Có một người đàn ông sau khi bị cắt giảm nhân sự, mỗi ngày đạp xích lô nuôi gia đình, khi đứng đợi khách ở bên con đường náo nhiệt, ánh mắt anh cứ nhìn dáo dác, chắc là để tìm kiếm khách. Lúc đầu, những người cùng nghề còn cho rằng anh đang tích cực làm ăn, sau này mới biết, chỉ vì anh sợ gặp phải những người quen mà khó xử.
Gặp những lúc lễ Tết, anh cả ngày không chạy xe ra ngoài mà len lỏi ở các chợ lớn nhỏ, mặc cả với chủ bán hàng, cuối cùng dùng xe xích lô thồ về nào là gạo, dầu, mì, sữa, các nhu yếu phẩm linh tinh. Lần đầu tiên anh mua những thứ ấy về nhà, vợ anh không hiểu, trách móc rằng: “Bố mẹ ở dưới quê vừa mang lên những thứ này, anh lại còn mua về, để không sợ hư à?”. Anh không thèm để ý đến lời càu nhàu của vợ, chỉ lo lấy gạo cho vào bao rồi cột lại kỹ càng, dầu cũng đổ đầy 10 lít vào bình, lạc cũng 6 cân, bột mì cũng không ngoại lệ. Vợ anh nhìn hành động ngờ nghệch như thế liền tức điên lên, buột miệng nói ra: “Anh có thời gian rảnh rỗi ở nhà đến phát điên rồi, chi bằng đi ra ngoài kiếm vài người khách có phải hơn không?”. Đối mặt với những lời nói chói tai của vợ, anh giận đến không nói nên lời, những giọt nước mắt đục ngầu ứa ra đầy trong mắt. Người vợ bỗng cảm thấy mình có hơi quá đáng, trong lòng xót xa. Nghĩ lại, anh vốn có công việc rất tốt, đột nhiên bị sa thải mà còn có thể chịu khổ được như vậy, bất kể ngày đêm đạp xích lô kiếm tiền, sống mũi cô bỗng cay cay, nước mắt trào ra, từ sau lưng cô ôm lấy anh, xin anh tha lỗi cho những lời nói quá kích động khi nãy. Anh quay người lại, ôm lấy vợ, ấp úng nói ra mục đích của những “hành động ngờ nghệch” của mình.
Thì ra, lúc còn làm việc, mỗi năm Tết đến, cơ quan luôn phát gạo, dầu, bột mì và lạc, anh luôn cùng vợ bàn bạc đem một nửa gửi về cho bố mẹ ở dưới quê. Mặc cho ở dưới quê bố mẹ không thiếu những thứ này, nhưng mà người già khi được con trai từ thành phố mang cho những thứ có được từ công việc tự nhiên sẽ vui vẻ nhận lấy, nguyên nhân là vì con trai có được một cơ quan tốt mà cảm thấy tự hào. Còn như bây giờ, anh bị sa thải, anh không muốn nói cho bố mẹ biết, sợ họ lo lắng, cho nên mới làm thế. Người vợ cảm động vì sự tinh tế của chồng. Sau này, mỗi khi Tết đến, cô luôn hăng hái phụ giúp chồng làm những “hành động ngờ nghệch” như vậy.
Người đàn ông ấy chính là anh Hai của tôi.
Có một người phụ nữ cùng chồng làm việc ở nơi xa, cuộc sống rất vất vả. Ba bốn giờ sáng mỗi ngày cô đi chợ mua một ít rau, sau đó đợi trời sáng hẳn trốn người quản lý bày bán ở một cái hẻm nhỏ. Người chồng làm công nhân ở một công trường. Vậy mà, mỗi lần lễ Tết, họ luôn sửa soạn tươm tất, ôm những món quà lớn nhỏ về quê thăm bố mẹ. Mỗi câu đều nói mình làm việc ở nơi xa rất nhàn hạ, tiền kiếm được nhiều hơn việc làm ruộng. Nhưng mà, từ gương mặt gầy gò xanh xao của cô, bố mẹ cô đã biết được mọi chuyện. Vì thế lần nào họ cũng từ chối quà và tiền của cô.
Tình cờ một lần, mẹ cô phải lên thành phố thăm bà con, bà đi liên tiếp mấy nhà hàng xóm mới mượn về được một đôi giày da. Cô biết được, đau đến thắt lòng. Trên đường đi làm việc, cô nói với chồng: “Mai mốt về nhà nhất định phải mua cho mẹ một đôi giày da mới! Cả đời mẹ chưa từng được mang giày da!”. Người chồng vui vẻ đồng ý.
Lúc sắp về nhà, đôi giày da đã mua về, cô lại gặp phải khó khăn. Đôi giày da mới này mẹ nhất định sẽ không nhận, bởi vì trên gương mặt cô vẫn là dáng vẻ gầy gò tiều tụy. Nếu mẹ thực sự không nhận đôi giày da mới này thì xử lý đôi giày thế nào đây? Đột nhiên, cô chợt nghĩ đến cảnh những người đi lượm rác trong thành phố. Ngay lập tức, trên mặt cô lộ ra nụ cười hạnh phúc.
Cô vội vàng dặn dò chồng, lấy đôi giày mới này vò cho nhăn một chút, còn mình lại vốc đất cát rải lên đôi giày. Người chồng nhất thời rất khó hiểu.
Sau đó họ lại về thăm bố mẹ, ngoài đôi giày đầy đất cát đó thì cô không mang theo gì cả.
Vừa gặp bố mẹ, cô lúng túng vô cùng, nói nhát gừng: “Mẹ, lần này về thăm bố mẹ, con đã theo ý bố mẹ, không mang theo quà cáp gì cả! Có điều, trên vỉa hè ở thành phố, con nhặt được một đôi giày da chưa cũ lắm lại vừa với chân của mẹ nên con đã mang về cho mẹ!”.
Lúc bà mẹ nhận đôi giày, thổi thổi đất cát trên đôi giày, vừa thử vừa tiếc nuối nói: “Người trong thành phố thật là lãng phí quá! Đôi giày còn tốt thế này mà nỡ vứt bỏ đi. Thế này thì tốt quá rồi, sau này mẹ đi thăm bà con không cần phải đi mượn giày nữa!”. Trong lúc cô cười nháy mắt với chồng, bà mẹ lại tiếp một câu: “Mai mốt về thành phố con nhớ để ý nhặt cho bố con một đôi nhé, ông ấy từng tuổi này rồi vẫn chưa mang qua giày tươm tất!”.
Sau đó, cô lại theo cách cũ chế ra cho bố một “đôi giày da cũ”.
Người phụ nữ ấy chính là chị Ba của tôi.
Có một chàng thanh niên trẻ, anh vừa tốt nghiệp trung học thì được bà con giới thiệu vào làm việc ở một xưởng tàu trên thành phố, xưởng tàu trả lương cho anh hơn bốn triệu đồng. Thế nhưng, anh vẫn nhịn ăn nhịn dùng, mỗi tháng theo đúng ngày gửi tiền về cho bố mẹ, nguyên nhân là muốn giúp bố mẹ sớm xây được căn nhà mái ngói 3 gian, để họ khỏi phải ở trong căn nhà lá chật chội ẩm thấp.
Ai ngờ, làm việc chưa đầy nửa năm, anh bị cuộc sống sặc sỡ muôn màu ở thành thị làm cho mê muội, trở thành kẻ mê tiền đến điên cuồng. Một hôm, anh lấy trộm tiền lương của mấy đồng nghiệp, chưa kịp tẩu tán thì bị người ta bắt tại trận.
Phút chốc, anh trắng tay. Tiếp đó là bị bắt, người bà con thất vọng đến thăm. Anh cúi đầu, gương mặt đầy những giọt nước mắt hối hận. Đột nhiên, anh quỳ xuống trước mặt người bà con, khóc xin người đó đừng nói chuyện này cho bố mẹ anh biết. Lúc sắp từ biệt, anh lại thỉnh cầu người bà con, hãy nói lại với người nhà anh rằng, anh được xưởng tàu sắp xếp cho đi nước ngoài học kỹ thuật, ba năm mới có thể về nhà. Bởi vì lúc này, anh đã biết mình bị án phạt ba năm tù giam. Người bà con nhận lời anh, còn nói giúp anh gửi tiền về để cho bố mẹ xây nhà ngói, tỏ lòng hiếu thuận của anh, chỉ mong anh tích cực cải tạo, sớm ngày được trở về.
Nhìn bóng dáng người bà con khuất xa, anh gào khóc lên: “Tôi nhất định sẽ trả lại tiền!”.
Sau khi vào tù, anh đã tích cực cải tạo, được ra trại sớm hơn một năm. Năm xưa anh phạm tội nên đã bị xưởng tàu đuổi việc. Không thể quay lại chỗ cũ làm việc, anh bất kể ngày đêm làm việc ở trạm vận chuyển, dốc hết sức vận chuyển hàng hóa trong suốt một năm ấy. Công sức của anh đổi lại được một số tiền, nhưng khi anh đem tiền trả cho người bà con, họ đã từ chối, nói rằng anh hãy sớm về thăm bố mẹ đi. Đã ba năm rồi, lẽ nào anh không nhớ bố mẹ sao?
Anh về quê. Trước mắt anh, căn nhà lá đã được thay bằng căn nhà mái ngói. Trong lòng anh nhất thời cảm thấy một sự xót xa không định hình. Bố mẹ nhìn thấy gương mặt tiều tụy của anh, không ngừng hỏi han: “Ở nước ngoài chắc vất vả lắm phải không?”. Anh nghẹn ngào đáp lại: “Chỉ là sinh hoạt không quen thôi ạ!” rồi sau đó trốn bố mẹ khóc nức nở.
Người thanh niên đó chính là tôi.
Nói dối có thể là tội lớn nhất của con người. Bất luận là điều nói dối lớn hay nhỏ, người ta đều khó mà dung thứ. Thế nhưng, khi lời nói dối ẩn chứa một tình thân của trái tim lương thiện thì phải chăng rất đáng được tha thứ và trân trọng.
Mục truyện ngắn hay/Nguyệt Quế
Tiếp Thị Gia Đình