Bỗng chốc bạn phạm một lỗi gì đó, bị sa thải hoặc công ty rơi vào khó khăn, giảm nhân sự hay có công việc riêng khiến bạn không thể tiếp tục gắn bó với công ty, với công việc đang làm. Đó là những viễn cảnh hoàn toàn có thể xảy ra. Bạn sẽ làm gì để kiểm soát tài chính khi nghỉ việc ngoài ý muốn?
Theo Tổng cục thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi lao động vào quý 1/2016 ước tính là 2,23%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15–24 tuổi) quý 1/2016 ước tính 6,47%. Tỷ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi từ 25 trở lên trong quý 1/2016 là 1,27%. Và con số thất nghiệp vẫn còn tiếp tục gia tăng. Trước tình đó, bạn khó thể đảm bảo mình hoàn toàn không rơi vào những con số phần trăm theo thống kê trên đây.
Sau khi nghỉ, bạn có thể lao mình vào cuộc tìm kiếm công việc mới hay dành chút thời gian cho riêng mình như đi du lịch. Dù quyết định như thế nào thì bạn vẫn phải đối mặt với tình hình tài chính của mình trong bước ngoặt này và rõ ràng đây sẽ là một bức tranh bạn không thích chút nào. Để giải quyết tốt tình hình tài chính khi nghỉ việc ngoài ý muốn, bạn cần làm những điều dưới đây:
NHỚ ĐỪNG QUA CẦU RÚT VÁN
Một khi mất việc, đặc biệt trong trường hợp bị sa thải, chắc chắn bạn sẽ đối mặt với nhiều cảm xúc: sốc, tức giận, xấu hổ và lo lắng. Đó là điều hoàn toàn bình thường. Với tâm lý không mấy ổn định, bạn nên tránh xa các tài khoản mạng xã hội như Instagram, Facebook, Zalo. Đừng thể hiện sự giận dữ hay có những lời nói không hay về người quản lý và công ty cũ một cách công khai. Trước mắt, việc trút giận có thể giúp bạn giải tỏa sự bực dọc nhưng sau đó nó có thể để lại hậu quả khôn lường.
Đừng qua cầu rút ván sẽ là một chiến lược tốt cho tương lai của bạn. Bên cạnh đó, nếu giữ mối quan hệ tốt đẹp với công ty cũ, những đồng nghiệp cũ, nó có thể đem lại lợi ích cho bạn trong quá trình tìm kiếm việc mới hay khi làm những công việc khác về sau.
KIỂM TRA TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH HIỆN TẠI
Tình hình tài chính khi nghỉ việc của bạn phụ thuộc vào tình hình tài chính hiện tại bao gồm cả tài sản, tài khoản tiết kiệm và cả các khoản vay nợ. Nếu là fan của các trang tài chính, các bài báo tài chính thì chắc rằng bạn nhớ đến lời khuyên là phải có một quỹ khẩn cấp với khoản tiền bằng khoản 3–6 tháng chi phí sinh hoạt. Nếu đã thực hiện đúng như lời khuyên đó thì bạn sẽ thấy lợi ích của nguồn quỹ ấy ngay lúc này.
Nếu không có nguồn quỹ khẩn cấp dự phòng ấy, bạn cần phải thương thảo để ở lại hoặc tiếp tục công việc cũ trong một khoảng thời gian cần thiết nào đó để bạn tìm kiếm công việc mới. Hoặc làm bất cứ việc gì để cầm cự về tài chính như cắt giảm chi tiêu, hạn chế tối đa các khoản mua sắm, nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp cho đến khi kiếm được công việc phù hợp. Bạn nên nhớ là tìm công việc phù hợp chứ không phải bất cứ công việc nào cũng được. Khi có công việc mới, hãy bắt đầu thực hiện tiết kiệm. Mỗi khi nhận lương, bạn nên dành ít nhất 10% tiền lương để tiết kiệm, nhằm có khoản tiền chi tiêu trong lúc ngặt nghèo như bị mất việc.
DUY TRÌ HỆ SỐ TÍN DỤNG TỐT
Một khi mất việc, bạn dễ rơi vào nợ thẻ tín dụng vì không đủ tiền trả. Trên hết, bạn vẫn cần cân nhắc chi tiêu, mua sắm trong mức chấp nhận được. Bạn đừng chỉ biết cà thẻ rồi cuối tháng mới hốt hoảng vì hậu quả của nó. Nếu cần thiết, bạn chỉ cần thanh toán khoản tiền tối thiểu để nợ tín dụng tránh rơi vào mức lãi suất cao. Sau đó, bạn cũng nên kiểm tra các hóa đơn phải trả hàng tháng để có biện pháp cắt giảm phù hợp. Nếu gia đình có các sổ tiết kiệm mà chưa tới kỳ hạn rút, bạn cũng có thể đến ngân hàng cầm cố để vay tạm một ít vốn xài trong vòng 1–2 tháng tới cho đến khi có việc mới.
Một lưu ý khác là khi mất việc, bạn dễ cắt các khoản bảo hiểm hoặc rút tiền bảo hiểm nếu nó nằm trong điều kiện chi trả khi thất nghiệp. Có thể đó là những giải pháp tạm thời, giúp bạn phần nào giải quyết tình hình tài chính hiện tại. Song với thực tế hiện tại, bao nhiêu tiền sẽ đủ cho bạn? Hơn nữa, trong lúc khó khăn này, nếu chuyện không hay khác lại xảy đến với bạn thì sao? Hãy để gói bảo hiểm đó làm hết chức năng của nó: đó chính là bảo vệ bản thân và gia đình bạn. Bạn cần cân nhắc thật kỹ trước khi rút lui khỏi gói bảo hiểm nhé.
BÀI: UYÊN HỒ
Tiếp Thị Gia Đình