Nguyên tắc phong thuỷ để có một “gương mặt bảng hiệu” hoàn hảo

Gương mặt bảng hiệu – Những nguyên tắc phong thủy cơ bản để có một bảng hiệu may mắn cho thương vận kinh doanh

Với dân kinh doanh, bảng hiệu là vật đại diện quan trọng. Nếu không chú ý nguyên tắc phong thủy khi thiết kế bảng hiệu, thương vận của bạn có thể gặp nhiều khó khăn.

Nguyên tắc phong thuỷ để có một “gương mặt bảng hiệu” hoàn hảo

1. Đầy cỡ, đúng màu

Mục đích của tấm bảng hiệu là để thể hiện tên tuổi và sản phẩm kinh doanh. Trong vô số các bảng hiệu, khách hàng thường dựa vào độ lớn nhỏ hay sự nổi bật, bắt mắt của bảng hiệu mà quyết định mua sắm.

Kích thước của bảng hiệu không nhất thiết phải quá lớn, vì vẻ ngoài đồ sộ và hoành tráng đôi khi sẽ phản tác dụng, khiến khách hàng e ngại không dám bước vào cửa hàng.

Thế nhưng, màu sắc lại cần đặc biệt chú trọng. Màu sắc dùng trên bảng hiệu phải hợp với ngũ hành mệnh lý của người chủ. Màu hợp mệnh sẽ phát huy tác dụng của bảng hiệu: vừa thu hút sự chú ý của khách hàng, vừa chiêu tài đắc lộc, giúp việc làm ăn thuận lợi, khấm khá.

Theo nguyên tắc phong thủy, cả màu chữ lẫn màu nền của bảng hiệu cần tương sinh tương hợp với ngũ hành thương nhân. Khi phối nhiều màu sắc khác nhau trên cùng một bảng hiệu, bạn chú ý nguyên tắc tương khắc ngũ hành. Tuyệt đối không đặt các màu tương khắc cùng với nhau (ví dụ: trắng và xanh lá – Kim khắc Mộc) vì sẽ gây bất lợi cho người kinh doanh.

phong-thuy-cach-chon-bang-hieu-hinh-anh

2. Có kiêng có lành

Ngũ hành trong mệnh lý mỗi người đều có hỷ thần và kỵ thần. Đối với người làm kinh doanh, thuộc tính ngũ hành của màu sắc bảng hiệu nhất định không được “phạm” vào kỵ thần của chủ.

Ví dụ về nguyên tắc phong thủy: người chủ thuộc mệnh Thủy, bản thân vốn kỵ Hỏa, Thổ. Bảng hiệu dùng nền vàng chữ đỏ sẽ rất bất lợi vì cả hai màu này đều thuộc vào kỵ thần của chủ.

3. Khách khắc chủ làm đủ vẫn không lời

Khi màu nền và màu chữ xung khắc nhau, bảng hiệu sẽ phạm vào thế “khách khắc chủ”. Ví dụ: nền màu trắng (hành Kim, đại diện cho khách hàng), chữ màu xanh lá (hành Mộc, đại diện cho người chủ). Đây là lỗi phong thủy mà các đối tác làm ăn trung gian như đại lý, xưởng gia công, nhà cung cấp, phân phối… cần đặc biệt chú ý vì dễ khiến thương vụ trục trặc, khách hàng ép giá, nhân công bội tín, lợi nhuận bất đạt.

4. Đặt đúng chỗ

Bảng hiệu đặt quá cao sẽ tạo ra thế lỏng lẽo, khiến việc làm ăn không được vững bền. Bảng hiệu đặt quá thấp lại gây cảm giác ức chế, khiến người chủ dễ bị chèn ép, thua thiệt, làm ăn lỗ vốn. Bảng hiệu chuẩn phải được bố trí cân xứng giữa độ cao và độ rộng của cửa hàng.

phong-thuy-cach-chon-bang-hieu-hinh-anh-shutterstock-642130834

5. Giặc ở xung quanh

Nếu bảng hiệu của bạn tương khắc với bảng hiệu của cửa tiệm kế bên, chuyện làm ăn dễ gặp nhiều trở ngại, tài vận không hanh thông. Ví dụ theo nguyên tắc phong thủy: bảng hiệu của bạn màu đen trong khi bảng hiệu cửa hàng bên cạnh là màu vàng. Khi đó, Thổ khắc Thủy sẽ khiến tài lộc của cửa tiệm bạn bị áp chế, giao thương bất lợi.

6. Đẹp không tỳ vết

Bảng hiệu đại diện cho cả một cửa hàng để chào đón người mua sắm và thu hút tài lộc về cho chủ. Vì vậy, trong quá trình thiết kế và lắp đặt, kiêng kỵ nhất chính là việc bảng hiệu bị chân người giẫm đạp lên. Điều này khiến người chủ dễ bị mất uy tín, làm ăn thua lỗ, bất tín với khách hàng.

Mọi chi tiết trên bảng hiệu phải luôn đầy đủ và hoàn thiện, không được để hư hỏng, thiếu sót dù chỉ là một bóng đèn hoặc một vết trầy xước. Khi bảng hiệu có dấu hiệu hư hỏng, cần sửa sang và thay mới ngay lập tức.

Bài: Lê Phương
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua