Cho bé tiếp xúc với màn hình như thế nào để ít gây hại?

Cùng với sự hiện diện đa dạng của máy tính, ti-vi, điện thoại, máy tính bảng, bé tiếp xúc với màn hình theo tần suất dày đặc hơn

Thời gian bé tiếp xúc với màn hình càng nhiều càng không tốt cho sự phát triển của bé. Song, bạn đã hình dung hết những sự không tốt ấy là gì chưa? Tiếp Thị Gia Đình mời bạn nghe các nhà khoa học giải thích nhé!

Màn hình có hại cho bé

Trong những năm đầu tiên của cuộc đời, bộ não của trẻ phát triển rất nhanh chóng. Trẻ nhỏ học tốt nhất bằng cách sờ mó, tương tác với mọi người và sự vật bằng tất cả các giác quan. Và vì thế, việc tương tác một chiều với màn hình không tốt cho sự phát triển trí não của trẻ.

Màn hình các thiết bị cũng khiến trẻ xao lãng trong các hoạt động cùng bố mẹ như trò chuyện, chơi đồ chơi, làm giảm chất lượng của trò chơi bé đang chơi. Điều này có thể cản trở sự phát triển ngôn ngữ, trí thông minh xã hội, tình cảm và cách kết nối các mối quan hệ của bé. Màn hình không thể dạy cho con nhiều điều như khi bạn tương tác trực tiếp với con, ngay cả khi bạn bỏ thời gian xem và học cùng con trên màn hình.

be tiep xuc voi man hinh hinh anh 2

Rất quan trọng đối với sự phát triển của bé là hoạt động thể chất. Nếu bé tiếp xúc với màn hình sẽ không còn thời gian tham gia các hoạt động ngoài trời, ít được khám phá thế giới tự nhiên, phát huy trí tưởng tượng và cũng không được vận động để thể chất khỏe mạnh.

Các bác sỹ cũng đang lo ngại rằng, bé tiếp xúc với màn hình ảnh hưởng đến khả năng tập trung cũng như kiểm soát sự thèm ăn. Nếu tiếp xúc với màn hình trước lúc đi ngủ trên màn hình nhỏ như điện thoại, ánh sáng xanh phát ra từ màn hình làm cạn kiệt lượng hormone melatonin khiến bé khó ngủ. Thiếu ngủ với trẻ nhỏ rất tai hại vì nó không chỉ làm giảm sự phát triển chiều cao mà còn khiến bé giảm sức đề kháng, giảm tập trung và không sẵn sàng cho việc học hỏi.

Bác sỹ nhi khoa Jenny Radesky, Đại học Michigan tại Ann Arbor, Mỹ, kết luận: “Điều quan trọng nhất với con trẻ là cần tập trung vào việc ngủ đủ giấc, chơi, trò chuyện, khám phá thực tế, tham gia các hoạt động gia đình, tương tác xã hội và tập thể dục. Bởi thế, bạn nên ưu tiên tổ chức các hoạt động vui chơi gia đình và có quy định nghiêm ngặt đối với thời gian, mục đích bé sử dụng màn hình máy tính”.

Tiếp xúc thế nào là hợp lý?

Năm 2011, Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP) khuyến cáo trẻ dưới 2 tuổi không nên tiếp xúc với bất kỳ loại màn hình nào. Trẻ từ 2 tuổi trở lên có thể xem nhưng không quá 2 giờ mỗi ngày.

Song mới đây, các nhà khoa học của AAP đã thay đổi khuyến nghị. Họ đưa ra đề xuất sử dụng màn hình mới phù hợp với cuộc sống của trẻ em thời hiện đại với hướng dẫn cụ thể cho từng độ tuổi. Cụ thể khi cho bé tiếp xúc với màn hình, bạn cần nhớ các nguyên tắc sau:

– Tránh cho trẻ dưới 2 tuổi sử dụng các phương tiện kỹ thuật số, trừ khi bạn dùng nó làm phương tiện để trò chuyện video với người thân ở xa. Nhiều phụ huynh cho biết thường đưa thiết bị kỹ thuật số cho con chơi để con học tập. Song thực tế, rất ít bằng chứng cho thấy trẻ dưới 2 tuổi có thể học hỏi được từ màn hình. Nếu bạn vẫn muốn cho con xem, hãy chọn chương trình giải trí chất lượng cao, xem cùng con và chỉ nên cho con xem 10–20 phút.

– Đối với trẻ em 2–5 tuổi, bạn cho bé tiếp xúc màn hình tối đa 1 giờ mỗi ngày và nên lựa chọn các chương trình giải trí, học tập tốt và điều quan trọng, bạn phải xem và học cùng bé, giúp bé hiểu được những gì mình nhìn thấy và liên hệ nó với thế giới thực tế bên ngoài.

– Không cho trẻ tiếp xúc với màn hình trước giờ ăn.

– Tắt tất cả các loại màn hình trước khi đi ngủ 1 giờ và nên đem chúng ra khỏi phòng ngủ.

– Cập nhật những thông tin mới nhất từ giới khoa học và thiết lập quy tắc sử dụng màn hình cho con.

Thiên Minh

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua