Cách đây gần 2 tháng, TTGĐ đã có bài viết về tình trạng sốt đất tại Q. 9 và giá đất quận 9 nhảy vọt. Không dừng lại ở đó, đến nay, giá đất quận 9 đã sốt càng sốt. Tính đến thời điểm này so với năm 2015, giá bất động sản nhiều nơi ở đây đã tăng đến mức khủng khiếp 300%, và tính riêng thời điểm so với đầu năm, nhiều nơi giá đất tăng 30-40%.
Vì sao giá tăng?
Một cò đất (cá nhân môi giới) cũng cho biết: “Giá đất bắt đầu tăng khủng khiếp từ đầu năm nay, khi đường sá nâng cấp và thị trường đi lên, nhiều công ty bất động sản đổ về đây làm dự án phân lô rầm rộ, rồi người dân các nơi cũng đổ xô về đây mua đất cất nhà”. Chị T.X (một nhân viên văn phòng tại Q. 2, TP. HCM) cho biết cách đây 2 năm, giá đất ở P. Tăng Nhơn Phú A khoảng 12 triệu đồng/m2, nay giá đất đã tăng 28 triệu đồng/m2. Cả tháng nay, chị mỏi miệng gọi điện thoại cho các cò mà chưa thể tìm mua một miếng đất 5x15m2 với giá chấp nhận được. Lý do giá đất quận 9 tăng là hiện nay, đất Q. 9 đang trong tình trạng khan hiếm, đặc biệt với đất phân lô. Hầu hết, các cò bất động sản vào thời có “quyền lực lồng lộn”. Giá bán được các cò thổi lên trên trời, người mua đơn lẻ rất khó tiếp cận.
Trong vai người mua đất ở Q. 9, tôi gọi điện ròng rã tìm cò để hỏi mua đất, cò giới thiệu cho tôi 1 mảnh đất có diện tích 74m2 với giá 1,25 tỷ đồng tại đường 6, Long Bình gần Vincity và Vành Đai 3, Q. 9. Đến trưa tôi gọi lại gút giá, anh cò đất cho biết miếng đất vừa bán xong và giới thiệu tôi xem mảnh đất khác, diện tích thấp hơn nhưng giá cũng 1,25 tỷ đồng. Tôi tìm cò khác, tình trạng tương tự cũng diễn ra. Các anh cò còn nói chắc: “Chị mua liền đi chứ chần chờ là có người khác mua liền! Chị mua để đó, từ nay đến cuối năm, mỗi tháng giá sẽ lên ít nhất 50 triệu đồng”.
Cũng giống như tôi, chị H (Q. Gò Vấp) cho biết trước đây cũng từng bị cò dắt lòng vòng. Mãi sau này mới biết, 1 miếng đất mà có rất nhiều cò tranh nhau, từ cò cấp lớn đến cấp nhỏ, qua nhiều cò, giá đất càng thổi lên cao. Đến khi tôi làm việc với công ty môi giới bất động sản có người quen biết, tôi mới mua được miếng đất ở Q. 9 có mức giá tạm hài lòng, trong thời buổi đất sốt hầm hập này.
Một nhân viên của công ty bất động sản cho biết hiện nay ngoài các dự án mới mở, nhiều công ty bất động sản, cò đất tìm mua các lô đất của người khác muốn bán lại sau đó đẩy giá lên cao để bán kiếm lời. Nguyên nhân tăng giá chủ yếu là do các dự án “ăn theo” các tuyến đường lớn, hạ tầng đang đầu tư, môi giới tung tin hết hàng, giá tăng để gây cảm giác sốt nóng. Bên cạnh đó, nhiều người đầu tư nhỏ lẻ cũng muốn mua đi bán lại với giá cao. Thêm nữa, nhiều người đang có nhu cầu ở, thấy giá đất tăng liên tục cũng sốt ruột mà mua vội vàng.
Đầu năm 2017, giá đất TP. HCM đã tăng hầu hết ở tất cả các quận, nhất là những khu Đông – Nam – Tây thành phố và các huyện lân cận như Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn. Giá đất cũng bắt đầu hình thành một mặt bằng mới và không bền vững do tâm lý té nước theo mưa.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho biết có 2 nguyên nhân chính khiến giá đất tăng:
1. Do sự phát triển rất mạnh hệ thống hạ tầng đô thị, trước hết là hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố (các tuyến metro, các tuyến đường cao tốc, các tuyến đường vành đai, các tuyến đường kết nối, thông tin về các dự án cầu Cát Lái, cầu Bình Khánh, cầu Phước Khánh…) đã có tác động kích thích làm tăng mặt bằng giá bất động sản, đặc biệt là ở khu Đông, khu Nam, khu Tây của thành phố, đã bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này.
2. Do giới đầu nậu và cò đất làm giá, thổi giá đất nền tại các quận ven và huyện ngoại thành. Với thủ đoạn tung hỏa mù, thực thực hư hư, họ lợi dụng các thành quả phát triển hạ tầng giao thông của thành phố, các thông tin chính thống, tung tin thất thiệt, kể cả lợi dụng các tin đồn để kích giá, thổi giá, đẩy giá, tạo sóng lướt sóng để thủ lợi tối đa trong phân khúc thị trường đất nền ở các quận ven và các huyện ngoại thành. Nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp lướt sóng “theo tâm lý đám đông” có thể bị sập bẫy, bị thiệt hại nặng khi thị trường hạ nhiệt. Hoạt động của giới đầu nậu và cò đất bất chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến “sốt giá ảo” đất nền hiện nay. Muốn chấm dứt tình trạng này, chúng ta cần phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Ông Lê Hoàng Châu cũng đề xuất với Ủy ban Nhân dân Thành phố các giải pháp để hạ nhiệt “sốt giá ảo” đất nền hiện nay, cụ thể như:
1. Đề nghị Lãnh đạo thành phố công bố rõ hiện nay Thành phố chưa có chủ trương thành lập tổ chức hành chính theo mô hình thành phố trong thành phố ở khu Đông, khu Nam, khu Tây thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, Hiệp hội cũng đề nghị Lãnh đạo thành phố chỉ đạo các nhà đầu tư khẩn trương trình các dự án đầu tư Đại lộ ven sông Sài Gòn để được xét duyệt theo quy định và sớm công bố kết quả xét duyệt để người dân hiểu rõ thông tin, tránh bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này.
2. Đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố sớm ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 15–10–2014 của Ủy ban Nhân dân Thành phố quy định về diện tích đất ở tối thiểu được tách thửa. Thành phố tạo điều kiện cho các hộ gia đình đông người có nhu cầu tách thửa ra riêng, nhưng cần có cơ chế quản lý chặt chẽ để tránh trường hợp bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thực hiện tách thửa, phân lô để bán nền tràn lan. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới cơn “sốt giá ảo” đất nền như trong thời gian qua, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đô thị và tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản
3. Đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo nghiên cứu cơ chế, chính sách để quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản của giới đầu nậu, cò đất hiện đang hoạt động với tư cách cá nhân không có đăng ký kinh doanh, có trường hợp nấp bóng người chủ đất, hoặc nấp bóng doanh nghiệp để kinh doanh bất động sản với nhiều thủ đoạn tinh vi để trốn thuế, né thuế, trong lúc theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2014 thì hoạt động mua bán đất nền cũng là hoạt động kinh doanh bất động sản phải có đăng ký kinh doanh, phải có vốn pháp định.
BÀI: AN AN
Tiếp Thị Gia Đình