Táo bón không chỉ khiến bạn ì ạch, khó chịu, đầy hơi, đau bụng, ăn không ngon mà còn khiến chất độc tích tụ trong cơ thể. Nhiều trường hợp có thể gây tắc ruột, dẫn đến bệnh trĩ và nứt hậu môn.
Để tình trạng táo bón không nặng thêm, bạn chớ làm những điều sau nhé:
1. Uống nước uống có cồn hoặc caffeine
Có phải sau khi uống thức uống có cồn, bạn rất muốn đi tiểu? Đó là vì các loại đồ uống này gây lợi tiểu khiến bạn phải tiểu nhiều, mất nước. Thiếu nước, ruột sẽ không hoạt động trơn tru, có thể làm cho các triệu chứng táo bón nặng hơn. Tương tự, caffeine là chất kích thích có thể gây tiêu chảy, làm mất nước ở một số người.
♦ Mách bạn: Bạn cần uống từ 2 lít nước/ngày. Nếu bạn muốn thay thế nước lọc bằng các loại nước ép, nước ép bưởi hay ăn nguyên quả là thay thế tốt nhất.
2. Ăn thực phẩm chế biến sẵn
Đơn giản vì chúng có quá nhiều chất béo làm chậm tiêu hóa và góp phần gây táo bón. Theo chuyên gia tiêu hóa Toyia James-Stevenson, làm việc tại Indiana University Health, ăn thực phẩm chế biến là ta đang nạp thêm fructan, một loại carbohydrate giúp nâng cao tuổi thọ của thực phẩm đóng gói nhưng lại phá hủy quá trình tiêu hóa tự nhiên của cơ thể. Ruột không có các enzyme cần thiết để phá vỡ loại carbohydrate này. Fructan có trong bánh mì, mì ống và bánh quy giòn. Chúng gây ra triệu chứng như đầy hơi, táo bón, tiêu chảy và ợ nóng.
♦ Mách bạn: Bạn nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt… để tăng lượng chất xơ cần thiết.
3. Không tập thể dục
Tập thể dục làm tăng lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng của cơ thể, bao gồm cả đường tiêu hóa đồng thời làm tăng sự trao đổi chất. Nó sẽ làm việc tiêu hóa thông suốt, dễ dàng. Ngược lại, ít vận động khiến chuyển động của ruột giảm và lưu lượng máu tới ruột ít hơn, dẫn tới táo bón.
♦ Mách bạn: Nếu bạn muốn đi vệ sinh, hãy chịu khó đi bộ, sau đó bạn sẽ thấy có “nhu cầu”. Bạn cũng có thể chạy, đạp xe, bơi lội, yoga hay tập gym.
4. Bổ sung sắt và can-xi
Bổ sung sắt và can-xi dễ gây táo bón vì chúng làm chậm các cơn co thắt của hệ thống tiêu hóa.
♦ Mách bạn: Trong trường hợp bạn bắt buộc phải bổ sung khi mang thai, bạn nên nói với bác sĩ để được tư vấn chọn các thực phẩm chứa nhiều sắt.
5. Sử dụng thuốc nhuận tràng kéo dài và thuốc giảm đau
Sử dụng thuốc nhuận tràng kéo dài khiến hệ tiêu hóa mất khả năng tự co bóp, phải phụ thuộc vào thuốc nhuận tràng. Ngoài ra, cơ thể còn mất khả năng cân bằng điện giải, co giật, rối loạn nhịp tim, đau nhức cơ bắp… Trong khi đó, một số loại thuốc giảm đau không kê toa và thuốc giảm đau kê toa thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen và naproxen góp phần làm nên chứng táo bón.
♦ Mách bạn: Bạn nên dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
6. Các sản phẩm từ sữa
Khi bị táo bón, dùng các sản phẩm từ sữa làm bạn khó chịu, khó tiêu do có nhiều đường lactose. Các sản phẩm sữa có nhiều lactose bao gồm sữa bò, kem, phô-mai chế biến (như American và Cottage cheese).
♦ Mách bạn: Bạn có thể dùng sữa chua, sữa không chứa lactose (lactose-free), phô-mai cứng (hard cheese) như Swiss, Parmesan và Blue. Các loại này có chứa ít lactose.
Bài: Xoa Nguyễn
Tiếp Thị Gia Đình