Hàng ngàn năm trước, dân chơi bất động sản phong kiến đã đẻ ra tiêu chí Nhất cận thị – nhị cận giang – tam cận lộ. Lội ngược dòng kinh sử, con người cổ đại rất thích ở gần sông để tận dụng nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, trồng trọt và giao thương… Các nền văn minh rực rỡ đầu tiên của nhân loại đều được hình thành và phát triển tại lưu vực các con sông lớn như văn minh Ai Cập – sông Nile, Ấn Độ – sông Hằng, Trung Hoa – sông Hoàng Hà, Việt Nam – văn minh sông Hồng…
Đến thời con cháu vua Hùng giai đoạn cách mạng công nghệ 4.0, có bổ sung thêm tiêu chí Tứ: cận Metro. Đối với dân rủng rỉnh túi tiền hoặc dân làm ăn, nhà gần sông quan trọng không kém việc cúng bái cầu tài là bao. Lý giải cho điều này chính là “cận sông” sẽ có tất cả những tiêu chí còn lại, từ “thị” cho đến “lộ”. Còn trong phong thủy, hành thủy tượng trưng cho tiền, mang đến tài lộc, vượng khí cho gia chủ. Xét về mặt khoa học, một căn nhà ven sông sẽ đem lại bầu không khí trong lành, hữu ích cho sức khỏe, đặc biệt là trong bối cảnh chật chội và nóng bức của đô thị thời bê tông hóa.
Với 80km chảy qua TP. HCM, con sông Sài Gòn đang trở thành yếu tố quan trọng giúp điều tiết khí hậu và làm đẹp cảnh quan. Cũng bởi tầm quan trọng này mà các dự án bất động sản khu Đông Sài Gòn ăn theo con sông này luôn được các nhà đầu tư ưu ái. Các cụm từ như Riverside, Riverview, Riverpark còn mang theo một ý nghĩa khác – giới thượng lưu.
Giấc mơ thượng lưu bất động sản Khu Đông Sài Gòn
Bất động sản Khu Đông Sài Gòn quy tụ tất cả những tiêu chí hot của câu tiên đề trên. Các chủ đầu tư ở khu bờ Đông gán mác thượng lưu vào “vùng chiến địa” này khiến cư dân thành phố đỏ mắt săn hàng. Sắp tới đây, người dân thậm chí sẽ được “thanh nhiệt” trong công viên ven sông lớn nhất thành phố!
Rồi con đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ không còn ngập nước và ùn tắc vào mùa mưa lũ khi đại gia Vingroup quyết định đầu tư 1.100 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp và xây dựng tuyến đường mới ven sông Sài Gòn nối liền với đường Ung Văn Khiêm mở rộng. Cơ sở hạ tầng giao thông của khu Đông Sài Gòn sẽ trở nên hoàn thiện hơn và từ đó nâng tầm vị thế bất động sản khu Đông trên thị trường. Tất nhiên, trước mắt sẽ nâng tầm chính dự án Vinhomes Central Park của… chủ xị. Tọa lạc tại mặt tiền đường Nguyễn Hữu Cảnh sầm uất, ngay từ khi ra mắt dự án đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước. Đây là một trong những vị trí đắc địa nhất của trung tâm TP. HCM, kết nối linh hoạt với các khu vực quan trọng trong thành phố bằng hệ thống giao thông thuận lợi: đường bộ, đường sắt, đường thủy và hệ thống tàu điện ngầm Bến Thành – Suối Tiên.
Rõ ràng, với việc quy hoạch Thủ Thiêm, Bất động sản khu Đông Sài Gòn đang được kỳ vọng trở thành một Phố Đông mới như của Thượng Hải. Giấc mơ Phố Đông, biểu tượng mới cho sự thịnh vượng tại Sài Gòn đang dần trở thành hiện thực. Bất động sản khu Đông Sài Gòn có diễn biến rất nhanh vì nhóm nhà đầu tư nước ngoài bao gồm 3 doanh nghiệp Hoa Kỳ là Cantor Fitzgerald (tổ chức tài chính), Weidner Resorts – đơn vị phát triển và quản lý nhiều khách sạn, khu phức hợp nghỉ dưỡng nổi tiếng thế giới – và Steelman Partners, đơn vị từng tham gia thiết kế dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng The Grand Hồ Tràm (Bà Rịa – Vũng Tàu), Happyland (Long An), cùng Công ty Liên Thái Bình Dương (IPP) của ông vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn, đã đề xuất thực hiện dự án với tổng số vốn đầu tư lên tới… 4 tỷ USD.
Siêu dự án nở rộ bất động sản khu Đông Sài Gòn
Bất động sản Khu Đông Sài Gòn đang lộ dần hình hài của một khu đô thị hiện đại với nhiều dự án bất động sản đình đám. Khu vực Thủ Đức đang trở mình với nhiều dự án ven sông nổi bật như Opal Riverside, dự án bao gồm 626 căn hộ nằm sát bờ sông Sài Gòn của Đất Xanh Group có giá bán trung bình 24 triệu/m²; khu đô thị Him Lam Đông Nam tọa lạc tại một trong những bán đảo đẹp nhất của dòng sông Sài Gòn ở phường Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức, bao gồm khu biệt thự cao cấp bờ sông, khu căn hộ cao tầng, khu nhà phố liên kế vườn, và khu nhà ở thương mại dịch vụ sắp được chào bán. Cuối cùng là dự án đất nền nghỉ dưỡng Jamona Home Resort đình đám của Sacomreal bao gồm 238 căn biệt thự và nhà phố với 2 mặt giáp sông Vĩnh Bình xanh mát.
Khu vực quận 9 cũng không kém phần nhộn nhịp với dự án Fuji Residence ba mặt giáp sông Rạch Chiếc của Nam Long. Đây là khu phức hợp cao cấp bao gồm 800 căn hộ Flora Fuji và 84 căn biệt thự Valora Fuji mang phong cách Nhật. Bên cạnh đó là dự án khu dân cư Tân Cảng ba mặt giáp sông tại mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh, của Công ty Cổ phần Địa ốc Tân Cảng. Dự án này có giá bán khá mềm bên cạnh dự án ven sông đẳng cấp hiện hữu Riviera Cove của Keppel Land với 96 căn với giá bán dao động từ 10–17 tỷ đồng/căn.
Quận 2 có lẽ là khu vực tập trung nhiều dự án ven sông cao cấp nhất hiện nay như Holm Residences của tập đoàn Sapphire (Úc); khu đô thị Sala của Đại Quang Minh; Đảo Kim Cương giai đoạn 2 của Tập đoàn Kusto (Singapore); The Vista Verde của CapitaLand; The Nassim và Gateway của SơnKim Land hợp tác cùng HongKong Land, khu biệt thự Sarah Villas Riverview Thảo Điền do Công ty Sao Sáng Sài Gòn, một thành viên của tập đoàn Hoàn Cầu Group, phát triển. Là điểm hợp lưu của sông Sài Gòn và sông Giồng Ông Tố, Đảo Kim Cương được giới thượng lưu ưa chuộng nhờ phong cách Resort Homes và vị trí độc, khởi đầu cho xu hướng mới: Luxury in Nature – Sống đẳng cấp giữa thiên nhiên hài hòa. Với mật độ cây xanh 86,5%, cao hơn nhiều so với một số quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Bất động sản Khu Đông Sài Gòn sẽ tiếp túc sốt trong những năm kế tiếp với mức giá đỏng đảnh khó lường!
5 Điểm nghẽn của thị trường bất động sản
Có thể nói, hầu hết các dự án này đều được phát triển với quy mô lớn và nhắm đến lớp khách hàng thượng lưu, những người không chỉ có khả năng kiếm tiền tốt, mà còn am hiểu thời thế và thích tận hưởng cuộc sống.
Nhìn toàn cục, thị trường bất động sản vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro như lệch pha
cung – cầu, chủ yếu lệch về phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng; sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp; trong lúc phân khúc thị trường nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền có tính thanh khoản cao, thì cung không đủ cầu. Thị trường bất động sản vẫn chưa phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững do đang còn vướng một số “điểm nghẽn” sau:
1. Tiền sử dụng đất đang là gánh nặng, là ẩn số, tạo ra cơ chế “xin – cho”, mà cuối cùng người mua nhà phải gánh.
2. “Điểm nghẽn” giải phóng mặt bằng dẫn đến tình trạng nhiều dự án bồi thường dở dang, không thể triển khai được, chôn vốn doanh nghiệp trong thời gian dài, chưa có lối ra.
3. “Điểm nghẽn” chuyển nhượng dự án bất động sản: pháp luật quy định chủ đầu tư phải giải phóng mặt bằng và phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có nhiều dự án thế chấp làm tài sản bảo đảm, nhiều trường hợp là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu ngân hàng. Do vậy, chưa tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới thay thế để khởi động lại các dự án đã bị ngưng triển khai hiện nay, cũng như chưa tạo được sự thông thoáng trong thị trường chuyển nhượng dự án.
4. “Điểm nghẽn” chính sách tín dụng chưa phù hợp, chưa tạo được nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường bất động sản, trong lúc tính chất hoạt động của thị trường này là trung hạn, dài hạn. Đến nay mới chỉ có 01 quỹ đầu tư bất động sản trong nước là Quỹ đầu tư TCREIT thuộc Techcombank thành lập tháng 7/2016. Lãi suất cho vay bất động sản vẫn còn cao (trên dưới 10%/năm); và đến nay vẫn chưa bố trí được nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho 4 ngân hàng lớn (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, ngoại trừ nguồn vốn khoảng 1.500 tỷ đồng trong tổng số 2.000 tỷ đồng mới vừa được Nhà nước bố trí cho Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay mua nhà ở xã hội.
5. Thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn chứa tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình phê duyệt, thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, như khâu thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật các công trình cấp 1…
Nguyễn Hậu
Tiếp Thị Gia Đình