Nhiều phụ huynh băn khoăn đâu là phương pháp giáo dục toàn diện, tốt nhất cho con. Tiếp Thị Gia Đình đã có buổi trò chuyện với thạc sỹ Quản lý giáo dục Lê Tuệ Minh để tìm hiểu vấn đề này.
– Xin bà cho biết trong giáo dục toàn diện, tầm quan trọng của việc vui chơi đối với sự phát triển của một học sinh?
ThS. Lê Tuệ Minh: Vui chơi luôn là một phần rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh phổ thông. Bởi trong khi chơi, các em mới thoải mái phát triển trí tưởng tượng, thoải mái thử sức khám phá những điều mới mẻ, bộc lộ những kỹ năng tiềm ẩn hoặc kỹ năng vừa mới học.
Trong khi vui chơi, mỗi trò chơi đều có các quy tắc và luật chơi riêng, các em có điều kiện thực hành nhiều kỹ năng sống khác như làm việc nhóm, giao tiếp, giải quyết vấn đề, biết tôn trọng người khác, biết phối hợp với đồng đội, phát huy tính sáng tạo và luôn nỗ lực về đích. Ngoài ra, vui chơi còn là thời gian để các em cảm thấy thư giãn, vui vẻ và hạnh phúc. Điều này cực kỳ quan trọng để các em thấy tràn đầy năng lượng, vui hơn khi tiếp tục học tập.
– Các bậc phụ huynh đầu tư rất nhiều chi phí cho việc học tập và rèn luyện kỹ năng sống cho con. Đó đã phải là phương pháp giáo dục đúng cách?
ThS. Lê Tuệ Minh: Tôi hiểu ý câu hỏi của bạn là: Việc bỏ nhiều tiền cho con đi học thêm, học các lớp kỹ năng sống ngoài giờ học chính khóa mà không cho trẻ có thời gian vui chơi sau giờ học liệu có phản tác dụng đối với con? (cười)
Tại trường Wellspring, chúng tôi lấy phương châm “Thắp sáng niềm say mê cuộc sống” làm gốc. Cuộc sống đa diện, không chỉ gói gọn trong các lớp học mà còn thể hiện trong mọi hoạt động của các em.
Thực ra, các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống không phải là điều có thể học được trong vài khóa học tập trung. Kỹ năng sống cần được hình thành ngay từ các môn học, bao gồm cả các môn về kỹ năng và thực hành kỹ năng, các hoạt động trong và ngoài giờ học, các hoạt động ngoại khóa, thể thao, cộng đồng và các hoạt động vui chơi hàng ngày.
– Ý của bà là kỹ năng sống cũng được hình thành trong các môn học chính khóa?
ThS. Lê Tuệ Minh: Đối với các môn học thuật, kỹ năng chính là khả năng áp dụng được những kiến thức vào thực tế cuộc sống. Từ phương pháp giảng dạy trên lớp nhấn mạnh đến cách học chủ động, tăng cường thực hành, ứng dụng giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống đến việc dạy học dự án, cho học sinh tự tìm hiểu, tự thảo luận và làm việc nhóm để cùng nhau giải quyết từng vấn đề, từng bước của dự án nhằm đi đến đích một cách tốt nhất. Chính trong quá trình đó, các em đã hình thành rất nhiều kỹ năng tự tìm hiểu và sàng lọc thông tin, kỹ năng ứng dụng thực tế, kỹ năng hợp tác, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, tình huống khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Phương pháp dạy và học khoa học sẽ giúp các em không phải đi học thêm, các kiến thức không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà các kỹ năng, vốn sống cũng được hình thành trong suốt quá trình học.
– Theo bà, một phương pháp giáo dục toàn diện, hiện đại cần phải đảm bảo các yếu tố nào?
ThS. Lê Tuệ Minh: Đào tạo một thế hệ trẻ hiểu biết, tự tin và tràn đầy niềm say mê cuộc sống là mục tiêu giáo dục của Wellspring. Trường xây dựng chương trình đào tạo toàn diện với ba mặt: Tri thức – Trí tuệ, Nhân cách – Tâm hồn, Năng lượng – Cảm xúc cùng với những chương trình Dạy – học – hoạt động phong phú. Phương pháp giáo dục hiện đại, văn hóa và môi trường “tôn trọng, tích cực, có động lực, yêu thương, chia sẻ”, đó là nền tảng tạo điều kiện tối ưu cho các em lớn lên thành người hữu ích và hạnh phúc.
Tôi muốn chia sẻ thêm rằng, các môn kỹ năng sống đã được Wellspring đưa vào thành môn học chính khóa trong suốt 12 năm học, trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng về tâm sinh lý, các kỹ năng gia đình, mối quan hệ xung quanh, về xã hội, hướng nghiệp và hoạch định tương lai.
– Bà đánh giá thế nào về khả năng thích nghi của học sinh sau khi rèn luyện tại trường?
ThS. Lê Tuệ Minh: Các trường đại học danh tiếng trên thế giới cũng xem xét việc nhận học sinh đầu vào thông qua kết quả học tập các môn văn hóa và yếu tố đặc biệt chính là hồ sơ hoạt động của học sinh đó trên mọi mặt như các hoạt động xã hội, đóng góp với cộng đồng và qua bài luận. Chính những kết quả đó mới thể hiện năng lực tư duy, hành động của các em với tư cách một người độc lập chứ không phải là những bài kiểm tra, máy móc nhắc lại các kiến thức đã học.
Việc học kiến thức trên lớp thực chất mới chỉ thực hiện được một nửa chặng đường của giáo dục. Nửa chặng đường còn lại là biến kiến thức đã học thành kỹ năng, năng lực của các em.
Muốn có sự giáo dục toàn diện như thế, các em cần tham gia các hoạt động, sự kiện xã hội. Các hoạt động thể thao, nghệ thuật, ngoài việc phát triển thể chất, thẩm mỹ, cũng giúp các em rất nhiều trong việc phát triển tính kỷ luật, tinh thần đồng đội, phấn đấu, kỹ năng tổ chức và sắp xếp công việc khoa học.
– Ngoài thời gian ở trường, gia đình cần làm gì để các em có thể phát triển toàn diện?
ThS. Lê Tuệ Minh: Điều căn bản nhất là phải hiểu, chia sẻ và hướng dẫn, giáo dục để các em tự nhận thức đúng và hành động đúng. Bên cạnh đó, lứa tuổi các em rất nhiều năng lượng và đang trong quá trình hình thành nhân cách và các giá trị. Vì vậy, việc tạo cho các em một chương trình học, hoạt động hấp dẫn, lành mạnh với những hoạt động thể thao, nghệ thuật, hoạt động xã hội, cho các em cân đối việc học tập và vui chơi… là cách tốt nhất để hướng các em đến một lối sống lành mạnh.
– Xin cảm ơn bà đã dành thời gian cho TTGĐ.
Thông tin thêm
♠Trường Wellspring còn thiết lập Phòng Tâm lý học đường và có Tổ tư vấn học sinh hoạt động rất tích cực: trực tiếp và online để tư vấn, định hướng, trợ giúp các em, đưa ra những lời khuyên và giúp đỡ cần thiết, tích cực và kịp thời trong mọi mặt của cuộc sống.
♠Bên cạnh đó, bộ phận Tư vấn Nghề nghiệp và đại học cũng góp phần trong việc định hướng và cung cấp các kỹ năng cần thiết về hướng nghiệp và hoạch định tương lai thông qua hàng loạt các hoạt động như hội thảo nghề nghiệp trực tiếp với các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực – cũng là phụ huynh của trường, tham quan doanh nghiệp, tư vấn nghề nghiệp và kế hoạch đại học cả trực tiếp và online.
BÀI: LỆ THỦY
Tiếp Thị Gia Đình