Tuân theo phong thủy và thẩm mỹ vẻ đẹp Phật giáo, ở mỗi nơi đặt tượng Phật, anh Tuấn đều bố trí thêm các bình hoa sen màu vàng đồng ở bên cạnh.
Vẻ đẹp Phật giáo trong từng hơi thở thiết kế
Trước cửa nhà, tôi thấy một chậu đồng (sau này mới được biết đó là một chiếc chõ) thả hoa cúc vàng. Chõ, là từ để chỉ vật dụng gần giống như nồi, dùng để luộc bánh chưng, rất phổ biến ở các vùng cao miền Bắc ngày xưa. Với sở thích sưu tầm đồ cổ và những vật dụng truyền thống của dân tộc, anh Tuấn và chị Linh cảm thấy rất may mắn khi tìm được chiếc chõ quý hiếm này. Chõ được để một góc trước nhà như một vật trang trí hoài cổ và an tịnh.
Khu vực bên tay trái phòng khách là một chiếc bàn dài trưng bày những bức tượng thường thấy trong những ngôi đền, đình, chùa cổ miền Bắc. Xen kẽ giữa đó là tượng hai cô gái quan họ Bắc Ninh, biểu tượng quê hương của chị Linh, vợ anh Tuấn. Góc nhỏ này luôn khiến gia đình anh chị cảm tưởng quê nhà như ở ngay đây, gần gũi và chân thực.
Tôn trọng vẻ đẹp Phật giáo, mỗi tầng đều có một góc nhỏ trưng tượng Phật với đủ các chất liệu như đồng, gỗ, gốm… Tượng Phật cũng mang nhiều hình thái lẫn sắc thái như Phật ngồi, Phật nằm…
Phòng ngủ với gam màu đỏ ấn tượng cùng những chiếc ghế bọc vải nhung đỏ hiện diện khắp nhà chính là điểm nhấn giúp không gian thêm nồng nàn và ấm áp.
Mai, lan, cúc, trúc hội tụ
Trên các cánh cửa, anh Tuấn đều cho chạm khắc họa tiết mai, lan, cúc, trúc. Đây là bốn loại hoa tượng trưng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông trong quan niệm của người Á Đông.
Tất cả các bậc cầu thang đều làm từ gỗ đặc nguyên khối. Vì thế, để tránh cảm giác thô cứng, chị Linh đã nảy ra ý tưởng khắc thêm họa tiết hoa cúc cách điệu với màu trắng tinh khôi và đường nét tinh xảo để khối gỗ thanh thoát hơn.
Tuân theo phong thủy và thẩm mỹ Phật giáo, ở mỗi nơi đặt tượng Phật, anh Tuấn đều bố trí thêm các bình hoa sen vàng đồng ở bên cạnh. Không chỉ đảm bảo sự trang nghiêm, thiêng liêng vốn có của tượng Phật, những bình hoa sen này còn mang hơi thở của thiên nhiên và sự sống vào trong từng gian nhà qua kiểu dáng đa dạng và chất liệu phong phú.
Ngoài ra, chị Linh còn ốp những tấm gỗ có khắc hoa văn lên các mảng tường trắng trong nhà để xóa tan sự đơn điệu và nhàm chán.
Cung tỏa trầm hương
Với anh Tuấn và chị Linh, ngoài thiền khí, yếu tố kiến tạo nên không gian ngôi nhà phải là cỏ cây, hoa lá. Vì thế, ở phòng khách lúc nào cũng hiện hữu hai bình hoa tươi, một được đặt giữa bàn trà và một để trang trí góc đọc sách, thư giãn. Các bình hoa này đều được chị Linh chăm chút và thay nước mỗi ngày. Thỉnh thoảng, chị còn đặt thêm vài chậu lan ở ghế đôn hoặc ghế sô-pha.
Loài hoa yêu thích của chị là thủy tiên, hồng môn và cỏ lan chi vì sức sống bền bỉ của chúng. Hoa hồng môn có thể để đến hơn một tháng, cỏ lan chi dáng rủ mềm mại thì vẫn đẹp cả khi đã khô lại.
Sắc diện không gian nhuốm màu vẻ đẹp Phật giáo thật đẹp mắt, nhưng hương thơm lại còn quyến rũ hơn nhiều lần. Mùi thơm từ hoa cỏ và trầm hương lan tỏa như dẫn lối ta vào xứ sở phương Đông huyền bí, đầy mê hoặc.
Bài: Lê Giang
Ảnh: Anh Dũng
Ảnh chụp tại nhà nghệ sĩ jazz saxophone Trần Mạnh Tuấn, P. Thảo Điền, Q. 2, TP. HCM
Tiếp Thị Gia Đình