(Truyện ngắn hay) Tôi mở chiếc khóa xích gỉ sét treo hờ trước cổng và đẩy cửa bước vào. Không còn ai sống trong khu nhà ấy nữa. Bóng tối ủ dột lạnh lẽo phủ tràn lên khu nhà, vương lên những tấm màng nhện giăng bịt bùng khuất lối đi. Tiếng gỗ mục răn rắc đổ gãy trên nền gạch. Tôi dí tay qua miếng tường hành lang dài hun hút, ẩm mốc, rêu xanh, vằn vện những hình thù quái dị.
Ngày còn bé, tôi vẫn thường rất sợ khi đi qua hành lang này, một mình, vào buổi tối. Cảm giác như những hình thù vằn vệt kia trong trí tưởng tượng, của một đứa trẻ là một con quái thú thật sự. Nó là nỗi ám ảnh của tuổi thơ tôi trong một thời gian rất dài.
Tôi ngồi bệt xuống chân cầu thang gỗ ọp ẹp, dẫn lên bốn tầng chung cư hoen rỉ. Nhìn từ đây ra phía giếng trời, thế giới bên ngoài chỉ là một khoảng không vuông vức, chắn bởi hàng rào hình mắt cáo, vỏn vẹn đúng 4m² mà thi thoảng dù cố nhìn vẫn chẳng thể biết được ngoài kia mưa hay nắng.
(Truyện ngắn hay) Khu chung cư này ngày xưa, sáu căn hộ sống chồng trên lưng nhau, nheo nhóc, hỉ nộ ái ố như một xã hội. Tôi thậm chí chẳng biết lý do tại sao tôi trở về, ngồi lại trong căn chung cư cũ nát này, một mình. Nơi đây đã từng là một dấu lặng trong lòng tôi, mà đôi lần nghĩ đến, tôi chỉ muốn trốn chạy, quên đi, xóa hẳn chúng trong ký ức.
***
(Truyện ngắn hay) Ký ức của tôi bắt đầu vào năm tôi 7 tuổi. Trước đó tôi không nhớ được gì nhiều ngoài chuyện bố tôi có một xưởng gỗ tấp nập người ra kẻ vào, tiếng cười nói không ngớt. Bụi mùn cưa lúc nào cũng mù trời. Bàn tay bố xù xì, to đùng, thô ráp nhưng nhanh thoăn thoắt. Những mẫu hàng tuyệt đẹp từ đấy mà ra. Mẹ tôi làm một chân bán hàng trong cửa hàng tạp dịch của nhà nước, nho nhỏ, công việc làm cho vui.
Đầu tuần mẹ tôi thường ủi những bộ sơ mi quần tây phẳng lỳ, xếp đều tăm tắp trong tủ lớn, để mặc đi làm vào những ngày trong tuần. Mẹ tôi hay cười, ánh mắt lúng liếng. Những đợt bố giao hàng về, trong tay bố lúc nào cũng nhong nhóc quà cho mẹ con tôi. Tôi đã từng là đứa trẻ giàu có nhất khu tập thể ấy. Tôi thường đem ít bánh, ấn vào tay Thi, con chú Hiến hàng xóm, ngẩng đầu với một vẻ đầy kiêu hãnh. Mỗi lần như thế Thi lại cảm động, lúng túng, đỏ mặt, có lần ứa cả nước mắt.
Thế rồi, năm tôi vào lớp 3, bố mẹ bắt đầu ném vào nhau những cuộc cãi vã. Triền miên và vô tận. Tiếng chén bát vỡ xoang xoảng nhức óc. Tiếng gầm ghè. Tiếng thở hắt từ bên trong.
(Truyện ngắn hay) Rồi xưởng gỗ của bố đóng cửa. Kẻ hả hê, người thương hại. Họ kháo nhau trước mặt và sau lưng tôi rằng bố tôi vỡ nợ. Tiếng chì chiết qua kẽ răng của mẹ tôi rằng “đồ ngu, tin bạn cho lắm vào giờ chỉ khổ vợ con”.
Công việc vốn chỉ làm cho vui của mẹ bỗng chốc trở thành nguồn sống duy nhất của gia đình. Mà ở đời, phụ nữ sinh ra không phải để gánh tất cả trách nhiệm. Đàn ông là phải chăm lo được cho vợ con. Công thức của những gia đình hạnh phúc thường là như vậy.
Mỗi lần đi làm về, mẹ dễ nổi cáu và mệt mỏi hơn trước. Bố tôi không nói gì, chỉ ngồi đốt thuốc, đôi bàn tay xù xì thô ráp chỉ quẩn quanh nơi góc nhà, ánh mắt vằn vện, đỏ quạch.
(Truyện ngắn hay) Có lúc, mẹ nói như để cho bố nghe rằng giá mà có chồng như chú Hiến bố Thi, đàn ông phải như thế, chẳng bao giờ để cho vợ con đói khổ. Những lần như thế, tôi thường trốn trong góc cầu thang này, ngồi yên lặng trong bóng tối và nghĩ rằng cuộc sống trong căn hộ tầng bốn kia không thuộc về tôi. Đôi lần Thi thấy tôi, cô ấy đến ngồi sát bên, không nói lời nào, chỉ quàng tay qua tôi, khe khẽ.
***
(Truyện ngắn hay) Hồi bố mẹ tôi chia căn hộ 16m2 ra làm hai phần, bố ở gian bếp, mẹ ở phòng khách, chia bữa cơm gia đình 3 người thành hai cữ ăn riêng biệt. Đôi lúc, tôi tự hỏi người lớn có cần phải chia vào lòng con trẻ từng ấy nỗi buồn, từng ấy vết đau.
Bữa ăn của tôi thường bắt đầu hay kết thúc bằng việc đi mua ổ bánh mì không thịt cho bố. Bàn tay bố tôi thô ráp cầm ổ bánh mì, vừa ăn vừa nói bánh mì cũng ngon lắm con ạ. Tôi nghe cổ họng nghẹn nước mà nào tôi có làm được gì. Tôi chỉ là đứa trẻ 8 tuổi.
Đến bây giờ, tôi vẫn tin đó là những tháng ngày đen tối nhất trong cuộc đời mình. Không khí ngày tháng ấy như thành phố vào nồm. Nóng hổi. Uẩn ức và ngột ngạt. Một buổi sáng nào đó, trong chuỗi ký ức nhòe nhoẹt u uẩn của tôi, bố tát mẹ. Mẹ có lẽ đã nói điều gì đó không phải hoặc chói tai.
(Truyện ngắn hay) Sau khi mẹ đi làm, tôi thấy bố dùng chổi khua khắp nhà, tìm cho bằng được chiếc hoa tai. Lúc sáng bố tát mẹ bị văng mất. Bố cẩn thận đặt đôi hoa tai lên bàn và ông ra đi. Tôi trở về sau buổi học, bố đã không còn ở đó nữa. Tôi đã không biết phải làm gì. Điều duy nhất tôi có thể làm là trốn trong bóng tối, dưới chân cầu thang này. Cho đến khi, Thi ngồi xuống khẽ ngả đầu vào vai tôi và nói: “Toàn cứ khóc đi”. Nhưng không giọt nước mắt nào chảy, trong thâm tâm; có lẽ tôi đã chuẩn bị cho cuộc ra đi này từ lâu lắm rồi.
***
(Truyện ngắn hay) Rồi thành phố chuyển đông, sang thu, đến hạ, chúng tôi ngồi bên nhau trong bóng tối này; suốt một mùa tuổi thơ như thế. Tiếng loa phóng thanh lúc rè rè, lúc chói tai, phát những bài ca vàng vọt cũ kỹ. Tôi nhớ mùa xuân, chúng tôi cùng nhau đi nhặt những hạt bàng rơi đầy ngoài ngõ, đập nhoe nhoét, mủ dính đầy tay, rồi chui vào góc cầu thang này, nhâm nhi cái nhân hạt bàng chan chát vô vị.
Cũng có lần Thi ngồi cạnh tôi, trong bóng tối này, mặt lem nhem đầy máu và nước mắt. Bố Thi lại đánh mẹ con Thi. Đó là một người đàn ông giỏi giang; biết kiếm tiền, nhưng mỗi khi uống rượu vào thì đánh vợ con tàn nhẫn lắm. Mặt cô Phấn vợ chú lúc nào cũng chi chít vết bầm. Cô thường đi dạy với bộ mặt trát phấn, lấp liếm rằng cô ngã; nhưng mấy ai tin, khi mà vết ngã luôn thường xuyên, đều đặn và chỉ tuyền trên mặt.
Có lần, Thi đi chơi về muộn, chú Hiến nổi giận, nắm lấy tóc Thi; ném vào tường, như ném một con mèo ướt. Tôi nhớ đầu Thi đập vào tường gạch, còn có cả vết máu. Thi xụi lơ xuống đất, bất tỉnh như một con mèo chết. Lúc đấy, bố tôi hãy còn ở nhà, bố vừa ra viện, với cánh tay băng bó vì kẹt phải một thanh sắt nặng. Khi chú Hiến hung hãn định bồi thêm cho Thi vài cú đá, bố tôi lao đến, lấy cánh tay đau của mình vật gã chú Hiến ra.
(Truyện ngắn hay) Trong cơn điên loạn, chú đấm vào bố tôi túi bụi, tôi thấy máu ướt ra đầy miếng bông băng trắng trên tay bố. Từ đó, chú Hiến hiện lên trong tôi như một loài quỷ dữ. Dĩ nhiên, sau khi bố tôi đi, chú vẫn tiếp tục đánh vợ con. Cô Phấn vẫn đi dạy với khuôn mặt dày phấn. Còn Thi, vẫn mếu máo ngồi bên tôi những buổi chiều, trong góc hành lang này. Đôi bàn tay gầy guộc xanh xao.
Mời bạn xem tiếp Truyện ngắn hay trên TTGĐ: Chung cư – Kỳ 2 của tác giả Amanda Huỳnh vào tuần sau.
Amanda Huỳnh
Tiếp Thị Gia Đình