Viết kịch bản phim, lên đề cương, viết, sửa kịch bản phim, đứng lớp giảng dạy biên kịch, viết sách, làm các sản phẩm handmade, viết báo và làm công tác xã hội, bạn có thể thực hiện trong một ngày không? Mọi thứ đều khả thi nếu như bạn có đam mê hăng say làm việc và biết cách giải quyết một cách hiệu quả nhất. Nữ biên kịch Phạm Tuyết Hường đã làm được điều đó.
Tranh thủ khoảng thời gian trống giữa các dự án phim, biên kịch của sitcom hài đình đám Xóm trọ vui nhộn đã dành cho TTGĐ một buổi chuyện trò về công việc cũng như bộc bạch tâm tư về nghề nghiệp mà Phạm Tuyết Hường đang theo đuổi.
Để sáng tạo, cảm xúc là quan trọng nhất
Từng viết báo, phát hành sách, viết kịch bản phim, phải chăng chị là người thích ôm đồm nhiều việc?
Tôi không chắc mình có ôm đồm hay không nhưng bản thân phải thích thì mới làm. Ngày trước, chị của tôi cũng từng nói rằng: “Sao em tham vọng quá vậy? Cái gì cũng muốn làm!”. Khi đó tôi có trả lời: “Phải tham vọng như vậy thì mới tiến bộ được”.Nếu cuộc sống của mình không có nhiều mục tiêu để theo đuổi thì sẽ rất tẻ nhạt.
Lúc còn nhỏ, tôi thích nhiều thứ. Khi lớn lên, tôi muốn hiện thực hóa những điều mình thích. Từng giai đoạn, tôi có những mục tiêu vừa phải cho bản thân. Khi đã hoàn thành, tôi đặt tiếp mục tiêu cao hơn.
Bây giờ đã là một biên kịch, vậy mục tiêu cao hơn của Phạm Tuyết Hường là gì?
Ban đầu tôi chỉ viết kịch bản phim truyền hình. Bước tiếp theo sẽ viết kịch bản phim điện ảnh. Với một biên kịch, viết nội dung cho phim điện ảnh là niềm mơ ước và đẳng cấp của nghề.
Nhiều biên kịch giàu kinh nghiệm nhưng chưa chắc họ đã có cơ hội viết kịch bản cho phim điện ảnh. Thời gian sắp tới tôi vẫn sẽ trau dồi bản thân để lên ý tưởng và viết nội dung phim điện ảnh. Khi đã dày dặn kinh nghiệm hơn, tôi muốn trở thành một nhà sản xuất phim do chính mình viết.
Người ta nói biên kịch cũng là nghề làm dâu trăm họ. Tôi thấy quá đúng! – Phạm Tuyết Hường chia sẻ
Để viết sách hay kịch bản, đều cần ý tưởng sáng tạo. Vậy điều đó đến từ đâu?
Tôi tự nhận thấy ưu điểm bản thân là cực kỳ sáng tạo. Khoảng thời gian công tác báo chí, tổng biên tập đánh giá tôi là người có nhiều đề tài khai thác. Ví dụ một chuyến đi công tác, các phóng viên khác có thể thu nhặt 2 – 3 đề tài, còn tôi lúc nào cũng “bỏ túi” khoảng 10 đề tài. Trong 10 đề tài đó, có đến 7 cái sử dụng được. Tôi là người thích dịch chuyển. Những chuyến đi đó giúp tôi tiếp cận được với nhiều người, nhiều vấn đề của cuộc sống. Từ đó, ý tưởng cũng tự nảy sinh trong đầu liên tục.
Người ta thường nghĩ biên kịch đã có quá trình dài chiêm nghiệm rất nhiều bộ phim khác nhau trước khi bắt đầu công việc này. Thú thật là trước đây tôi rất làm biếng xem phim. Đến khi bắt tay vào làm phim hay viết sách, tôi mới bắt đầu tìm hiểu về phim ảnh hay đọc sách nhiều. Cảm xúc là quan trọng nhất trong việc sáng tạo, phát triển ý tưởng. Bản thân phải hào hứng với điều gì đó lóe lên trong đầu thì mới phát triển nó được.
Biên kịch không phải là nghề ngồi một chỗ và suy diễn
Suy nghĩ về nhiều góc độ, nhân vật để hoàn thành một kịch bản, vậy có ai nói chị “sống trên mây” không?
Tôi là người thực tế. Biên kịch không phải là cái nghề ngồi một chỗ để suy nghĩ và suy diễn. Nhiều bạn trẻ lầm tưởng rằng làm biên kịch chỉ đơn giản là ngồi một chỗ, suy diễn rồi gõ phím ra những gì mình nghĩ và kiếm được tiền. Điều đó hoàn toàn sai lầm. Nếu bạn không có kiến thức thực tế, những nhân vật bạn viết ra hoàn toàn không có thật. Trường hợp tệ hơn là nhân vật bạn viết ra sẽ giống với chính bạn, nhờ nhờ một màu, không có sự khác biệt.
Tôi hay đi đây đi đó vì ngồi hoài một chỗ không thể viết được nhiều và viết hay hơn. Tôi không dám nói nhân vật mình hay hoặc kịch bản mình viết rất đời, rất thực tế. Một người không thể nào trải nghiệm hết tất cả mọi thứ. Cuộc sống này biết bao nhiêu thứ phải học hỏi. Mình học tới đâu, mình dùng đến đó, có như vậy thì kịch bản sau sẽ tốt hơn kịch bản trước.
Từ một kịch bản ban đầu, chị có phải chỉnh sửa miệt mài theo ý đạo diễn, nhà sản xuất hay diễn viên không?
Kịch bản đầu tiên của tôi là phim Nhảy cùng ước mơ rất may mắn là không bị sửa nhiều. Thầy Phạm Thùy Nhân (giảng viên tại trường Sân khấu Điện Ảnh TP. HCM) đánh giá cao và nói với tôi rằng: “Con có tố chất của một biên kịch”. Sau này, khi đã có thể tự đứng ra nhận viết những dự án phim lớn, tôi rất tự hào những kịch bản của mình viết không cần phải chỉnh sửa nhiều trước khi quay.
Việc thay đổi theo ý của đạo diễn hay nhà sản xuất là đương nhiên. Nhưng lý do để điều chỉnh không phải vì kịch bản dở, mà vì không tìm được diễn viên phù hợp cho vai hoặc diễn viên kẹt lịch, hủy vai vào phút chót. Hoặc có thể do bối cảnh thực tế không giống với bối cảnh kịch bản, cũng phải điều chỉnh cho phù hợp.
Khán giả trong nước cho rằng: “phim Việt thường dở!”. Là một biên kịch, chị Phạm Tuyết Hường nghĩ gì về điều này?
Phim dở có rất nhiều lý do. Vấn đề đầu tiên và là vấn đề muôn thuở: kinh phí. Các bộ phim Việt được sản xuất với khung chi phí eo hẹp, dù có muốn làm cho hoành tráng hơn cũng bất khả thi. Kế đến là diễn viên. Thay vì tập trung cho một dự án phim, họ chạy show 2 – 3 dự án cùng lúc.
Điều này đồng nghĩa họ không có thời gian nghiên cứu kịch bản, phân tích nhân vật, không để tâm vào vai diễn. Đạo diễn đôi khi cũng muốn đẩy tiến độ quay nhanh hơn để làm việc khác, khiến cho chất lượng phim không tốt. Ngay cả biên kịch cũng có lỗi một phần. Nhiều biên kịch quá ẩu khi xây dựng kịch bản, tuyến nhân vật bất hợp lý.
Nhận xét mỗi khán giả về một bộ phim sẽ khác nhau. Nếu phim hay thì đạo diễn, diễn viên được khen và tạo dựng danh tiếng. Còn nếu phim dở hay chưa đạt, thì biên kịch thường sẽ được lôi ra… “lãnh đạn” (cười). Người ta nói biên kịch cũng là nghề làm dâu trăm họ. Tôi thấy quá đúng!
Không bao giờ vì công việc mà bỏ bê gia đình
Bây giờ, trong một ngày, Phạm Tuyết Hường dành bao nhiêu thời gian cho công việc?
Không xác định được, vì còn tùy vào công việc nhiều hay ít. Nhưng tôi sẽ không bao giờ vì công việc mà bỏ bê gia đình. Nhiều người nghĩ tôi phải… ở không lắm nên rong chơi tháng ngày thì mới có đầu óc tỉnh táo suy nghĩ, sáng tạo.
Thực ra, nếu một ngày chỉ làm một việc thôi, tôi sẽ cảm thấy mình quá rảnh rỗi và tự bản thân thấy bải hoải, khó chịu. Vì vậy, một ngày được làm nhiều việc khiến tôi thấy vui vẻ, hưng phấn.
Có lẽ tôi sinh ra mang tuổi con trâu, nên cày bừa chịu cực quen sẵn (cười). Nhưng tôi rất ít khi làm việc xuyên màn đêm. Tôi yêu quý và thương bản thân mình, phải khỏe mạnh thì mới có sức làm việc và sáng tạo. Ngoài viết kịch bản, hiện nay tôi còn quản lý đội ngũ cộng tác viên và giảng dạy lớp biên kịch cho các bạn trẻ.
Có nhiều nơi đang đào tạo biên kịch với những lời cam kết hấp dẫn, chị đánh giá ngành học này thế nào?
Các lớp biên kịch tôi mở hoàn toàn miễn phí, dành cho các em yêu thích và muốn thử sức ở công việc biên kịch. Thực tế hiện nay có rất nhiều nơi mở lớp và “chiêu dụ” học viên bằng cam kết 100% sau khi học sẽ có việc làm. Tôi phải nói thẳng rằng đây là điều không thể. Bởi có những bạn khi theo học ngành này, họ hoàn toàn không có khả năng. Tôi không thể để các bạn trẻ ảo tưởng về nghề.
Một người muốn theo đuổi nghề biên kịch cần điều kiện hay tố chất gì?
Bên cạnh điều kiện tối thiểu phải có là kỹ năng viết và diễn đạt ngôn ngữ tốt, tố chất đầu tiên cần có là sự kiên trì. Không thể trở thành biên kịch giỏi trong một thời gian ngắn. Bạn phải học không ngừng, trải nghiệm lăn xả thực tế không quản ngại, và chấp nhận chỉnh sửa kịch bản cho đến khi hoàn hảo nhất.
Kế đến là không nên mơ mộng đến danh lợi trước mắt. Bạn suốt ngày ngồi mơ mộng mình sẽ nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền mà không trau dồi ngòi viết lẫn sức sáng tạo, tất cả cũng chỉ là mơ mộng mà thôi! Hãy viết, viết và viết thật nhiều.
Cuối cùng là có niềm tin vào bản thân. Nếu bạn có tính cách quá hiền lành hay kém hóm hỉnh và nghĩ rằng mình không thể nào viết nên kịch bản sitcom hài hước, thì bạn sẽ không bao giờ làm được. Bản thân phải tự học hỏi để cải thiện mình từ trong nội tại, tự làm cho bản thân vui tươi hơn, thì mới có thể viết nên những câu chuyện dí dỏm.
Thông tin thêm
Biên kịch Phạm Tuyết Hường sinh năm 1985, từng tốt nghiệp xuất sắc ngành Báo chí tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM.
Các kịch bản Phạm Tuyết Hường đã thực hiện: Lươn ngắm trăng, Vụ án cô gái mù, Thám tử bị theo dõi, Lỗ thủng trên cầu, Nhảy cùng ước mơ, Xóm trọ vui nhộn…
Sách Phạm Tuyết Hường đã phát hành: Búp bê giấy, Noel miền nhiệt đới… Sách sắp phát hành: Cuộc sống trên xe, Chín nghề cho chín, Nghề biên kịch…
Bài: A.V
Tiếp Thị Gia Đình