Anh biết chăng anh, em khổ vì khô, em khó vì khô

Không chỉ gây ngứa, đau, bỏng rát... phiền phức và khó chịu, chứng khô âm đạo kéo dài còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe phái đẹp, đe doạ đời sống gối chăn của vợ chồng

Khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh ở độ tuổi 40–50, thậm chí ngoài 30, không chỉ có tâm sinh lý thay đổi, chị em còn đối mặt với rắc rối khác: khô âm đạo. Đây là tình trạng âm đạo không tiết đủ chất nhờn phục vụ cho việc bôi trơn khi giao hợp, ảnh hưởng nhiều đến chuyện chăn gối như gây đau, giảm khoái cảm, không hoặc khó đạt cực khoái… ở phụ nữ.

Khô âm đạo và nỗi khổ chỉ chị em mới biết

1. Vì sao lại khô?

Khi được kích thích trong quá trình quan hệ tình dục, dưới sự điều khiển của hệ nội tiết (vùng dưới đồi–tuyến yên–buồng trứng) và hệ thần kinh, âm đạo sẽ tiết dịch (thông qua các tuyến Bartholin, Skene). Khô âm đạo xuất hiện khi bị viêm âm đạo do nấm, vi khuẩn hoặc do thành âm đạo bị teo không tiết được dịch. Bên cạnh đó một số loại thuốc có thể gây khô âm đạo như thuốc kháng histamin, thuốc chống xung huyết.

Bạn hãy chú ý đến “kỹ thuật yêu đương” vì khi màn dạo đầu chưa đủ nóng thì chị em vẫn chưa tiết ra dịch âm đạo. Hoặc khi chị em chưa đủ hưng phấn, âm đạo cũng sẽ không tiết dịch, dẫn đến tình trạng khô âm đạo.

Các bệnh lý về buồng trứng (như buồng trứng đa nang) làm thay đổi nội tiết tố, khiến hoạt động của âm đạo bất ổn định cũng gây nên chứng khô âm đạo. Không nên vệ sinh âm đạo nhiều lần vì sẽ làm mất cân bằng toan kiềm ở âm đạo, rất dễ gây viêm âm đạo khiến chị em khô, đau khi giao hợp. Khi chị em bước vào tuổi tiền mãn kinh (khoảng từ 40–50 tuổi), sự bài tiết nội tiết tố nữ estrogen sẽ giảm dần khiến âm đạo ít tiết dịch nhờn, gây khô âm đạo, gây phiền toái khi ân ái.

Những biểu hiện của khô âm đạo rất dễ nhận biết: ngứa, nóng, đau nhức, đau rát hoặc thậm chí chảy máu nhẹ khi quan hệ tình dục. Đi tiểu nhiều lần, mỗi lần tiểu có cảm giác tiểu đau, tiểu rát.

shutterstock-578852356 kho am dao

2. Khô thì sao?

Khô âm đạo gây đau khi giao hợp, giảm khoái cảm, không hoặc khó đạt khoái cảm, âm đạo dễ tổn thương (lớp niêm mạc âm đạo mỏng, co giãn kém) và nhiễm khuẩn. Khi cả vợ lẫn chồng đều không muốn quan hệ tình dục, dần dà sẽ dẫn đến lãnh cảm, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống chung.

3. Làm sao hết khô?

Chị em cần đến bác sĩ chuyên ngành sản phụ khoa để được thăm khám. Bác sĩ sẽ tư vấn cho chị em một số loại gel bôi trơn cần dùng. Nếu khô âm đạo cản trở tình dục nhiều, hoặc bệnh viêm nhiễm âm đạo tái đi tái lại nhiều lần, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các loại thuốc đặc trị thích hợp.

Chị em không nên tự chữa chứng khô âm đạo bằng các cách dân gian như: rửa bằng dung dịch giấm, sữa chua hay xịt xà phòng, sữa tắm vào trong âm đạo… vì khi làm như thế, âm đạo sẽ bị tổn thương nhiều hơn, đã khô lại càng khô hơn. 

shutterstock-307296161

Ngày nay, nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học phương Tây và phương Đông đều công nhận chất isoflavone (một estrogen thực vật) có trong các sản phẩm làm từ đậu nành (sữa đậu nành, đậu hũ, chao, tương..) có tác dụng làm giảm khô âm đạo, cải thiện chức năng sinh lý.

Bài: Bác sĩ Ngô Văn Tuấn
Phòng khám đa khoa Thừa Thiên Huế

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua