Mới như hôm nào nhận được tin Giấy chứng nhận hữu cơ USDA và EU đã được gửi đến văn phòng, mình đang ở ngoài, chạy như điên về văn phòng. Mấy em nhân viên mặt đầy hí hửng và láu cá đã nhất quyết giấu giấy chứng nhận đi, không chịu đưa ra, vì các em cho rằng đó là tài sản được cấp cho các em ấy sau bao nỗ lực của các em đã cùng mình bỏ ra. Mình ngồi xuống, lặng im hưởng thụ cái không khí náo nhiệt đó, niềm hạnh phúc dâng trào…” (trích nhật ký Facebook Phạm Phương Thảo ngày 6–10–2016.)
Đôi dòng chia sẻ ấy không hiểu vì sao lại có sức hút kỳ lạ với tôi. Không thể dừng lại, tôi tiếp tục lao vào đọc say sưa những bài viết khác của chị trên Facebook. Rồi tôi lại tìm kiếm các bài báo nói về chị. Càng đọc, càng xem, tôi càng ấn tượng bởi tư duy và thái độ làm việc nghiêm túc, hết mình của chị Thảo dành cho niềm đam mê mãnh liệt với Organic Food – thực phẩm hữu cơ.
Và có lẽ chính vì thế mà người ta quen gọi chị với nick name “Thảo Organic”, thay vì Phạm Phương Thảo.
Trăn trở từ những lần ốm nghén đứa con đầu lòng
Có nhiều hoàn cảnh, nhiều tình huống để nảy sinh một ý tưởng kinh doanh. Thế nhưng đâu ai ngờ với chị Thảo, đó lại là những lần vật vã vì ốm nghén khi mang thai đứa con đầu lòng. Khi ấy, chị không thể ăn món gì khác ngoài rau tươi. Chính những cơn ốm nghén là khởi nguồn cho chuỗi thực phẩm hữu cơ Organica sau này.
Chị đã dành gần như trọn thời gian để tìm hiểu về thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch và vô tình biết được thực phẩm hữu cơ là tiêu chuẩn cao nhất về an toàn thực phẩm. Nông nghiệp hữu cơ còn mang đến rất nhiều lợi ích khác cho môi trường sống của con người. Sau khi tìm hiểu, Thảo Organic nhận thấy ở Việt Nam lúc bấy giờ (năm 2012), đã có một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hữu cơ có chứng nhận quốc tế như trà, gạo… nhưng chủ yếu chỉ để xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cũng xuất phát từ nhu cầu tìm thực phẩm an toàn cho gia đình, chị đã nghĩ đến việc sẽ mở một cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ. Nguồn cung sẽ đến từ những doanh nghiệp đang sản xuất các sản phẩm xuất khẩu đó để cung ứng cho nhu cầu trong nước.
Đối diện với trở ngại ngay trong lần đầu tiên
Nghĩ là làm. Ngay vào đầu năm 2013, chị đã mở một cửa hàng nhỏ chỉ vỏn vẹn 20m2 trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Tuy nhiên việc kinh doanh gặp ngay những trở ngại mà từ đầu chị đã không lường trước.
Trước tiên, đó là không có hàng để bán vì các doanh nghiệp đối tác hầu hết chỉ sản xuất một vài chủng loại sản phẩm đặc thù với sản lượng lớn để xuất khẩu. Khó khăn chồng chất khó khăn, thời điểm đó người nông dân còn chưa hiểu canh tác hữu cơ là thế nào và làm sao mà có thể trồng ra các nông phẩm đạt tiêu chuẩn.
“Mình có đề nghị họ cùng mang sản phẩm đi xét nghiệm để yên tâm hơn nhưng họ từ chối. Dù đã đặt yêu cầu với nhà cung cấp bảo đảm thực phẩm theo tiêu chuẩn 5 không: không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu hóa học, không phân bón hóa học, không chất kích thích tăng trưởng và bảo quản, không giống biến đổi gen; nhưng khi người nông dân gặp vấn đề về sâu bệnh, canh tác thì mình cũng không có giải pháp cho họ. Vốn dĩ, mình không phải là người học về nông nghiệp và cũng không có một chút kinh nghiệm nào về nông nghiệp. Vì thế, khi cây trồng bị sâu bệnh thì chỉ còn cách là hủy bỏ”, chị Phạm Phương Thảo tâm sự.
Tháng 10–2015: Cột mốc đáng tự hào
Từ vô vàn những khó khăn gặp phải, chị Phạm Phương Thảo xác định phải nghiêm túc đầu tư trang trại riêng để ổn định nguồn cung. Từ trang trại, chị có thể vừa lấy kinh nghiệm để hợp tác, vừa hỗ trợ nông dân. Thuê được mảnh đất gần 2ha ở xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, chị đã đầu tư công sức, tiền của để trồng rau củ hữu cơ và thuê một công ty tư vấn về thực phẩm hữu cơ để làm đúng ngay từ đầu.
Họ hướng dẫn chị phân chia nhỏ lô luống và đánh số thứ tự cụ thể để dễ kiểm soát và quản lý, xây nhà ủ phân, đường cổng vào, hào rãnh ra sao, xây nhà cho công nhân, cách ly vùng đệm như thế nào… Tất cả mọi công đoạn đều phải được ghi chép sổ sách cẩn thận. Đây là việc không hề dễ dàng, bởi người nông dân vốn dĩ chỉ biết sản xuất. Do vậy, chị đã thuê một số bạn làm việc tại văn phòng ở TP. HCM, hàng ngày gọi điện thoại đốc thúc, nhắc nhở ghi chép. Phải mất gần 3 năm, chị mới thực hiện thành công trang trại rau hữu cơ với gần 100 chủng loại rau, củ, quả.
Ðến tháng 10–2015, trang trại của chị đã được chứng nhận đạt 2 tiêu chuẩn về thực phẩm hữu cơ nghiêm ngặt và phổ biến nhất trên thế giới là USDA của Mỹ và của Liên minh châu Âu. Đây cũng là một trong những cơ sở đầu tiên tại Việt Nam nhận được 2 chứng nhận này.
Còn nhiều đam mê và ấp ủ
Canh tác hóa chất, có khi chỉ mất vài ngày từ sau khi gieo hạt đã thu hoạch rau và mang ra chợ bán. Còn ở nông trại của chị Phạm Phương Thảo, rau gieo xuống mà không cần cấy thì cũng mất cả từ 3 đến 4 tuần. Rau cấy đôi khi mất nhiều thời gian hơn. Sản lượng vô chừng, đôi khi không có.
Chị Phạm Phương Thảo còn nói vui rằng: “Ngày trước thời còn mơ mộng, thấy mưa rơi thì mừng vui, lãng mạn với nhạc với cà-phê… Còn giờ, thấy mưa buồn phát khóc. Mưa là cửa hàng sẽ ít khách. Mưa là các chú, các em giao hàng sẽ về trễ hơn vì kẹt xe. Mưa là vườn nhiệt đới bị ảnh hưởng nặng nề, rau sẽ ít vì nông dân cũng không làm được gì nhiều. Môi trường dễ dàng bị các loại sâu bệnh tràn đến…”.
Tuy nhiên niềm đam mê về thực phẩm hữu cơ vẫn đủ lớn để giúp chị, người phụ nữ có vóc dáng bé hạt tiêu, vẫn tất tả, bận rộn ngược xuôi chăm chút cho từng luống đất, mảnh vườn và hạnh phúc đến rơi lệ khi nhìn thấy được những thành quả lao động của mình. Organica ngày nay đã có 4 cửa hàng ở TP. HCM và 1 cửa hàng ở thành phố Đà Nẵng.
Đến nay, Organica đã có được chỗ đứng nhất định trên thị trường và chiếm được cảm tình của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Tuy nhiên, chị Phạm Phương Thảo còn mong muốn xây dựng Organica trở thành nơi cung ứng thực phẩm hữu cơ cho người Việt, bao gồm cả rau củ quả cùng các thực phẩm khác hoàn toàn thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe. Vẫn với tâm thế nghĩ là làm, chị Thảo đang phát triển thêm thực phẩm tươi sống và nhập khẩu các sản phẩm chất lượng tại một số quốc gia khác. Tất cả việc này được thực hiện với mong muốn có thể đưa ngày càng nhiều nhiều thực phẩm hữu cơ đến người tiêu dùng Việt trên cả nước.
“Chia sẻ những thông tin tiêu cực bao giờ cũng dễ, còn xây dựng niềm tin thì khó. Tuy nhiên, việc khó hơn mà bản thân tôi rất hiểu đó là giữ được niềm tin đã gây dựng trong lòng khách hàng. Duy trì, giữ vững niềm tin, đó là trách nhiệm lớn lao mà người có quyền lực sản xuất cần giữ”, chị Phạm Phương Thảo chân thành bộc bạch.
Thông tin thêm
Phạm Phương Thảo là giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại – Dịch vụ Mùa.
Chứng nhận hữu cơ USDA của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ, ban hành năm 2005 là chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ nghiêm ngặt nhất bởi vì đây là tiêu chuẩn thực phẩm thực sự. Cơ quan này yêu cầu sản phẩm chứa 95% thành phần hữu cơ mới được sử dụng logo của họ trên sản phẩm bày bán ra thị trường.
Bài: Ngọc Thảo
Tiếp Thị Gia Đình