Hiểu rõ chiến lược mạng xã hội

Khi khởi nghiệp, bạn cần quan tâm đến lý thuyết về startup. Ngày nay, trong số lý thuyết đó, bạn phải nhớ cả chiến lược mạng xã hội

Trong kỷ nguyên công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, với chiến lược mạng xã hội, việc xây dựng hình ảnh thương mại cho doanh nghiệp của bạn trên Internet là một trong những mục tiêu chính trong chiến lược tăng trưởng chung chứ không phải chuyện đùa đâu.

Doanh nghiệp của bạn có tên trên mạng xã hội vẫn chưa đủ. Hoạt động tiếp thị sản phẩm, dịch vụ trên mạng xã hội có thể thu hút hàng nghìn khách hàng mới về cho bạn cũng như quảng bá về thương hiệu trong tiềm thức của người tiêu dùng. Song chính công cụ này cũng có khả năng khiến bạn bị mất hàng loạt khách hàng. Vì vậy, hãy triển khai chiến lược mạng xã hội để làm chủ tình huống, hiểu được phản ứng xã hội và tránh được một số cạm bẫy của nó.

Các blogger, Facebooker nhắc nhiều đến tên doanh nghiệp hay loại hình kinh doanh của bạn càng nhiều, khách hàng tương lai sẽ càng biết đến bạn. Vì vậy, bạn hãy thu hút lượt thích, lượt chia sẻ, lượt nhấp chuột vào các nội dung bạn chia sẻ và chuyển đổi nó trên nhiều nền tảng khác nhau. Trước khi bắt đầu sự lan tỏa ấy, hãy đảm bảo bạn đã nắm vững những điều quan trọng nhất về mạng xã hội mà những người khởi nghiệp cần thuộc nằm lòng sau đây.

chien luoc mang xa hoi -shu-376940686

1 Không chỉ có Facebook

Nếu bạn chưa biết rõ về mạng xã hội, bạn hay có xu hướng đồng nhất hai khái niệm “Mạng xã hội” và “Facebook”. Tuy nhiên, thực tế có đến hơn 50 nền tảng mạng xã hội đang được vận hành cùng lúc trên Internet. Tin tốt cho bạn là hầu hết các mạng xã hội này vẫn chưa được khai thác triệt để nên bạn tận dụng để gầy dựng “cơ ngơi” đồ sộ cho thương hiệu mình.

Theo thông tin từ công ty phân tích khách hàng Kissmetrics, những trang mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay là Facebook, Twitter, LinkedIn và Google+. Song, bạn đừng bao giờ đánh giá thấp những nền tảng ít phổ biến hơn ví dụ như Periscope, Pinterest, Instagram, Flickr, YouTube, Vimeo, Zalo hoặc bất kỳ trang nào khác tương thích với hoạt động và đặc biệt là sở hữu đối tượng khách hàng tiềm năng của bạn. Việc bạn cần làm là suy nghĩ xem khách hàng tiềm năng của mình sẽ sử dụng nền tảng mạng xã hội nào để ưu tiên phát triển nhé.

2 Nội dung là ông vua!

Chỉ tính mỗi Facebook thôi đã có đến ít nhất 40 trang (Pages) kinh doanh nhỏ lẻ ở lĩnh vực của bạn và mỗi trang lại có thứ gì đó khác biệt để kinh doanh. Vì vậy, nếu bạn không biết cách làm những người theo dõi (Followers) cảm thấy hào hứng bằng sự giải trí hoặc những thông tin bổ ích thì trang kinh doanh của bạn sẽ phải chìm nghỉm trong một đại dương mênh mông của những đối thủ cạnh tranh với hành trang chỉ còn một lượng người theo dõi đếm trên đầu ngón tay và những nội dung tẻ nhạt, chẳng gợi chút vấn vương.

Trong chiến lược mạng xã hội, một nội dung đắt giá sẽ là chiếc đòn bẩy thăng hạng đáng kể vị trí trang của bạn. Trên thực tế, có rất nhiều người luôn tìm kiếm, đòi hỏi những thông tin hay và có giá trị thay vì những chia sẻ cho có. Hãy dùng mạng xã hội để chia sẻ những thông tin được nghiên cứu nghiêm túc, những bài báo từ những nguồn tin đáng tin cậy, kèm hình ảnh minh họa cho nội dung bạn muốn trình bày để tăng tính thuyết phục người đọc. Bạn đừng chỉ chia sẻ và trả tiền quảng cáo là coi như xong nhiệm vụ mà luôn ghi nhớ mang đến cho độc giả thông tin họ cần. Những bài viết có thể thu hút hiệu quả sẽ không dài hơn 300 từ; tránh dùng những từ thừa, kể cả nhắc quá nhiều đến tên doanh nghiệp của bạn. Độc giả ngày nay rất nhạy bén. Một bài viết đầy rẫy từ khóa, tên thương hiệu sẽ không lay động được họ đâu. Ngược lại, bạn có thể sẽ dính một chút rắc rối nếu “trọng tài Google” nhảy vào cuộc để sàng lọc, tìm kiếm những từ khóa vốn là tên thương hiệu của bạn. Bạn cũng sẽ mất hứng thú ngay khi đọc đoạn đầu tiên và quyết định không theo dõi nữa.

3 Mạng xã hội hoạt động hiệu quả hơn nếu bạn có blog

Nhiều thống kê cho thấy các blog kinh doanh thu hút lòng tin của độc giả hiệu quả hơn nhiều so với các website và những nội dung trên blog cũng quyết định người dùng có quay lại website hay không.

Blog là một nơi tuyệt vời để bắt đầu cuộc giao tiếp với khách hàng, đối mặt với các đánh giá xấu lẫn tốt trên cộng đồng mạng. Danh tiếng chính là tiền, hãy nắm chắc điều đó để bạn có nhiều cơ hội thành công hơn.

chien luoc mang xa hoi shu-279910166

4 Tạo các chương trình để thu hút người dùng

Dù trang của bạn có bao nhiêu lượt theo dõi đi nữa, nếu bạn không tạo sự kết nối, con số này vẫn là vô nghĩa.

Những người theo dõi này sẽ không mang về cho bạn một xu nếu họ không click vào tìm hiểu xem bạn là ai và đang kinh doanh gì. Vì vậy, bạn cần có chương trình kêu gọi hành động cụ thể (CTAs – Calls to Action) để người xem hành động theo hướng bạn muốn. Ví dụ: Click vào đây xem bảng giá, click vào đây để tải về, click vào để xem thêm, đăng ký để nhận thêm thông tin…

Rất nhiều mạng xã hội như Facebook, Twitter và Instagram cho phép bạn dẫn kết nối tới trang web nguồn. Vì vậy, hãy nhớ liên kết website vào tài khoản mạng xã hội ngay từ bước tạo đầu tiên.

Bạn cần tìm hiểu hành vi của nhóm khách hàng tiềm năng để xây dựng chiến lược nội dung dài hạn. Nếu bạn không phải chuyên gia tiếp thị, hãy thuê ai đó biết cách hút khách hàng theo hướng mang lại lợi nhuận tối đa cho bạn.

Việc tối ưu hóa nội dung và từ khóa là cần thiết, song trên hết vẫn là tính xác thực của nội dung bài viết và sản phẩm bạn cung cấp. Hãy giữ cho tư duy cởi mở, lắng nghe kỹ phản hồi từ những người theo dõi và dùng những thông tin đó cả trong tiếp thị truyền thống lẫn chiến lược mạng xã hội.

5 Duy trì kết nối thường xuyên với khách hàng của bạn

Tính kịp thời là yêu cầu vô cùng quan trọng khi tiếp thị trên mạng xã hội. Ví dụ, bạn đang bán hàng cho người Ấn Độ, bạn phải canh thời gian theo múi giờ của Ấn Độ để mỗi bài chia sẻ nhận được sự hưởng ứng của độc giả tại Ấn Độ nhiều nhất. Ngoài ra, bạn cũng phải luôn luôn giữ kết nối với những người theo dõi, kiểm tra và trả lời tin nhắn của khách hàng càng sớm càng tốt. Điều này thể hiện sự tôn trọng của bạn và sẽ giúp khách hàng ủng hộ công việc kinh doanh sắp tới của bạn.

6 Kết quả tốt không bao giờ miễn phí

Một chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội tốt luôn tốn tiền. Việc mua quảng cáo giúp tăng số lượng người theo dõi, đặc biệt trong giai đoạn khởi động, rất cần thiết vì đây là thời điểm bạn cần xây dựng một hình ảnh mạnh mẽ trên mạng. Hãy sử dụng các công cụ phân tích ở tất cả các kênh mà bạn phát triển. Nhờ đó, bạn có thể điều chỉnh chiến lược của mình liên tục.

Với những tuyệt chiêu này, bạn đã phần nào định hướng việc tiếp thị trên mạng xã hội cho chính mình rồi phải không? Vậy thì ngay bây giờ, bạn hãy trải nghiệm thôi!

BÀI: SONG HẢI

Tiếp Thị Gia Đình

Form đăng ký CLB Khởi nghiệp Gia đình

Đừng bỏ qua