6 khởi đầu cần thiết cho một người khởi nghiệp

Khởi nghiệp không phải là hành trình dễ dàng. Trước khi bắt tay vào dự án kinh doanh, bạn cần khởi động bản thân mình trước tiên. Bởi nếu chưa sẵn sàng, bạn dễ dàng gãy gánh giữa đường đấy!

Bắt đầu kinh doanh, khởi động doanh nghiệp của riêng mình có thể thay đổi toàn bộ cuộc sống của bạn. Khởi nghiệp có thể giải phóng bạn khỏi những lịch trình công việc nhàm chán hằng ngày như thuở còn làm công ăn lương, cho bạn cơ hội linh động thời gian và có thể làm việc ngay tại nhà. Khi là doanh nhân, bạn có thể thiết lập thời gian làm việc cho riêng mình, chọn đội ngũ nhân viên theo ý mình và theo đuổi ước mơ của riêng mình. Nếu mọi việc tiến triển đúng như ý, bạn đương nhiên có doanh thu và nhiều niềm vui khác.

Niềm vui là vậy nhưng khởi nghiệp không phải là hành trình dễ dàng. Bạn cần có sự quyết tâm, lòng can đảm và chuẩn bị nguồn năng lượng dồi dào để vượt qua vô số những trở ngại đang đợi sẵn. Bù lại, bạn sẽ học được cách khai thác nguồn lực bên trong mình và khám phá những nguồn năng lượng còn ẩn giấu. Món quà lớn nhất khi khởi nghiệp là bạn chỉ làm thuê cho chính mình, không phải làm việc cho bất cứ ai hay theo ý muốn người nào khác.

Vậy khởi nghiệp cần những gì? Dưới đây là sáu điểm chính yếu đúc kết từ kinh nghiệm của rất nhiều nhà khởi nghiệp đã thành công. Có thể nói đây là những lời khuyên thiết thực và cần thiết cho hành trình mà bạn sắp bước đi.

TIN TƯỞNG VÀO Ý TƯỞNG

Những doanh nhân thành công thường là người luôn theo đuổi mục tiêu mình đề ra và kiên định sắc son với ý tưởng của mình. Bạn cũng cần phải như vậy. Nếu muốn thành công, bạn phải có niềm tin kiên định. Mặc cho người khác nói gì, hãy cố gắng đi đến tận cùng của ý tưởng. Kinh doanh không phải là thế giới thời trang để thay đổi theo mùa, theo năm. Hãy làm theo lời Steve Jobs: “Các bạn phải tìm ra cái mình yêu thích. Cách duy nhất để làm những việc vĩ đại là yêu những gì mình làm. Nếu chưa tìm được điều đó, hãy tiếp tục tìm kiếm, đừng dừng lại”. Bạn chỉ bắt đầu khi tìm được điều làm mình đủ yêu thích để sẵn sàng cống hiến thời gian, sức lực, tuổi trẻ và cả tiền của.

khởi nghiệp hình ảnh 1

THAM GIA ĐÚNG TỔ CHỨC

Một lời khuyên nữa là bạn cần phải tham gia vào các tổ chức chuyên môn trong lĩnh vực mình muốn khởi nghiệp, hoặc các chương trình hỗ trợ doanh nhân và công ty khởi nghiệp. Bạn cũng đừng bỏ qua các buổi hội nghị và hội thảo. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh là có quá nhiều chọn lựa cho các chương trình, buổi hội thảo nên bạn cần dành thời gian tham khảo, tìm hiểu để lựa được chương trình nào thích hợp cho mình. Bởi đây là nơi để bạn có thể liên kết, gặp gỡ những người có thể giúp đỡ bạn trong con đường kinh doanh. Ngược lại, bạn cũng có cơ hội để thể hiện, hỗ trợ lại cho họ.

CHĂM SÓC TỐT CHO BẢN THÂN

Dù hăm hở tràn đầy nhiệt huyết, muốn làm mọi việc tốt nhất có thể nhưng bạn phải biết dành thời gian để nghỉ ngơi, tránh xa công việc. Thời gian ấy là lúc để giao tiếp với gia đình, bạn bè. Khi mệt mỏi, căng thẳng, bạn sẽ không thể đưa ra những quyết định sáng suốt và đúng đắn. Đi du lịch, gặp gỡ bạn bè, bạn sẽ có thêm năng lượng và nhiều ý tưởng hay ho cho công việc kinh doanh, thay vì chỉ giam mình trong văn phòng.

XÂY DỰNG MỘT ĐỘI NGŨ

Một trong những sai lầm nhiều người thường mắc phải khi khởi nghiệp là suy nghĩ mình có thể tự tay hoàn thành mọi việc. Sự thật là bạn không thể tạo nên doanh nghiệp mà không cần sự giúp đỡ. Hãy sử dụng bảng kế hoạch kinh doanh (ở bước 6)như một hướng dẫn. Sau đó bạn chia thành ba nhóm: Cố vấn chuyên môn, Hội đồng quản trị không chính thức và đội ngũ nhân viên.

Cố vấn chuyên môn là những người sẽ tư vấn những vấn đề cần thiết để khởi động và duy trì, phát triển doanh nghiệp như có cần hợp tác với ai hay không, loại bảo hiểm nào cần có, nơi đặt văn phòng… Các chuyên gia này bạn cần gồm kế toán, đại lý bảo hiểm, luật sư, nhà môi giới bất động sản… Hãy tham khảo từ những người có kinh nghiệm để họ hướng dẫn hay giới thiệu cho bạn những tên tuổi uy tín trong từng lĩnh vực.
Hội đồng quản trị không chính thức là một nhóm những nhà cố vấn, thường là các đồng nghiệp hay người có kinh nghiệm trong lĩnh vực bạn khởi nghiệp. Họ sẽ cho lời khuyên chân thành và hướng dẫn bạn. Vậy nên đừng ngại hỏi ý kiến của họ.

Cuối cùng là đội ngũ nhân viên, những người đồng hành, làm việc cùng bạn mỗi ngày để xây dựng doanh nghiệp. Nếu bạn chưa sẵn sàng hay chưa đủ điều kiện để thuê nhân viên toàn thời gian, hãy nghĩ đến sinh viên hay nhân viên bán thời gian. Đừng bao giờ tự mình làm mọi việc.
Bạn phải biết phân chia công việc và dành thời gian, sức lực của mình cho những hoạt động chính yếu như định hướng kinh doanh, lèo lái con thuyền đi đúng hướng.

khởi nghiệp hình ảnh 2

HIỂU VỀ NGÀNH NGHỀ CỦA BẠN

Bạn không thể bắt đầu kinh doanh trong lĩnh vực mình chẳng biết gì, chỉ thấy người khác thành công và muốn làm theo. Ví dụ, nếu bạn muốn mở nhà hàng, ít nhất bạn phải học về dịch vụ nhà hàng hoặc từng làm việc trong nhà hàng nào đó trước khi bước ra kinh doanh riêng. Nếu bạn muốn khởi nghiệp bằng công ty tiếp thị, bạn cần có kinh nghiệm trong tiếp thị và quảng cáo.

Ngoài ra, bạn cần dành thời gian để tìm hiểu thêm về ngành bạn muốn đầu tư. Điều này khá dễ dàng vì hiện nay các kiến thức đều có sẵn từ Internet, sách báo hoặc các lớp học. Hãy tham gia vào các group về lĩnh vực bạn muốn đầu tư trên Linkedln, Facebook hay các trang mạng xã hội để học hỏi hay đơn giản để hiểu về đối thủ của bạn.

TẠO MỘT KẾ HOẠCH KINH DOANH

Hầu hết những nhà khởi nghiệp đều bắt đầu bằng nguồn vốn mình tích lũy hay vay mượn từ gia đình, bạn bè, bởi không phải ai cũng tìm được nguồn vốn từ các quỹ đầu tư. Chính vì vậy, dù làm cho mình, mọi thứ theo ý mình nhưng bạn vẫn cần một kế hoạch kinh doanh. Đây sẽ một tài liệu gồm ba đến bốn trang về những kế hoạch và những điều bạn cần phải thực hiện trên chặng đường phía trước. Nếu chưa biết phải viết những gì, hãy ngồi vào bàn và tập trung suy nghĩ rồi liệt kê theo định hướng sau:

Mô tả rõ ràng về hoạt động kinh doanh.

Bản mô tả chi tiết về cách mà công việc sẽ chạy như thế nào hàng ngày.

Một bản danh sách các trách nhiệm của bạn và danh sách những gì bạn sẽ làm cũng như những gì nhân viên (nếu có) sẽ làm.

Một bản ước tính chi phí điều hành trong một tháng và một năm.

Một bản mô tả những việc làm sao để bạn có chi phí để duy trì hoạt động. trong khoảng thời gian 1 tháng và 1 năm.

Bài: Uyên Hồ
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua