Cùng con dọn nhà, chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Táo hay đi mua sắm Tết, bạn sẽ nhận được vô số những câu hỏi tò mò đáng yêu của con về tục lệ ngày Tết. Bạn phải trả lời sao đây để giúp bé hiểu đúng về các phong tục thú vị trong dịp năm mới của các gia đình Việt?
Con: Mẹ ơi, tại sao Tết lại gọi là Tết Nguyên Đán?
Mẹ: Tết là cách đọc chệch của chữ Tiết trong tiếng Hán đó con. Một năm có 4 tiết mà chúng ta gọi là 4 mùa: xuân, hạ, thu và đông. Cứ đi hết 4 mùa là hết một năm và người ta lấy ngày đầu tiên của tiết xuân (mồng 1 tháng Giêng) để đánh dấu một năm mới. Chữ “Nguyên” có nghĩa là đầu tiên. Chữ “Đán” nghĩa là buổi sáng. Tết Nguyên Đán có nghĩa là buổi sáng đầu tiên của một năm đó con.
Con: Ông Táo tâu với Ngọc Hoàng những việc trong nhà mình. Ông là người mách lẻo, mẹ nhỉ?
Mẹ: Mục đích ông Táo báo cáo những lời ăn tiếng nói, việc làm tốt và chưa tốt của từng người trong gia đình với Ngọc Hoàng là để Ngọc Hoàng giúp chúng ta có suy nghĩ sáng suốt, biết thấy lỗi lầm và sửa chữa lỗi lầm đó. Bởi thế, ông Táo là người trung thực, thẳng thắn đó con.
Con: Mẹ ơi, nhà mình toàn đi máy bay, sao mình không cúng ông Táo máy bay để ông bay về trời, lại bắt ông phải cưỡi cá chép? Cá chép không có cánh thì làm sao bay được?
Mẹ: Cúng cá chép là tập tục truyền thống lâu đời của người Việt ta. Người dân xưa quan niệm rằng, chỉ cá chép mới biến thành rồng đưa ông Táo bay về trời. Con cá chép sau khi cúng ông Táo sẽ được thả phóng sinh ra sông, hồ. Người Bắc thường cúng cá chép nhưng người miền Trung lại cúng ngựa bằng giấy, mũ áo hoặc có nơi chỉ cúng thịt, thức ăn tiễn ông Táo lên đường thôi.
Con: Mọi năm, dì út lì xì con nhiều nhất, dì Hai lì xì con có mỗi 10.000 đồng. Vậy là dì Hai không thương con bằng dì út rồi?
Mẹ: Các dì tặng bao lì xì cho con, dù bên trong nhiều tiền hay ít tiền không quan trọng mà đều giống nhau ở mong ước, cầu mong con khỏe mạnh, học hành chăm ngoan, thành đạt. Cả hai dì đều thương con như nhau, chỉ là mỗi người có điều kiện kinh tế khác nhau sẽ lì xì số tiền khác nhau thôi, con ạ.
Con: Mẹ à, sao năm nào gần Tết nhà mình cũng phải dọn dẹp nhà cửa nhiều vậy ạ? Dọn để khách đến nhà không chê nhà mình ở dơ phải không mẹ? Ngày nào nhà mình cũng dọn dẹp rồi mà!
Mẹ: Ngày Tết mình sẽ dọn dẹp kỹ hơn con ạ. Dọn dẹp nhà cửa mang ý nghĩa sắp xếp lại mọi thứ của năm cũ, xóa đi mọi điều không hay trong năm cũ, chuẩn bị không gian gọn gàng để đón phúc lộc của năm mới vào nhà. Nhà cửa sạch sẽ, tươm tất thì tinh thần của mẹ, của ba, của con cũng thoải mái, vui vẻ hơn, nhà mình sẽ hạnh phúc hơn, đúng không con?
Con: Mẹ ơi, tại sao Tết có nhà gói bánh tét dài, có nhà lại gói bánh chưng vậy mẹ?
Mẹ: Bánh chưng là vật phẩm mà người dân nước ta sáng tạo dùng để cúng tổ tiên trong ngày Tết, xuất hiện từ thời các vua Hùng. Bánh gói thành hình vuông để tượng trưng cho đất, ở trong làm nhân đậu xanh cùng thịt ngon để tượng trưng cho hình ảnh trời đất bao bọc, che chở vạn vật. Người dân miềnBắc đã quen với tục lệ này nên ngày Tết thường gói bánh chưng để cúng tổ tiên, biếu người mình quý mến.
Bánh Tét cũng dùng nguyên liệu giống bánh chưng, thường xuất hiện trong ngày Tết của bà con miền Nam. Thời tiết miền Nam nóng, nếu gói theo hình vuông to như bánh chưng thì dễ bị mốc ở 4 góc nên gói theo dạng đòn mới bảo quản được lâu và dễ cắt lát bỏ nếu bị mốc. n
BÀI: THIÊN MINH
Tiếp Thị Gia Đình