Kinh nguyệt nặng và nguy cơ mất tử cung nếu bạn chủ quan

Kinh nguyệt nặng bất thường có thể không có vấn đề gì nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của rất nhiều bệnh nguy hiểm. Đừng chủ quan, bạn nhé!

Khối lượng và lịch kinh nguyệt của mỗi người mỗi khác. Vì thế, chẳng ai đo được một chu kỳ ra bao nhiêu ml máu thì cho là kinh nguyệt nặng. Tuy nhiên, theo bác sỹ sản phụ khoa Nanette Santoro, Đại học Colorado Denver, Mỹ, chu kỳ kinh nguyệt được xem là nặng khi nó kéo dài hơn 8 ngày hoặc khiến bạn phải thay hơn 2 miếng băng vệ sinh trong vòng 1–4 giờ.

Bác sĩ Judi Chervenak, trung tâm y tế Montefiore Medical Center, New York , Mỹ cho biết thêm: “Thực sự, điều quan trọng nhất không phải là đối chiếu với tiêu chuẩn trên mà là đối chiếu với chu kỳ kinh nguyệt trước đó của chính bạn xem có bất thường hay không. Nếu bạn thấy lần này nặng hơn so với các lần trước, đồng thời cảm thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, tim đập nhanh thì hãy đến bác sĩ càng sớm càng tốt. Đó có thể là dấu hiệu cảnh báo của rất nhiều bệnh nguy hiểm”.

Đừng chủ quan với kinh nguyệt nặng

1. U xơ tử cung

Triệu chứng phổ biến nhất của một khối u xơ là chảy máu nặng trong chu kỳ kinh nguyệt. Đây là khối u nhỏ, lành tính (không phải ung thư) bám vào thành tử cung. Nếu có thêm triệu chứng đau bụng dưới thì khả năng bạn bị u xơ tử cung rất cao. Dù u xơ tử cung thường không nguy hiểm nhưng chúng gây khó chịu và dẫn đến những biến chứng như thiếu máu do mất máu nặng. Tùy số lượng và vị trí, bác sĩ có thể dùng thuốc để thu nhỏ khối u, can thiệp bảo tồn tử cung hoặc thậm chí phải cắt bỏ tử cung.

2. Polyp tử cung

Polyp tử cung là tình trạng xuất hiện những mô thừa mọc trên lớp niêm mạc tử cung. Chúng có kích thước từ vài mm (bằng một hạt mè) cho đến vài cm (bằng quả bóng golf). Sự biến đổi của nội tiết tố estrogen đóng vai trò chính trong việc hình thành các polyp tử cung này.

Polip tử cung thường vô hại nhưng chúng có thể gây vô sinh hoặc sẩy thai. Polyp tử cung gây chảy máu nặng và kéo dài trong chu kỳ kinh nguyệt và thường gắn với chu kỳ kinh nguyệt không đều. Để điều trị, bác sĩ có thể dùng thuốc để cân bằng nội tiết tố hoặc phẫu thuật loại bỏ polyp tử cung.

3. Tăng sản nội mạc tử cung

Tăng sản nội mạc tử cung là sự dày lên bất thường của niêm mạc tử cung. Rối loạn này thường ảnh hưởng đến phụ nữ trẻ mới có kinh nguyệt và phụ nữ ở tuổi gần mãn kinh. Nguyên nhân của vấn đề này là do mất cân bằng nội tiết tố (dư thừa estrogen và thiếu hụt progesterone).

Trong một số trường hợp, tăng sản có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ở tử cung hoặc ung thư nội mạc tử cung. Việc điều trị thường bao gồm các loại thuốc để điều chỉnh sự thiếu hụt hormone. Với phụ nữ mãn kinh hoặc không còn muốn có con, bác sĩ có thể phải cắt bỏ tử cung để tránh nguy cơ ung thư.

4. Rối loạn chảy máu

Bất kỳ rối loạn chảy máu, rối loạn đông máu nào cũng có thể dẫn đến chảy máu kinh nguyệt nặng, phổ biến nhất là bệnh Von Willebrand (chảy máu di truyền do thiếu

protein đông máu). Nếu bạn thấy mình dễ bị bầm tím hoặc chảy máu cam, rất có thể bạn đang bị rối loạn chảy máu, cần phải đến bác sĩ. Việc điều trị như bổ sung sắt, truyền máu… sẽ tùy thuộc vào từng loại rối loạn và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

5. Mất cân bằng hormone

Estrogen xây dựng nên lớp niêm mạc tử cung còn progesterone giúp lớp màng này hoạt động ổn định. Mọi sự mất cân bằng giữa hai hormone này đều sẽ dẫn đến chảy máu kinh nguyệt nặng. Không dừng lại ở đó, mất cân bằng hormone còn là “sát thủ” gây ra nhiều căn bệnh hiểm nghèo khác như ung thư tử cung. Bác sĩ có thể dùng liệu pháp thay thế nội tiết tố hoặc các loại thuốc kích thích nội tiết tố để tìm lại sự cân bằng của hormone, bảo vệ sức khỏe của bạn. 

6. Những “hung thủ” khác

Ung thư, bệnh gan, bệnh thận, viêm màng dạ con, nhiễm trùng xương chậu, bệnh tuyến giáp… đều có thể gây chảy máu kinh nguyệt nặng. Đừng tự mình làm bác sĩ, hãy đến thăm khám sớm nhất nếu thấy bất thường

Bài: Nguyễn Xoa
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua