó, tôi làm rất nhiều về kinh doanh. Đầu tôi toàn ý tưởng và công việc. Lúc phát hiện ra, tôi tự hỏi sao mình bị thế này? Mọi thứ trên đời đều có lý do.
Tôi đi tìm cái nguyên do đó, cả bằng khoa học và suy tưởng. Và tôi nghĩ rằng, ông trời sinh ra mỗi người đều có số phận lẫn sứ mệnh riêng. Chỉ đến khi tôi đối diện với “sự chết”, tôi mới hỏi mình câu hỏi quan trọng này. Sứ mệnh của tôi là gì? Đó đã là một món quà đầu tiên từ căn bệnh ung thư với tôi.
Chị có sợ hãi và tuyệt vọng không? Chị có lúc nào khóc không?
Đau đớn theo nghĩa đen. Đôi khi khóc vì đau quá. Khi bắt đầu điều trị bệnh, thời gian đầu đau đớn lắm. Có những đêm đau đến mức tôi nghĩ mình sẽ không thể sống đến mai. Sự đau đớn tấn công còn dữ dội hơn nỗi tuyệt vọng. Nó trấn áp tâm trí mình.
Đa số nhiều người khi đón nhận bệnh ung thư thì thường tiếc nuối, nghĩ về những gì mình chưa làm được, nhiều nơi chưa đi… Lúc đau quá, tôi cũng chỉ nghĩ nếu mai mình chết mình có tiếc nuối gì không? Rồi tôi nhận ra mình chẳng tiếc gì cả, những nơi muốn đi, hay ước mơ lớn nhất là lái xe vòng quanh nước Mỹ, lập công ty… đều đã làm rồi.
Điều gì là khủng khiếp với chị lúc đó?
Sau giai đoạn đau là lúc tác dụng phụ của thuốc phát tác. Tôi nổi ban toàn thân. Da của tôi thậm chí như rớt ra. Tôi không dám nhìn mình trong gương nữa. Ngày xưa ai chê tôi xấu tôi buồn lắm. Nhớ lại lúc đó, tôi cười và nghĩ mình sẽ nói cho những ai chê mình xấu rằng: “Này, cậu chưa biết xấu thực sự là như thế nào đâu”. Tôi nói vậy để chia sẻ rằng, đầu tiên mình phải chấp nhận và thừa nhận căn bệnh.
Tôi ráng đi qua nỗi đau và tìm cách vui. Vì bạn vẫn còn ở trên thế giới này một hoặc nhiều năm nữa. Ung thư không khiến bạn chết ngay như… tai nạn giao thông. Bạn có thể chọn sống hoặc bắt đầu chết chậm trong nhiều ngày.
Phổ biến kiến thức về ung thư
Lúc đó đa số mọi người đều tuyệt vọng. Chị Trương Thanh Thủy lấy động lực gì để sống bình thường?
Thứ nhất, trong mọi trường hợp, đừng oán trách ông trời và số phận. Thứ nhì là trang bị kiến thức. Hiểu biết khiến tinh thần chúng ta vững vàng hơn. Lúc mới nhận hung tin, tôi qua Mỹ kiểm tra, bác sĩ nói tôi bị giai đoạn 4 rồi. Tôi hỏi 4 là sao, ông giải thích là giai đoạn cuối. Tôi nói: Ok, giờ làm gì? Bác sỹ khuyên tôi nên hiểu về ung thư, về mọi thứ quanh nó.
Tôi nhận ra rằng mình ham học hỏi là thế mà vẫn mù tịt về căn bệnh này, cho đến khi chính mình mắc phải. Tôi bắt đầu tìm hiểu về bệnh một cách có hệ thống từ mọi nguồn mà tôi tiếp cận được. Tôi phát hiện ra hàng trăm ngàn bệnh nhân ung thư mỗi năm tại Việt Nam cũng không biết gì về căn bệnh của họ như tôi.
Trong thời gian điều trị tại Mỹ, tôi tổ chức dự án Hack for Health tại đại học Nam California (USC) quy tụ các kỹ sư phần mềm, bác sĩ và chuyên gia nhằm tạo ra các thiết bị hay ứng dụng y tế trên điện thoại, cung cấp thông tin cho bệnh nhân ung thư.
Ý tưởng về trung tâm Salt Cancer Initiative (SCI) của chị ra đời là vì thế?
Đúng vậy. Điều đầu tiên mà SCI đã và đang làm là mang những kiến thức thiết thực, nhanh chóng đến tay bệnh nhân khi họ vừa phát hiện bệnh. Chúng tôi phát miễn phí những cuốn sách về ung thư do tình nguyện viên SCI dịch/in ấn như cuốn Ung thư là gì đã được phát tại các bệnh viện ở TP. HCM, Hà Nội, Đồng Nai.
Song song đó là triển khai các lớp học cho trẻ em ung thư do trường mẫu giáo KinderCare phụ trách hàng tuần. Gần đây chúng tôi cùng trung tâm fitness dạy yoga miễn phí cho bệnh nhân ung thư.
Có vẻ như Trương Thanh Thủy rất quan tâm đến giá trị sống và tinh thần của các bệnh nhân ung thư?
Tinh thần vững vàng thì điều trị mới hiệu quả. Khi bạn tuyệt vọng về bệnh tật, bạn sẽ chết nhanh hơn. Tôi phát hiện ra là ở Mỹ hay ở Việt Nam thì người ta đều nghĩ ung thư là… chết chắc. Nhưng ung thư không phải bệnh truyền nhiễm.
Cách tốt nhất để đối xử với bệnh nhân ung thư là xem họ như người bình thường. Người Việt hay tỏ ra thương hại người khác vì điều đó có vẻ khiến chúng ta tốt đẹp hơn. Nhưng, quan trọng là đối xử với nhau bằng tình người và sự thấu cảm.
Quay trở lại câu hỏi ban đầu, tôi có vẻ hiểu chữ “duyên” mà chị đề cập đến!
Tôi xem căn bệnh ung thư là cơ hội thứ 2. Trân trọng cuộc sống từng giờ từng phút và quan trọng hơn, tôi nhận ra sứ mệnh của mình. Những gì tôi làm trước đó đã dẫn tôi đến đây – trở thành người truyền cảm hứng cho những bệnh nhân ung thư – như tôi đã từng truyền cảm hứng cho những người khởi nghiệp.
SCI kết nối các nguồn tài nguyên có sẵn cho bệnh nhân và tập trung vào thông tin y khoa, huấn luyện; nghiên cứu cho các bác sĩ để giúp đỡ cho việc nghiên cứu điều trị ung thư. Rồi một ngày nào đó thế giới cũng sẽ chữa được ung thư như đã làm với bệnh lao, bệnh phong…
Cảm ơn chị Trương Thanh Thủy đã chia sẻ!
Thông điệp của Trương Thanh Thủy
Sống hết mình! Cái chết là đích cuối cùng của chúng ta.
Chẳng có gì chắc chắn hơn cái chết, dù bạn giàu hay nghèo. Ung thư là vấn đề chung của thế giới. Ngay lúc này ai cũng có xác suất chết như nhau vì những điều không lường trước. Vậy không phải bạn sống bao lâu mà là bạn đã sống như thế nào?
Khi ta chết đi, thứ duy nhất bạn mang theo được chính là những gì bạn cho đi.
Tôi giờ vẫn tập thể thao, leo núi, làm việc như chưa hề có bệnh; thậm chí có thể đi bộ 22km đường núi. Vậy nếu xui rủi bạn mắc ung thư như tôi? Hãy yêu lấy chính mình. Ráng sống với bệnh tật tốt nhất có thể; và tìm cách tận hưởng cuộc sống như thể bạn được tái sinh lần hai.
Bài: Nguyễn Hậu
Tiếp Thị Gia Đình