Truyện ngắn hay: Mùa tình

Ngày trở về nơi mình từng phản bội, ông biết Dịu có thể sẽ hận ông suốt đời, suốt kiếp. Nhưng ông chịu hết, chỉ cần nhìn thấy mẹ con Dịu bình yên là đủ

Thiên hay ngắm nhìn những chùm lá cây vú sữa nhảy múa trong gió chiều xào xạc, chà lên mái tôn như những móng tay phù thủy quơ quào dọa nạt kẻ nào đó. Những âm thanh rền rĩ lặp đi lặp lại khiến người đang vui cũng trở nên cáu kỉnh. Cơn giận không tự nhiên mà tới. Phải có một căn nguyên nào đó. Cậu không tin rằng một kẻ luôn dửng dưng trước mọi biến sự lại có thể nhanh chóng bùng lên cơn giận thiêu trụi bất cứ thứ gì trước mắt.
Trước giờ, Thiên bao giờ cũng răm rắp nghe lời ngoại. Ngoại là người sống có tình có nghĩa, nên bất kể điều gì ngoại nghĩ cũng là nghĩ cho người. “Con cũng cần phải học cách nghĩ cho người, khó lắm, nhưng phải học. Cuộc sống này mỗi ngày trôi qua là một bài học, học để lớn lên rồi già đi.” Thiên nhìn sắc môi thắm màu trầu của ngoại run run mà thương không hết. Người già cả nghĩ, suốt ngày quanh quẩn nếp nhà mà cứ hở ra là bảo mình sắp đi xa nơi này nơi kia, rồi nói những lời như trăn trối, khiến Thiên nhiều lúc hoảng hồn không biết ngoại nói thật hay đùa.

Khi ngoại nói hãy để ông ta ở lại, Thiên không thể phản đối nhưng rõ ràng cậu thấy bụng mình không ưng. Thiên khinh lắm cái điệu bộ ông ta cúi đầu, hai tay bợ lấy bàn tay gầy guộc của ngoại đầy vẻ hàm ơn lẫn hối lỗi. Ông nấc lên từng tiếng não nề.
– Người ta nói có mẹ như có Phật trong nhà. Con có mắt mà như mù. Con xin lỗi mẹ!
Ngoại chầm chậm rút tay lên quẹt trầu. Giọng nhẹ nhưng phảng phất mùi hờn dỗi.
– Lỗi phải gì! Cuộc đời này ngắn lắm, ráng mà sống cho ra sống!
Rồi ngoại phẩy tay kêu ông ta đi tắm, kêu Dịu – mẹ Thiên lo cơm chiều, ngoại mệt, ngoại đi nằm. Thường khi ngoại mệt, ngoại vẫn hay thả mình trên ghế dựa có chân nhịp lắc lư kẽo kẹt trong gian nhà lớn phía trước. Cái ghế đó hồi nhỏ Thiên cũng hay trèo lên lắc lư nghịch ngợm đến độ té sứt trán, nhưng sau lần thấy cái ghế xuất hiện lẻ loi đầy ám ảnh trong một phim kinh dị nước ngoài, tuyệt nhiên cậu không bao giờ đụng đến nó nữa.
Thiên nhận ra mùi của sự đe dọa đang bủa vây mình và nhanh chóng tránh xa những rắc rối đã được báo trước. Phải trơ mình ra chống chọi với mọi thứ từ tấm bé nên Thiên có ý thức phòng vệ rất bản năng. Núp sau tà áo nhàu nhĩ của mẹ Dịu, Thiên chỉ nhận được những tràng cười ngây dại khi bị người khác bắt nạt. Những tràng cười của mẹ càng châm thêm lửa lớn cho những trò quấy phá điên khùng của bọn người trắc nết. Sau những lần im lặng chịu trận, Thiên thử phản kháng như con mèo bị dồn hẳn vào góc chết ở chân tường. Con mèo khi bị ép đến đường cùng, nó sẽ biết trời phú cho nó bộ nanh vuốt sắc bén để làm gì, ngoài việc lâu lâu lôi ra khè mấy con chuột nhãi nhép.
Không bắt nạt được Thiên nữa, bọn người kia chuyển hướng sang mẹ Dịu. Ngoại không thể cứ cầm gậy xồng xộc chỗ này chỗ kia để rượt đuổi đám người đó để bảo vệ con cháu. Ngoại bắt mẹ con Thiên phải ở nhà, cấm bén mảng về phía chợ, nơi có bao hấp lực hút lấy đứa trẻ háu ăn, háu chơi như Thiên khiến cậu cuồng chân đến phát điên lên được.

Mỗi mùa vú sữa rộ, trái chín mọng đu đeo lủng lẳng trên cành, những tàn cây quào lên mái nhà như quào vào lòng Thiên nỗi nhớ ngoại khôn cùng.

Mẹ Dịu hay bày mấy thúng vú sữa chín cây ngay trước ngõ nhà, nơi con đường nối liền miền Tây đi thành phố dài thườn thượt với bao lượt người dập dìu qua lại. Chỉ một loáng vài lượt xe trôi qua là mấy thúng vú sữa của mẹ Dịu đã hết nhẵn. Nhưng ngoại đợi hoài, khi nắng đã tươm mật vàng ruộm trên mái nhà vẫn không thấy con gái trở vô làm cơm cho hai bà cháu. Bà lại phải cắp gậy đi loanh quanh tìm Dịu. Dịu đi tìm ông ấy, có khi đi đến gần chục cây số mới chợt tỉnh, rồi Dịu khóc. Mười đầu ngón chân Dịu không còn chỗ nào trơn nhẵn được, chúng nứt thành từng chùm tóe máu khắp mặt đường mà bóng dáng ông ta vẫn chìm lẫn vào vùng tối thâm u nào đó. Dịu cũng không ít lần hớt hải chạy về níu lấy áo ngoại, nước mắt ràn rụa, rạt giọng kêu gào hãy cứu lấy ông ấy.
– Con ma, con ma tóc dài tới gót chân đã bắt anh ấy đi. Má, má cứu anh ấy dùm con đi má!

Ngoại ôm lấy cái đầu bù xù của con gái. Ngoại vừa thương vừa giận. Ngoại chỉ có mình Dịu thôi mà sao Dịu không hề giống ngoại. Ông ngoại cũng bỏ bà và Dịu mà vui thú ở nơi nào đó không về, nhưng bà có bao giờ gục xuống kêu than. Dịu khác, Dịu chỉ biết lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh phúc của mình. Dịu vui vẻ sống cuộc đời của kẻ khác như một cái bóng luôn lặng lẽ ngã về sau.
Ông lặng lẽ gom bộ đồ cũ sờn vào nhà tắm. Nhà tắm nhỏ xíu chỉ đủ chứa một lu nước còn đóng váng phèn vàng khè dưới đáy. Cái gàu múc nước làm từ nửa trái dừa khô đã đen nhẵn, trơn bóng như bề mặt vòng mã não mà má Dịu đang đeo. Nó bóng đến nỗi ông soi rõ khuôn mặt mình trong đó. Khuôn mặt ông chằng chịt những chùm da thịt nhăn nheo theo thời gian, gói kín những nỗi khổ vào từng mép hằn. Ông dội từng gàu nước chua mùi phèn lên người, toàn thân run lên khi nhớ đến lời hứa năm xưa. Chỉ là hứa làm lại cho mẹ con Dịu cái nhà tắm đàng hoàng, sạch sẽ, kiếm cho Dịu nguồn nước sạch cho vợ mình được thắm da dài tóc như vợ người. Vậy mà, chỉ vì hấp lực đồng tiền ở người phụ nữ góa chồng trên phố, ông đã cuốn gói ra đi.
Nhưng cuộc đời này bạc lắm, bao nhiêu năm về làm lụng không công cho người đàn bà nanh nọc đó, ông lại phải trốn chạy và tìm về nơi mình từng phản bội. Dịu có thể sẽ hận ông suốt đời suốt kiếp, ông chịu hết. Ông chỉ cần được nhìn thấy mẹ con Dịu bình yên là đủ, và còn phải kịp nói một lời xin lỗi, dù biết cả cuộc đời còn lại không sao bù đắp được lỗi lầm mình gây ra. Ông đâu ngờ vì mình mà vợ ông từ một cô gái xinh đẹp, giỏi giang lại hóa ngây dại, sống không bằng chết. Nhưng thật kỳ lạ là, khi ông trở về, dù tóc đã lấm tấm bạc, mắt Dịu vẫn sáng ngời nhìn ông dịu dàng như những ngày đầu tiên hai người mới quen nhau. Ông biết, cho dù có nhắm mắt xuôi tay mình vẫn không bao giờ quên được ánh mắt đó, như một thứ ánh sáng diệu kỳ xua đi bao nỗi sợ hãi trong mình, để ông được bình yên trở về bên Dịu.
Nhưng Thiên thì khác. Trong mắt cậu có hai đốm lửa sẵn sàng rực cháy để thiêu trụi mọi thứ. Bữa cơm đầu tiên có cha, Thiên giằng mạnh chén cơm khiến hai cái trứng cá bống căng tròn ông vừa gắp cho cậu văng mạnh. Bữa cơm ngột ngạt trôi, ai nấy cố nuốt lấy những hạt cơm chèn ngang họng. Ngoại lại thở dài, than nóng, than mệt, muốn đi nằm. Mẹ Dịu khẽ khàng lau dọn mọi thứ, vừa làm vừa hát những câu hờn dỗi. Ông ra nằm võng rít thuốc ngoài hiên sau. Thiên giận điên người. Cậu hằm hằm vác rựa ra gốc vú sữa, bổ phằm phặp vào gốc cây trút giận. Những miếng dăm gỗ văng tung tóe, xẹt qua gò má cứa một vệt dài tươm máu. Cái đau thịt da làm sao bằng cái đau trong lòng thằng con rơi con rớt. “Ông ở đâu khi mẹ con tôi đói khổ vất vưởng, để rồi giờ lại lê cái thân tàn trở về đây mà báo đời mẹ con tôi hả?”.

Thiên gầm lên như con thú hoang. Nhưng rồi ngay lập tức cậu im bặt khi những ngón tay gầy guộc của bà bịt ngang miệng cậu.
– Thiên, con phải nghe chuyện này. Từ giờ, ngoại không kể lại lần nào nữa, nên mày phải ráng nghe mà để bụng! Ngày đó, chỉ vì tự ái đàn bà mà ngoại không chấp nhận cho ông ngoại bây trở về. Mẹ mày vì không có cha uốn nắn nên mới dại dột, mới khổ cả đời như vậy. Giờ, ngoại không muốn lặp lại sai lầm một lần nữa. Cái cây muốn cao lớn thì phải được vun trồng, chăm sóc. Không có ai chăm sóc, nó sẽ dần dần chết yểu con ạ! Hãy nhìn mẹ mày đi, không có ba mày, nó sống có ra gì? Rồi còn mày, sau này ai mang sính lễ đi hỏi cưới con gái người ta cho mày? Ngoại không lột da sống đời với con cháu được đâu bây!
Ngoại không sống đời được. Mỗi mùa vú sữa rộ, trái chín mọng đu đeo lủng lẳng trên cành, những tàn cây quào lên mái nhà như quào vào lòng Thiên nỗi nhớ ngoại khôn cùng. Nếu không có ngoại mở lòng đón ba Thiên trở về, mẹ vẫn còn sống tiếp những chuỗi ngày ai oán, đâu cất lên được tiếng cười giòn tan khi cùng ba đẩy xe vú sữa cao ngập mặt ra chợ bán. Hai ông bà líu lo như đôi tình nhân.

Còn Thiên sẽ không được bình thản nằm dài dưới gốc cây đánh một giấc ngon lành. Tâm cậu đã bình an. Đúng như ngoại dạy, chỉ cần tâm bình thì thế giới bình. Cậu không lo chi nữa, chỉ lo đôi tình nhân già tối nay lại dắt nhau lên thị xã chơi, cậu phải đi ăn hủ tíu gõ ngoài đường thôi. Mùa vú sữa chín rục cũng là mùa tình đang ùa về trong mái nhà thân thương của ngoại.

Trần Huyền Trang
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua