Khi con đánh bạn, mẹ sẽ xử lý thế nào?

Nếu con đánh bạn bè của bé một cách thường xuyên, hoặc có một số hành vi bạo lực khác như ngắt nhéo, cào cấu trẻ khác, bạn sẽ xử lý việc này thế nào đây?

Đã nhiều người nói về việc làm thế nào để con không bị bắt nạt. Còn khi con đánh bạn bè, con là kẻ bắt nạt, bạn đã biết cách xử lý chưa? Từ việc xô đẩy, đến cắn, thậm chí đấm đá… cho dù bạn tận mắt chứng kiến, hay bị “mắng vốn” mỗi khi đón con, đều sẽ khiến bạn đau đầu. Và đây là những cách bạn có thể giúp con xử lý tình huống mà không dùng đến bạo lực nữa.

Phản ứng bình tĩnh

Nếu bạn tận mắt chứng kiến khi con đánh bạn bè, bạn sẽ cảm thấy căng thẳng và có khi bạn còn muốn hét lên nữa. Lần sau, nếu con đánh người khác, bạn hãy phản ứng tốt hơn: thở ra rồi nhẹ nhàng dắt con ra chỗ khác. Bạn cần bình tĩnh để không “đổ thêm dầu vào lửa”. Tiếp theo, bạn có thể giúp con nguội lại bằng cách yêu cầu con thở sâu, còn nếu con từ chối, hãy cho con ra ngoài chạy nhảy xả năng lượng. Bạn cần để con bình tĩnh trước khi “răn dạy” bất kỳ điều gì.

Việc giữ bình tĩnh cần thực tập nhiều lần, cho cả con lẫn bạn. Đôi khi bé còn hỗn và điều đó khiến bạn nổi điên. Bạn cũng hãy làm gương giữ bình tĩnh.

Xin lỗi đúng cách

Chúng ta thường xem việc xin lỗi ngay là phải làm. Song lúc này, bạn có thể xin lỗi giùm cho con, ít ra việc bạn thật lòng nói “Cô xin lỗi con” vẫn cho con thấy tấm gương về sự chân thành. Điều đó tốt hơn việc bắt con nói bằng được lời “xin lỗi” cho xong việc. Bạn cũng hãy gợi ý cách con giúp cho bạn bị đau cảm thấy nguôi ngoai, chẳng hạn đưa cho bạn túi chườm đá lên vết cắn để bớt đau, ngồi bên cho đến khi bạn nín khóc. Đồng thời, bạn cho con biết nếu con tiếp tục hành vi không phù hợp, bạn sẽ đưa con về sớm và lần sau chúng ta sẽ lại ra chơi, nếu con cư xử tốt”.

2015126_7anhhuongcuacaphevoitreem_11

Phòng bị trước

Nếu con cứ lặp lại việc làm đau bạn bè trong cùng một tình huống, bạn sẽ dễ giúp con phòng tránh hơn. Chẳng hạn, nếu con không chia sẻ đồ chơi, bạn cho con “thủ sẵn” một món đồ chơi trước khi chơi cùng với các bạn. Bạn cũng nên hỏi con tự đưa ra giải pháp để dạy con cách xử lý vấn đề. Có trẻ thành thật nói rằng: “Con biết cắn là không tốt, nhưng tức lên thì con lại cắn”. Khi đó, bạn hãy chia sẻ cùng con cảm xúc cũng như cách để con vượt qua chuyện đó. Hãy khen ngợi nếu sau một buổi chơi mà con không gây hấn.

Dạy sự cảm thông

Khi con đã bình tĩnh, bạn giải thích đơn giản cho con biết bé đã sai thế nào, như: “Mình không đánh (hay cấu nhéo, cắn…), vì đánh sẽ làm đau người khác”. Đừng dừng lại ở chỗ nói con “không được làm gì” mà bạn hãy chỉ rõ con nên làm gì. Nếu con đánh trẻ khác trên cầu tuột, bạn hãy giúp con xác định điều con muốn: “Có phải con muốn trượt cầu tuột không?”. Sau đó, bạn hãy nói cho con hay thay vì đánh bạn, con hãy nói: “Bạn cho mình trượt cầu tuột nhé!”.

Đừng căng thẳng

Bạn đừng vội cho rằng con hư hay mình thất bại trong việc dạy con khi con đánh bạn bè. Việc cắn, đánh, cấu bạn… phần lớn là bình thường và là một phần của quá trình lớn lên. Con bạn sẽ lớn và vượt qua điều đó. Một bé gái hay cắn khi 3 tuổi, đến 5 tuổi có thể không còn hành vi đó nữa. Trẻ có thể vẫn cau mày, trợn mắt, la lên “Con bực lắm!”, nhưng không còn cắn, thì bạn đã có thể khen con. Luôn nhớ, hãy bình tĩnh, và làm gương cho con, bạn nhé!

LÊ MINH

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua