Bệnh tự kỷ là gì?
Bệnh tự kỷ là một căn bệnh rối loạn về sự phát triển hành vi, có thể ảnh hưởng đến các kĩ năng cơ bản của trẻ, ví dụ như kỹ năng tạo lập và phát triển các mối quan hệ xã hội, kỹ năng giao tiếp hoặc khả năng vận dụng trí tưởng tượng. Một đứa trẻ tự kỷ cũng bị giảm hứng thú đối với môi trường bên ngoài đi rất nhiều. Thế giới quan của một đứa trẻ tự kỷ trở nên rất khác biệt so với những đứa trẻ bình thường.
Triệu chứng của bệnh tự kỷ là gì?
Triệu chứng của bệnh thường sẽ xuất hiện trước khi trẻ được 3 tuổi và kéo dài suốt quãng đời còn lại của trẻ. Trẻ bị bệnh tự kỷ có thể biểu hiện với muôn vàn triệu chứng, từ nhẹ đến nặng thậm chí làm cho trẻ bị khuyết tật (về kỹ năng, không phải về hình thể). Các triệu chứng chung mà trẻ tự kỷ có thể gặp phải bao gồm:
• Khó khăn trong việc giao tiếp bằng lời nói, bao gồm sử dụng và hiểu ngôn ngữ;
• Không thể tham gia vào một cuộc nói chuyện bình thường, dù trẻ hoàn toàn có khả năng nói rành;
• Khó khăn trong việc giao tiếp không qua lời nói, bao gồm điệu bộ cơ thể và biểu hiện nét mặt;
• Khó khăn trong việc tương tác xã hội, từ những việc liên quan đến người khác cho đến môi trường xung quanh trẻ;
• Không thể kết bạn và chỉ thích chơi một mình;
• Có cách chơi đồ chơi hoặc đồ vật một cách không bình thường, ví dụ như luôn luôn xếp đồ vật theo một trình tự nhất định.
• Thiếu trí tưởng tượng;
• Không có khả năng thích nghi với những thay đổi trong sinh hoạt hằng ngày và môi trường quanh nhà hoặc luôn bắt gia đình theo một nếp sinh hoạt nhất định đến từng chi tiết nhỏ;
• Luôn lặp lại một kiểu cử động cơ thể hoặc một hành vi nhất định nào đó, chẳng hạn như vỗ tay, xoay tay hoặc đập đầu vào tường.
Một số trẻ thuộc một dạng tự kỷ đặc biệt gọi là hội chứng “bác học”. Trẻ phát triển kỹ năng hiếm có ở một lĩnh vực chuyên biệt như âm nhạc, nghệ thuật, các con số… và cho thấy khả năng vuột trội về lĩnh vực đó mặc dù chưa được ai dạy.
Đâu là dấu hiệu cảnh báo trẻ có khả năng bị tự kỷ?
Trẻ em phát triển theo nhịp độ riêng của chúng, có trẻ nhanh có trẻ chậm. Tuy vậy, bạn nên cân nhắc xem liệu trẻ có bị tự kỷ hay không nếu nhận thấy các dấu hiệu sau đây:
• Trẻ không bập bẹ âm tiết nào hoặc không tạo được điệu bộ nào, ví dụ như lấy tay chỉ hoặc vẫy tay, dù đã 12 tháng tuổi;
• Trẻ không tự nói được cụm từ gồm 2 chữ (không phải chỉ là lặp lại theo người khác) dù đã được 2 tuổi;
• Trẻ bị mất bất cứ kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội nào (ở bất kỳ tuổi nào).
Nguyên nhân nào gây ra chứng rối loạn tự kỷ?
Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn phổ tự kỷ vẫn chưa được biết rõ. Nó là một tình trạng phức tạp xảy ra dưới tác động có thể từ việc rối loạn của bộ gen, môi trường và các yếu tố khác.
Bộ gen
Hầu hết các nhà nghiên cứu tin rằng có một vài gen nhất định làm cho trẻ có nguy cơ bị rối loạn phổ tự kỷ cao hơn các trẻ khác.
Rối loạn phổ tự kỷ ít nhiều có liên quan đến yếu tố gia đình. Chẳng hạn như một đứa trẻ tự kỷ có thể có em cũng bị tự kỷ. Trường hợp sinh đôi cùng bị tự kỷ rất thường gặp.
Các chuyên gia vẫn chưa xác định cụ thể gen nào có liên quan trực tiếp đến rối loạn phổ tự kỷ, mặc dù biết nó có thể đi kèm với những hội chứng có liên quan đến bộ gen hiếm gặp khác như hội chứng nhiễm sắc thể X dễ gãy, hội chứng Williams, hội chứng Angelman…
Các yếu tố môi trường thúc đẩy
Các nhà nghiên cứu tin rằng một người sinh ra với bộ gen dễ có nguy cơ mắc rối loạn phổ tự kỷ chỉ thực sự biểu hiện bệnh ra ngoài dưới sự thúc đẩy của một vài yếu tố môi trường nhất định, đó có thể là: trẻ tiếp xúc với cồn (rượu) hoặc một vài loại thuốc như muối natri valproate (đôi khi được dùng để điều trị động kinh cho mẹ bầu) khi còn là bào thai.
Hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa môi trường ô nhiễm hoặc các trường hợp nhiễm khuẩn trong thời gian mang thai với việc tăng nguy cơ mắc rối loạn phổ tự kỷ.
Tổn thương não hoặc não bộ kém phát triển
Dưới đây là các nguyên nhân gây ra tổn thương não hoặc khiến não bộ trẻ kém phát triển, một trong những nguyên nhân được cho rằng gây ra bệnh tự kỷ:
• Đẻ non tháng dưới 37 tuần;
• Cân nặng khi sinh dưới 2,5kg;
• Ngạt hoặc thiếu ô xy não khi sinh;
• Chấn thương sọ não do can thiệp sản khoa;
• Vàng da nhân não sơ sinh;
• Chảy máu não-màng não sơ sinh;
• Nhiễm khuẩn thần kinh như viêm não, viêm màng não;
• Thiếu ô-xy não do suy hô hấp nặng;
• Chấn thương sọ não;
• Nhiễm độc thuỷ ngân.
Một vài tình trạng sức khỏe khác có liên quan đến rối loạn phổ tự kỷ
Dưới đây là một vài vấn đề sức khỏe được biết rằng có liên quan đến rối loạn phổ tự kỷ:
• Loạn dưỡng cơ – những rối loạn trong bộ gen làm cho các cơ bị teo và yếu đi;
• Hội chứng Down – một tình trạng bất thường của bộ gen (3 NST 21) làm cho trẻ không có khả năng học và một loạt các bất thường thể chất khác;
• Bại não – tình trạng tổn thương của não và hệ thần kinh dẫn đến mất chức năng trong việc kiểm soát vận động và phối hợp hoạt động;
• Co thắt ở trẻ nhỏ – một dạng động kinh xảy ra từ khi trẻ còn rất nhỏ (thường dưới 1 tuổi);
• U sợi thần kinh – một vài rối loạn của bộ gen làm cho khối u phát triển dọc trên các dây thần kinh;
• Hội chứng NST X dễ gãy, hội chứng xơ củ và hội chứng Rett.
Những quan niệm sai lầm về rối loạn phổ tự kỷ
Hiện nay, thực tế khoa học cho thấy không có sự liên quan giữ những quan niệm sai lệch dưới đây với rối loạn phổ tự kỷ:
• Tiêm vaccine sởi, quai bị, rubella;
• Tiếp xúc với chất thiomersal – một hợp chất có chứa thủy ngân thường dùng như chất bảo quản trong vài loại vaccine;
• Chế độ ăn hàng ngày, chẳng hạn như ăn nhiều thực phẩm chứa gluten hoặc sản phẩm làm từ sữa.
Nguồn: Hello Bacsi Việt Nam
Tiếp Thị Gia Đình