Trẻ bị xâm hại, nỗi bất an về xã hội bị ô nhiễm

Liên tiếp những vụ việc trẻ bị xâm hại được thông tin rộng rãi gần đây đã làm cho nhiều gia đình có con nhỏ rất lo lắng và phải cảnh giác cao độ

Trẻ bị xâm hại đang là vấn đề mà các bậc cha mẹ và xã hội đang quan tâm hơn bao giờ hết. Ai cũng hiểu hậu quả khôn lường từ việc bị xâm hại không chỉ đối với trẻ mà còn liên đới nhiều người

Trẻ bị xâm hại thường phải trải qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý trầm trọng đồng thời hằn sâu trong ký ức nỗi đau đớn của cảm giác bị mất mát giá trị, hoen ố bản thân. Gia đình có trẻ bị xâm hại hẳn sẽ rơi vào trạng thái rối nhiễu không dễ chữa lành. Cộng đồng nơi trẻ bị xâm hại cũng khó xua tan cảm giác ghê sợ thủ phạm, lo ngại về sự thiếu an toàn cho những đứa trẻ hồn nhiên khác trong vùng.

shu-ChildAbuse-175158260 tre bi xam hai

Người làm cha mẹ lâu nay với tình yêu thương con vô bờ bến đã tất bật lo toan cho con cái, giờ lại phải nhủ lòng vất vả trông chừng, bảo vệ con chặt chẽ hơn. Thật đáng buồn và đáng lo khi những vụ xâm hại trẻ em cho thấy ngay cả nhà trường, nơi được giao nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ em cũng đã không đủ sức trông coi, không đủ an toàn cho trẻ yên vui học tập, chơi đùa và rèn luyện.

Niềm tin vào công lý đang bị lung lay khi xã hội vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn, xử lí triệt để vấn nạn này. Điều đáng ngại nhất là niềm tin vào sự tốt lành của cuộc sống, niềm tin vào sự tử tế của con người ngày càng mong manh, suy sụp.

Xã hội, mọi người đang tìm lời giải cho câu hỏi: “Tại sao? Tại sao lại như vậy?”

Dễ tìm thấy câu trả lời ở sự ô nhiễm xã hội, đặc biệt và sự ô nhiễm nặng nề về mặt tinh thần. Công nghệ truyền thông đã tiếp tay cho các hình ảnh kích dục tiêm nhiễm sâu rộng, thôi thúc những kẻ tha hóa thực hiện hành vi lệch chuẩn, xâm hại người khác khi “thú tính” trỗi dậy. Sự tha hóa nhân cách của kẻ xâm hại còn có nguyên nhân từ nhiều phía khác. Trước hết là từ sự yếu kém của gia đình trong việc tổ chức lối sống và giáo dục con cái ngay từ khi con còn bé. Phải là một gia đình có lối sống thiếu lành mạnh mới vô tâm, dung túng, làm ngơ cho những con người “bệnh hoạn” và ác tâm như thế! Bên cạnh đó, cần thừa nhận sự thiếu sót, phiến diện của nhà trường trong công tác giáo dục học sinh về các vấn đề kỹ năng sống, những vấn đề tâm sinh lý và nhận thức pháp luật… Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của xã hội khiến người lớn, cha mẹ bị cuốn vào vòng xoáy công việc, không đủ thời gian, tâm trí để trực tiếp chăm sóc con, tạo cơ hội cho những mưu toan xâm hại tàn ác dễ thực hiện hơn.

Tôi đã từng được tham vấn cho trẻ bị xâm hại, cảm nhận rõ những khó khăn của em trong tương lai, càng khó khăn hơn vì gia đình em đã kiệt sức và tuyệt vọng trước sự bất lực của luật pháp đối với thủ phạm. Thương cảm những nỗi đau của các bé bị xâm hại và gia đình của các em, chúng ta cần quyết liệt hơn trong việc chống lại vấn nạn ghê tởm này. Một xã hội không nâng niu trẻ em sẽ phải đối diện với nhiều bi kịch trong tương lai.

BÀI: Nguyễn Thị Bích Hồng, TS Giáo dục học, Đại Học Sư Phạm Tp. HCM

Tiếp Thị GIa Đình 

Đừng bỏ qua