Vốn ít, lương nhân viên và các chi phí hàng tháng liên tục đến hẹn lại lên, nhưng số tiền bạn có vẫn nằm chết một chỗ ở những… con nợ. Làm sao để đòi nợ, đảm bảo được dòng tiền lưu chuyển liên tục, không rơi vào cảnh vừa là con nợ lại vừa là chủ nợ?
Tâm lý ngại đòi nợ
Với các doanh nghiệp, khách hàng đúng là thượng đế! Để thu hút và giữ chân khách hàng trong thị trường đầy cạnh tranh, nhiều chủ doanh nghiệp chiều chuộng khách hàng bằng mọi cách. Thói quen bạn tạo cho khách hàng như một chiếc giường thoải mái, “thượng đế” nào cũng muốn nằm thử nhưng chẳng ai chịu rời đi. Khách hàng thấy bạn càng dễ thì càng không có ý thức thanh toán tiền mặt và trả nợ. Khi công nợ chất chồng, con nợ càng “ngán” việc thanh toán. Dĩ nhiên, nếu họ không mở hầu bao, túi tiền của bạn sẽ luôn trong tình trạng trống rỗng.
Liệu thái độ chiều chuộng con nợ của các startup này có thực sự là hướng đi đúng đắn để làm nên một doanh nghiệp bền vững? Tờ theguardian.com dẫn lời ông Philip King hiện là giám đốc điều hành Viện Quản lý Tín dụng CICM rằng, các doanh nghiệp không nên cảm thấy e ngại, xấu hổ khi gây áp lực lên khách hàng, yêu cầu họ thanh toán khoản nợ cho mình. Quan hệ giữa bạn và con nợ là mối quan hệ hợp đồng. Họ yêu cầu bạn sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ nào đó cho mình và chính họ phải có trách nhiệm trả khoản tiền cho bạn theo đúng thỏa thuận đã đề ra.
Hãy tưởng tượng ngược lại, khi bạn không làm theo thỏa thuận, không cung cấp hàng hóa, dịch vụ đúng với nhu cầu của khách. Chắc chắn lúc ấy hậu quả sẽ không lường trước được. Bạn đã hoàn thành trách nhiệm của mình với khách hàng thì bạn hoàn toàn có quyền gây áp lực với họ nhằm đòi lại số tiền mình bỏ mồ hôi, nước mắt làm ra!
Bạn phải có người hỗ trợ
Có một sự thật rằng nếu bạn không đòi, sẽ hiếm ai tự nguyện trả nợ! Đó là lý do, bạn cần phải có người hỗ trợ trong việc “dí” nợ khách hàng, đặc biệt là khi tính cách của bạn thuộc hàng cả nể, hiền lành, dễ bị người khác thuyết phục. Người hỗ trợ việc đòi nợ cho bạn không nhất thiết phải là kế toán hoặc người có chuyên môn. Tuy nhiên, người này cần thực hiện chốt công nợ hàng tháng rõ ràng, chi tiết, gửi và gọi điện thông báo với khách hàng. Họ cũng sẽ phải cập nhật việc trả nợ thông qua các kênh khác nhau như tiền mặt, chuyển khoản vào tài khoản công ty hay tài khoản cá nhân để điều chỉnh số liệu công nợ chính xác theo từng giai đoạn cụ thể.
Đến thẳng bản doanh của con nợ
Nếu con nợ của bạn là chủ công ty, doanh nghiệp hay đang làm việc cho một công ty nào đó, bạn hãy đến công ty đó tìm gặp con nợ mà không báo trước. Nếu là khách lẻ, bạn tìm đến nhà để tiếp cận với con nợ và cả người thân của con nợ. Mục đích của chiêu này là đánh vào lòng sĩ diện, tính tự trọng vốn có trong mỗi người, mỗi công ty, doanh nghiệp. Sẽ chẳng ai muốn “nuốt” của bạn vài triệu đồng để phải đánh đổi bằng việc đồng nghiệp xì xào, sếp để ý, người thân càm ràm, hàng xóm bàn tán hay khách hàng cảm thấy hoang mang khi đang làm việc với một cá nhân, một doanh nghiệp chuyên “quỵt nợ”. Khi áp dụng cách mạnh tay nói trên, rất có thể bạn sẽ mất khách hàng này. Đừng quá lo sợ, tốt hơn hết là bạn nên tìm kiếm khách hàng khác thay vì giữ chân khách hàng này.
Tận thu được chừng nào hay chừng đó
Trong thực tế, có những khách hàng cương quyết không chịu trả nợ. Có thể họ thực sự không còn khả năng chi trả hoặc họ sắp phá sản, hoặc chẳng thèm quan tâm gì đến danh dự, uy tín. Trong trường hợp này, bạn nên đòi nợ theo nguyên tắc “lụy”, hạ bớt sự tức giận của mình để thuyết phục khách hàng trả nợ được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Bạn có thể yêu cầu họ chia nhỏ khoản nợ, mỗi lần trả một ít vì với một doanh nghiệp khởi nghiệp, vài trăm ngàn cũng rất giá trị. Đôi khi gay gắt không giúp bạn thu được tiền nợ nhưng lựa lời mà nói lại có thể giúp… lòi tiền ra đấy bạn ạ!
Nguyên tắc đòi nợ mặt dày
Nếu trò chuyện với kế toán công nợ và hỏi kinh nghiệm đòi nợ, bạn sẽ được nghe chung một lời khuyên: “Phải mặt dày, kiên nhẫn. Con nợ đã lì, mình phải lì hơn. Đòi một lần không được thì nhiều lần”. Vậy bạn nên lì như thế nào? Nếu bạn đã gửi công nợ nhưng khách vẫn không chịu thanh toán từ ngày này qua tháng khác, đây là những cách bạn có thể áp dụng:
Gửi e-mail:
Sau những công văn, thư từ nhắc nhở mà vẫn không khiến con nợ chịu rút hầu bao, bạn nên “khủng bố” bằng e-mail. Tuy nhiên, bạn không chỉ gửi e-mail với nội dung đòi nợ thẳng thắn, lịch sự mà nên tìm thêm e-mail cấp quản lý của con nợ và đồng gửi tới họ. Bất cứ ai, dù là nam hay nữ cũng đều sĩ diện trước đồng nghiệp, đặc biệt là cấp trên. Nếu không muốn dính “chưởng” lì này của bạn, họ buộc lòng phải thu xếp trả nợ cho bạn. Trên thực tế, không ít người làm việc trực tiếp với bạn có thể đã nhận được thanh toán từ công ty. Tuy nhiên, vì số tiền đó đã dùng vào việc tiêu xài cá nhân nên bạn là người… lãnh đạn.
Để thuận tiện cho việc liên hệ với con nợ, khi bắt đầu làm đơn hàng cho bất cứ khách hàng nào, trên phiếu ghi nhận, bạn nên lấy đầy đủ thông tin như số di động, e-mail, tên và địa chỉ công ty. Khi mới hợp tác, việc cung cấp thông tin sẽ rất dễ dàng. Nếu khi hàng đã trao tay, bạn cần truy tìm con nợ mới lo đi kiếm sẽ rất khó khăn vì lúc này con nợ đã cố tình lánh mặt bạn. Thêm vào đó, nội dung giao dịch cũng nên thể hiện trên e-mail, không chỉ qua loa bằng đường miệng. Khi bạn chuyển tiếp (forward) e-mail này cho con nợ, sếp của con nợ, bằng chứng chắc chắn sẽ thuyết phục hơn.
Gọi điện thoại:
Bạn không cần dữ dằn, dọa nạt vì điều đó đã khiến nhiều người đi đòi nợ phải “ăn chửi” của chính con nợ. Điều bạn cần rèn cho mình là lì. Bạn gọi điện liên tục, gọi 2–3 lần mỗi ngày tới số di động, số điện thoại bàn của công ty, điện thoại nhà riêng. Khách cảm thấy phiền, sốt ruột sẽ ráng trả nợ để thoát khỏi những “cuộc điện thoại tra tấn” của bạn. Khi gọi điện, bạn hãy đi thẳng vào vấn đề, hỏi khi nào sẽ thanh toán và thanh toán theo cách nào. Cách quen thuộc khi chối nợ của con nợ thường là: “Bên anh/chị đang trình sếp” hay “Anh đang làm thủ tục rồi, em yên tâm”. Vậy bạn đừng ngại hỏi thẳng: “Thủ tục làm tới phòng nào rồi? Mai em gọi lại” hoặc “Em sẽ liên hệ trực tiếp với phòng kế toán”. Để lịch sự và tế nhị tối thiểu, bạn nên tránh gọi vào buổi sáng sớm, đầu tuần hoặc đầu tháng.
Bài: Xoa Nguyễn
Tiếp Thị Gia Đình