Xu hướng nhà ở 2017 là sử dụng những vật liệu quen thuộc nhưng tạo nên không gian kiến trúc mới. Gạch thông gió là một trong những vật liệu đó. Tuy giản đơn và có phần xưa cũ, nhưng ở thời đại nào, gạch thông gió vẫn là “ông mai bà mối” lý tưởng nhất để se duyên nhà cửa với thiên nhiên. Kỳ này, Tiếp Thị Gia Đình mời bạn cùng khám phá nhà của chị Cẩm Vân, Q. Gò Vấp, TP. HCM – một không gian đẹp “trăm năm tình viên mãn” với đất trời nhờ vào mối duyên với gạch thông gió.
Không gian đẹp: Có căn nhà nằm nghe nắng mưa
Gạch thông gió – cô gái đến từ hôm qua
Nhà chị Cẩm Vân có hai mặt chính nằm về hướng Tây và Tây Bắc, nơi đón nắng và những luồng gió chiều, nên rất phù hợp với phong cách thiết kế lấy gạch thông gió làm vật liệu chủ đạo. Những mảng tường gạch thông gió tuy có nhiều lỗ trống, nhưng cấu trúc lại rất vững chải cho việc che chắn, đồng thời đảm bảo cho không gian luôn được mở rộng và thông thoáng.
Thập niên 70–80 về trước, gạch thông gió là loại vật liệu gần như đi đâu cũng thấy, từ nhà ở cho đến các công trình công cộng như cơ quan hành chính, bệnh viện, nhà hát… Chất liệu có độ bền cao, cấu trúc vững vàng và hình thức đa dạng, gạch thông gió dần phổ biến và trở thành yếu tố tạo nên kiến trúc tân thời lúc bấy giờ. Giờ đây, sau nhiều thập kỷ, gạch thông gió đã trở lại. Không chỉ che chắn và kết nối không gian, vật liệu này còn đem vẻ đẹp hoài cổ của thời quá khứ vàng son ướm lên sắc diện những ngôi nhà hiện đại.
Những mảng gạch thông gió trong nhà chị Cẩm Vân đa số đều có dạng hình kỷ hà (một thuật ngữ mỹ thuật chỉ những hình đơn giản như vuông, tam giác và tròn, là nền tảng tạo ra các hình kim cương, hình thang, bán nguyệt, các khối trụ, cầu…). Hình kỷ hà được ứng dụng nhiều nhất trong thiết kế nội thất. Dù công trình theo kiểu truyền thống hay hiện đại, hình kỷ hà vẫn đảm bảo được tính thẩm mỹ trong xây dựng mà không ảnh hưởng đến bố cục không gian.
Gió qua miền tối sáng
Chất liệu và màu sắc thô của gạch thông gió có độ bóng rất hạn chế. Vì thế, cường độ ánh sáng chiếu vào nhà cũng được tiết giảm đáng kể. Phần tường gạch được bố trí cách khu vực sinh hoạt trong nhà một khoảng hẹp và ngăn cách bằng cửa kính trong suốt để tránh bụi. Vì thế, dẫu có mưa to gió lớn, người trong nhà vẫn có thể cảm nhận rõ những biến chuyển bất ngờ của thời tiết bên ngoài mà không lo bị ẩm ướt hay buốt lạnh.
Trần nhà đẹp lắm, trần nhà ơi, trần nhà ơi…
Bê tông trần kết hợp với hệ thống bóng đèn độc đáo đem lại diện mạo tuy sáng tạo, phá cách nhưng cũng thật mộc mạc, dung dị và gần gũi cho trần nhà. Thay vì trần đúc thô cứng hay la-phông đơn điệu, kiến trúc sư đã dùng các tấm mây tre đan dân dã, thân thuộc để làm trần nhà, ngăn cách không gian đẹp sinh hoạt và phần mái.
Mây tre đan là loại vật liệu mới mà cũ, lạ mà quen, dễ dàng trong thi công và thân thiện với môi trường. Dù chiếm toàn bộ diện tích phía trên, song, trần nhà vẫn tạo nên cảm giác nhẹ nhàng, ấm cúng và thoáng đãng chứ không ngột ngạt, bít bùng như định kiến nhiều người vẫn hay dành cho nhà ở đô thị.
Giữa vườn cây xanh tươi, em chào đón mặt trời
Những mặt tường ngăn cách được cấu thành từ hệ lam gỗ không chỉ giúp giảm bớt nắng gắt mà còn gián tiếp rẽ gió, tạo bóng mát cho mặt trong ngôi nhà. Nắm được công năng hữu dụng này, gia chủ đã khéo léo bố trí một khu vườn nhỏ với tiểu cảnh, hồ cá cùng nhiều loại cây xanh ở ngay khoảng không phía sau hệ lam chắn. Có đầy đủ nắng ngả, mưa sa, gió phà, bóng toả… các loại cây cối đều sinh trưởng tươi tốt, biến khoảng không gian đẹp nhỏ hẹp thành một vườn sinh thái mini đích thực.
Mảng tường gạch với những ô vuông rỗng còn rất lý tưởng để chủ nhà trồng các loại dây leo, hoa treo… cho không gian đẹp thêm duyên dáng, lãng mạn.
Bài: Lê Giang
Ảnh: Anh Dũng
Thiết kế: Kiến trúc sư Phan Thanh Minh
Trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của gia đình chị Phạm Cẩm Vân, 965/6/2B Quang Trung, Q. Gò Vấp, TP. HCM đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thành bài viết này
Tiếp Thị Gia Đình