Con bé nước mắt lưng tròng chạy vào phòng khóa trái cửa. Chị không gọi con mà lặng lẽ ngồi xuống ghế, cố làm cho mình bình tĩnh lại. Chị biết con bé khát khao có một mái ấm gia đình. Những năm qua, nó thương mẹ nên cố giấu, không bao giờ nhắc đến. Nhưng bây giờ, đột nhiên bố nó trở về và muốn hàn gắn lại. Cái khát khao ấy được dịp bùng lên. Nó thổ lộ với chị. Nó giận dỗi để chị đồng ý. Chị hiểu và thương con. Nhưng vết thương trong lòng mà người đã từng là chồng chị gây ra quá lớn, chị không còn hận nữa nhưng để quên đi thì không thể.
Đầu giờ chiều anh đến. Chị đang chìm trong những suy nghĩ về ký ức nên mãi đến khi anh cất tiếng, chị mới giật mình sực tỉnh:
– Em nghĩ gì mà thần người ra thế?
Chị vội quay đi, khẽ đưa tay lén lau giọt nước mắt mấp mé ở khóe mi rồi gượng cười:
– Em có nghĩ gì đâu. Hôm nay anh nghỉ sớm à?
– Anh gọi điện cho em mãi không được. Anh lo quá nên về sớm qua xem em thế nào.
Chị với tay lấy điện thoại, ngượng ngập:
– Thôi chết. Em để chế độ im lặng nên cũng chẳng để ý.
Anh nhìn chị, chị thấy những băn khoăn và xót xa dâng đầy trong mắt anh. Chị vội vàng tránh cái nhìn ấy. Lồng ngực chị nghe nhoi nhói. Anh ngập ngừng:
– Con bé…
Chị lắc đầu, cố nén một tiếng thở dài. Có tiếng khóa mở cửa phòng. Con bé đến giờ đi học thêm buổi chiều. Anh đứng dậy, giọng khẽ khàng nhưng kiên quyết:
– Anh sẽ đợi đến khi con hiểu. Em đừng lo nghĩ gì nhiều.
Chị nhìn theo bóng anh. Người đàn ông cao lớn có tướng đi vụng về, kềnh càng nhưng tâm hồn rộng mở, nhân hậu. Chị tin anh là chỗ dựa vững chắc cho chị và con gái trong suốt quãng đời còn lại, giống như cách anh đã giúp đỡ, che chở cho mẹ con chị suốt thời gian qua.
Tối hôm đó, chị đến bên con và cất lời:
– Mẹ con mình nói chuyện một chút…
Con bé ngắt ngang:
– Nếu là chuyện mẹ với bác ấy thì con không muốn nói nữa. Con chỉ chấp nhận bố thôi.
– Nhưng con từng rất quý bác ấy còn gì!
– Con vẫn quý bác ấy. Nhưng bác ấy không phải bố con. Dù gì thì bố vẫn yêu con hơn chứ ạ.
Chị ôm con rời khỏi ngôi nhà từng là tổ ấm khi con bé chưa đầy năm. Chị vẫn nhớ rõ hôm ấy trời trở gió lạnh buốt nhưng cũng không bằng nỗi tê tái trong lòng chị. Chồng chị đã bán nhà và bỏ đi đâu không rõ. Chủ nhà chuẩn bị dọn đến, yêu cầu mẹ con chị chuyển đi nơi khác. Chị không biết đi đâu đành ôm con đến nhà bố mẹ chồng. Ông bà không cho mẹ con chị vào nhà. Họ nói họ không có đứa con dâu như chị. Ngày trước, con trai họ cưới chị mà không được sự đồng ý của họ thì nay anh ta bỏ đi đâu họ cũng không quản lý. Đêm ấy, may có một người quen thương tình cho mẹ con chị ở nhờ.
Lúc cùng quẫn nhất, chị đã định ôm con nhảy xuống sông cho xong một kiếp người. Nhưng nụ cười ngây thơ của con, tiếng ê a của con đã kéo chị lại. Chị không còn ai là người thân trên đời. Chị chỉ có đứa con. Cả hai sẽ nương tựa vào nhau mà sống một cách đàng hoàng, tử tế.
Một thời gian ngắn, người chồng trở về làm thủ tục ly hôn với chị. Anh ta về cùng với nhân tình. Chưa bao giờ chị nói xấu về người chồng cũ trước mặt con gái. Khi con bé bắt đầu biết hỏi lý do tại sao bố mẹ chia tay, chị vẫn nói với nó rằng vì cuộc sống khó khăn, bố phải đi làm ăn xa. Xa mặt cách lòng, bố mẹ không hợp nhau rồi chia tay. Bố vẫn thương con, chỉ vì điều kiện xa xôi nên không thể về thăm con được. Chị thương con, không muốn con thất vọng về bố mình. Chị đã không thể giữ nổi một mái nhà trọn vẹn cho con mình nên chị không nỡ để con thất vọng khi biết sự thật về bố.
Truyện ngắn hay về tình cảm gia đình
Sáng sớm, chồng cũ của chị đến nhà. Anh ta cười giả lả:
– Anh nhớ là em thích hoa hồng, đi qua hàng hoa thấy bó hoa đẹp quá nên mua tặng em.
Chị hờ hững nhận bó hoa rồi đặt nó lên bàn. Chị từng yêu hoa hồng và những lời nói lãng mạn trong tình yêu. Từ khi ôm con ra đường với hai bàn tay trắng cho đến khi nuôi con khôn lớn như ngày hôm nay, chị đã trải qua biết bao cay đắng, tủi nhục. Chị không trở nên ghét những bông hoa mỹ miều tượng trưng cho tình yêu. Nhưng từ lâu, chị nghĩ những thứ hào nhoáng, lãng mạn đã không còn phù hợp với trái tim đã từng bước qua nỗi đau, bước qua tổn thương của chị.
Anh đến. Thấy chồng cũ của chị, anh hơi sững lại. Nhưng anh vẫn chào theo phép lịch sự tối thiểu rồi ân cần nói với chị:
– Anh qua quán, thấy nhân viên nói mấy hôm nay em không ra. Sợ em mệt nên anh sang định đưa em đi cắt ít thuốc bổ. Có lẽ hôm nay không tiện.
Anh về. Chị định nói với anh một điều gì đó mà lại thôi. Chồng cũ nhìn chị mỉa mai:
– Tình cảm gớm. Nhưng trông người thế kia cũng chẳng tử tế gì đâu. Anh ta nhắm vào cửa hàng của em thôi.
Chị bực bội cắt ngang lời:
– Đấy không phải việc của anh. Anh trở về và đến đây có việc gì thì nói nhanh, tôi rất bận!
Anh ta hạ giọng, cố làm ra vẻ tha thiết:
– Anh về đây mong em cho anh một cơ hội để bù đắp lại cho em và con.
– Nếu anh nghĩ đến con bé thì đã không bỏ đi khi nó còn đang phải ẵm ngửa như thế.
Anh ta ngồi xích lại gần chị, nắm lấy tay chị:
– Kìa em! Ngày ấy anh còn trẻ nên mắc sai lầm.
Chị rút tay mình ra, đứng dậy dứt khoát:
– Anh về đi. Tôi không còn gì muốn nói với anh hết!
Rời khỏi nhà bạn, chị ôm con đến một khu nhà trọ cũ dành cho những người lao động. Chị may gặp người chủ nhà tốt bụng cho ở trước, thu tiền sau, lại còn giữ giúp con cho chị đi làm. Chị xin vừa rửa bát cho một quán cơm tấm, vừa học việc. Buổi tối, chị địu con sau lưng đi bán dạo những món đồ ăn, thức uống lặt vặt. Nhờ chăm chỉ và có chút năng khiếu, chị được cùng ông bà chủ nấu nướng, chuẩn bị thức ăn. Chị quyết định mua xe đẩy bán cơm tấm hộp. Cứ thế, từng bước một, đến ngày hôm nay, chị đã mở được một hàng cơm tấm có tiếng đông khách.
Anh ở cùng chỗ trọ với chị. Những ngày mới chuyển đến, chị không dám tiếp xúc với anh. Nghe đâu anh từng đi tù vì gây thương tích cho ai đó. Nhưng ở gần mới thấy anh hiền, ai nói gì cũng nhẫn nhịn cho qua. Chị ở một thân một mình, những khi điện nước có vấn đề đành phải nhờ anh giúp. Dần dần, chị cảm mến và hiểu anh.
Anh học võ từ nhỏ, thấy điều gì chướng tai gai mắt là không chịu được. Nhất là khi thấy đàn ông đánh phụ nữ. Mẹ anh mất sớm, bố anh nghiện rượu. Quá buồn chán, anh bỏ nhà lên thành phố làm thuê, ai sai gì làm nấy. Chỗ trọ cũ anh ở, có một gã đàn ông thường xuyên đánh vợ. Anh nhảy vào can, không may gây thương tích cho gã chồng và bị kiện phải vào tù. Ra tù, những cán bộ trại giam biết anh là người tốt, vì hoàn cảnh mà vướng tù tội nên giúp cho anh vay tiền mua một chiếc xe máy cũ để chạy xe ôm.
Thời gian đầu khi chị bán xe đẩy cơm tấm, anh đã bảo vệ chị trước những lời đe dọa của những kẻ giang hồ tự xưng là “quản lý địa bàn”. Anh thương chị từ lúc nào chị không biết vì anh giấu. Anh mặc cảm vì quá khứ tù tội, vì anh chỉ là một gã chạy xe ôm. Anh âm thầm bên cạnh chị, lo lắng cho chị những điều nhỏ nhặt nhất. Vì thế, chị đã mở cửa trái tim của mình để đón nhận anh, để cùng anh xóa đi mặc cảm.
Chị chưa từng nghĩ tới việc sẽ tái hợp với chồng cũ. Kể cả lúc này, khi anh ta trở về và cầu xin chị. Nhưng con bé, nó đang ở ngưỡng cửa mới lớn, chị không muốn vì chuyện tình cảm của chị mà nó nảy sinh tâm lý chán nản, bỏ bê học hành. Còn anh nữa, anh nào có tội tình gì, chị không muốn anh bị tổn thương như chị đã từng.
Suy nghĩ nhiều khiến chị đổ bệnh. Con bé bận đi học không chăm sóc mẹ được. Anh nghỉ chạy xe, túc trực bên chị, bón cho chị từng thìa cháo, ép chị uống thuốc. Con bé chạy đi tìm bố. Mẹ ốm mà nó gọi điện cho bố không được. Mẹ ốm, bố phải qua chăm sóc thì mẹ mới có thể mở lòng mà chấp nhận cho bố quay về chứ.
Đến chỗ bố ở, nó định chạy ào vào thì nghe có tiếng phụ nữ:
– Anh định quay về với chị ta thật sao? Còn em thì sao đây?
Giọng bố nó khẳng định:
– Em yên tâm. Anh quay lại chỉ vì cái cửa hàng thôi. Chiếm được nó, anh sẽ lo cho em được sung sướng.
– Liệu chị ta có chấp nhận không? Ngày xưa anh bỏ rơi mẹ con chị ta từ lúc con bé còn ẵm ngửa, chị ta phải ra đi với hai bàn tay trắng.
Bố nó cười lớn:
– Em không phải lo. Chỉ cần con bé đứng về phía anh, cô ta sẽ phải chiều theo ý con bé muốn thôi.
Tai con bé ù đi. Nó quay lưng, chạy thật nhanh về nhà. Người đàn ông ấy đang cầm tay mẹ nó, thấy nó vội vàng buông tay. Nó bước đến, cầm tay mẹ đặt lại vào tay người đàn ông ấy rồi òa khóc, lí nhí không thành lời câu xin lỗi. Đến khi lau khô nước mắt, nó thấy có những tia nắng cười trong mắt mẹ.
Đào Thu Hà
Mục Truyện ngắn hay
Tiếp Thị Gia Đình