Giải cứu nông nghiệp, giải cứu… Tình!

Khi tìm kiếm những giải pháp khắc phục, đôi khi vấn đề không chỉ nằm ở lý trí hay những giải pháp mà còn cần cân nhắc cái tình

Trong phiên chất vấn Quốc hội mới đây, vấn đề giải cứu nông sản lại được đặt ra. Theo đó, các đại biểu quốc hội đặt câu hỏi cho Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường về cơn khủng hoảng thừa nguồn cung, khiến nông phẩm như ớt, dưa hấu, khoai lang, trứng gà, thịt heo… rớt giá thê thảm. Song, vấn đề đặt ra là vì sao suốt mấy chục năm nay, nền nông nghiệp nước nhà lại chưa bao giờ khởi sắc? Tính đến cuối năm 2015, nước ta xuất khẩu cà-phê số 2 thế giới, xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới. Nhưng qua nhiều thế hệ, mọi thứ dường như vẫn giậm chân tại chỗ.

Đây không phải là câu chuyện thời sự. Vấn nạn nông sản Việt Nam không tìm được đầu ra là câu chuyện nhức nhối, âm thầm diễn ra trong từng ngành sản xuất, ở từng sản phẩm một. Nỗi nhức nhối này vận động liên tục trong nội tại nền kinh tế để đến một điểm nút, chúng bùng nổ.

Trước đây, ta chứng kiến những cơn khủng hoảng nguồn cung diễn ra cách khoảng. Hiện tại, hiện tượng này diễn ra gối đầu liên tiếp. Mỗi tuần, Facebook lại có một cuộc kêu gọi giải cứu nông sản ở đâu đó. Nhưng đầu ra nông sản Việt đâu chỉ được giải quyết bằng một lời hiệu triệu hay theo cách nhỏ lẻ như thế?

Theo các chuyên gia, việc khủng hoảng nguồn cung trong thời gian tới có thể sẽ bùng nổ cùng lúc trên khắp các mặt trận nông sản. Viễn cảnh này rất có khả năng xảy ra, nếu chúng ta không có ngay một “trực thăng” giải cứu nền nông nghiệp khẩn cấp ở tầm cao, chứ không phải từng sản phẩm một.

Trong thời đại thông tin hiện nay, người ta rất dễ tìm ra giải pháp, phương án khoa học để giải quyết bất kỳ một vấn đề nào. Huống chi, thế giới đã bày sẵn kinh nghiệm để những trí tuệ Việt Nam cập nhật, từ quản lý đầu vào, quá trình sản xuất đến tiêu thụ. Vậy Việt Nam đang gặp khó ở đâu? Việt Nam có thừa, thậm chí lý tính đến độ người ta chọn những giải pháp có lợi ích thiết thực nhất.

Đáng tiếc, người nông dân đôi khi không phải là kẻ được hưởng lợi nhiều nhất. Giờ đây, nước mắt người dân đầm đìa trên những khoản nợ, những gương mặt thất thần trắng tay sau chuồng heo, trên vồng khoai hay ruộng ớt. Cơ hội nào cho người nông dân? Người nông dân Việt Nam vốn đã nghèo, mấy ai có “tiền dư của để” mà khắc phục hậu quả?

Một lần thất bại là họ đã suy sụp huống gì thất bại liên tục như thế! Sau trận bão khủng hoảng ế hàng, rớt giá, nhiều gia đình lâm nợ. Những phận người chân lấm tay bùn có được xem làm kim chỉ nam trong công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp sắp tới?
Để biến câu trả lời thành “Có”, trên cả một khối óc thông minh là trái tim có tình. Giữa bối cảnh nông sản Việt liên tục rớt giá, điều bức thiết hơn cả là giải cứu cái tình của những cơ quan hoạch định, quản lý nông nghiệp. Ở đó, còn là cái tình của thương lái lũng đoạn thị trường với đồng bào. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hãy đặt người nông dân và lợi ích của họ làm trọng tâm, rồi ta sẽ tìm ra cách.

BÀI: HẠNH THỦY
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua