Mẹ Đỗ Nhật Nam: Nam thuộc kiểu người nhạy cảm

Cậu bé thần đồng Đỗ Nhật Nam đang dịch cuốn sách thiếu nhi Mật ngữ rừng xanh của tác giả Lê Hữu Nam với hy vọng sẽ giới thiệu cuốn sách này ra thế giới

Không ít người trong chúng ta mong muốn con mình sẽ thông minh như thần đồng. Liệu đó có phải là điều mà một người mẹ nên mong chờ nhất cho con? Tiếp Thị Gia Đình mời bạn đến với cuộc chuyện trò cùng mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam, chị Phan Thị Hồ Điệp. Hy vọng cuộc trò chuyện này sẽ đem đến cho bạn những cảm nhận thú vị nhé!

đỗ nhật nam hình ảnh 1

Cậu bé thần đồng Đỗ Nhật Nam

– Chị nhận thấy khả năng đặc biệt, sự thông minh vượt trội, của em Nam vào lúc nào? Và biểu hiện của Nam lúc ấy có gì khác biệt so với bạn bè em?
– Trong suy nghĩ tôi, Nam cũng không có gì đặc biệt nên nếu hỏi thời điểm nhận thấy khả năng đặc biệt của Nam thì tôi không biết là lúc nào. Tôi chỉ thấy lúc nhỏ Nam phát triển ngôn ngữ tốt. Nam nói năng, lập luận rành mạch, thuộc thơ và các bài hát rất nhanh. Ấn tượng nhất là năm Nam gần 3 tuổi, trong lần cùng bà ngoại xuống hầm ở Củ chi, bà ngoại kêu: “Tối quá!”, Nam liền động viên bà: “Bà đừng lo, “nơi hầm tối là nơi sáng nhất”. Việc Nam vận dụng câu thơ vào đúng bối cảnh khiến tôi rất vui.

– Chị có nghĩ quá trình mang thai và nuôi dạy đã có những tác động đặc biệt đến sự phát triển của em Nam theo hướng một thần đồng? Và chị có kinh nghiệm gì trong việc giáo dục con? Người ta hay dùng cụm từ “người mẹ tốt”. Theo chị, người mẹ tốt nên ứng xử thế nào với con, trong cả tình huống mà mình không mong muốn?
– Tôi nuôi Nam cũng bình thường như bao bà mẹ nuôi con nhỏ khác. Song hồi sinh Nam, tôi có lợi thế là nghỉ làm nên được ở cạnh con trong những năm đầu đời. Là người rất mê đọc sách, đặc biệt là các sách về nuôi dạy con, vì thế tôi cố gắng áp dụng những điều mình đã đọc trong quá trình dạy Nam. Cũng từ đó, tôi nhận ra rằng mỗi trẻ có một đặc điểm, khí chất riêng, vì thế rất cần sự lắng nghe tinh tế của các bà mẹ để điều chỉnh cách dạy con phù hợp. Tôi không định hướng sẽ nuôi dạy Nam như nuôi dạy một thần đồng. Tôi chỉ mong những điều mình áp dụng sẽ giúp con vui. Và những trải nghiệm về nuôi dạy đó chính là lúc mình cũng tận hưởng hạnh phúc của “nghề làm mẹ”.

Tôi thường tự tay làm đồ chơi cho con. Khi Nam còn nhỏ, nhà tôi như cửa hàng đồng nát vì tất cả chai lọ, hộp giấy, lõi giấy, đều được giữ lại để làm đồ chơi cho con. Tôi rất thích cùng Nam mày mò tô vẽ, cắt dán.

Tôi nghĩ điều mà mình thành công nhất trong quá trình nuôi dạy Nam là giúp con thích đọc sách. Đó cũng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn vì ban đầu, như nhiều bạn nhỏ khác, Nam không thích sách bằng đồ chơi.

Người ta thường khuyên “người mẹ tốt” trong các tình huống không mong muốn sẽ là: kiên nhẫn, bình tĩnh, tìm cách giải quyết phù hợp, không làm gì ảnh hưởng xấu đến tâm lý con, hiểu tâm lý lứa tuổi. Song, để thực hiện lời khuyên đó là điều không dễ. Vì thế, tôi chỉ có một cách đơn giản, đó là trong những tình huống không như mong muốn, tôi sẽ đi chỗ khác hoặc đếm ngược, chờ hai mẹ con bình tĩnh rồi mới nói chuyện tiếp. Tôi không biết cách xử lý đó có phải là “người mẹ tốt” không? (cười).

do nhat nam hinh anh 2

Cậu bé thần đồng Đỗ Nhật Nam và mẹ

– Hiện nay, một số phụ huynh dạy con theo kiểu muốn con trở thành một đứa trẻ thông minh xuất chúng để sau này thành công mà vô tình lờ đi cảm xúc của con; một số khác cho rằng nên để con phát triển trước về mặt cảm xúc, biết yêu thương, chia sẻ như một đặc tính cần thiết cho sự phát triển lâu dài. Chị thấy gì qua hai cách giáo dục đó?
– Qua quan sát trên mạng xã hội, tôi thấy đã có những sự thay đổi rất lớn trong suy nghĩ của các ông bố bà mẹ. Đó là họ không mong muốn con mình sẽ “đi đến vinh quang” mà mong con mình sẽ hạnh phúc, được là chính con. Đó là những điều tôi thấy đáng mừng. Vì quan điểm giáo dục như vậy sẽ có sự ảnh hưởng tích cực đến người xung quanh. Tôi cũng luôn tâm niệm rằng, trong hàng tỷ người trên thế giới, không có phiên bản thứ hai nào của con mình, vì thế hãy để con được là chính con, được sống cuộc đời của chính con.

Càng ngày tôi càng nhận ra chính sự nuôi dưỡng về mặt cảm xúc, ví như dạy con biết yêu mọi người, yêu bản thân, hiểu rằng “vạn vật hữu linh”, sống lành mạnh, khỏe khoắn mới thực là đích cần hướng đến.

Và khi bạn nuôi dạy một đứa trẻ khỏe mạnh về tinh thần thì thành công cũng sẽ đến dễ dàng hơn. Lý do là vì trẻ biết chấp nhận thử thách, luôn lạc quan và hòa đồng.

Hai phương pháp dạy con như chọn “đường đến vinh quang” hay chọn việc nuôi dưỡng cảm xúc, tưởng là không liên quan nhưng có mối quan hệ mật thiết. Tôi rất thích một câu mà các bạn trẻ hay nói vui: “Muốn nhanh thì phải từ từ”. Trong việc dạy con cũng thế, đừng nôn nóng đặt áp lực và kỳ vọng lên vai con, cứ để con bước đi từng bước vững chắc trong cuộc đời này.

do nhat nam hinh anh 3

Cậu bé thần đồng Đỗ Nhật Nam và mẹ

– Nam cũng là một đứa trẻ lớn lên như bao đứa trẻ khác. Em ấy có những hành động nào khiến chị xúc động và cử chỉ nào khiến chị không vừa lòng? Chị đã khuyến khích mặt tốt và giúp con tiết chế mặt chưa tốt ra sao?
– Nam thuộc kiểu người nhạy cảm, hay quan tâm đến cảm xúc của người khác. Nam thường hay áy náy nếu như có ai đó vì mình mà phải vất vả hoặc lo lắng. Nam đặc biệt thương mẹ vì lo mẹ ốm yếu. Tôi rất nhớ những lần tôi ốm, Nam đều thức đêm để đắp khăn lên trán cho mẹ, lấy nước cho mẹ uống hoặc ép mẹ ăn. Năm đầu tiên đi học ở Mỹ, sau tháng đầu tiên xa bố mẹ, Nam được sang Ấn Độ để dự hội nghị. Nam bay từ Mỹ sang còn bố mẹ bay từ Việt Nam và cả nhà gặp nhau ở Ấn Độ. Đi qua sân bay, Nam mua cho mẹ một cái đồng hồ vì Nam biết mẹ rất thích đồng hồ. Khi vừa xuống máy bay, Nam tìm bố mẹ ngay. Giữa sân bay, Nam kêu lên: “Mẹ!”, rồi quay mặt khóc. Lúc đó Nam mới 13 tuổi thôi, một tháng xa bố mẹ đủ để Nam hiểu thế nào là xa cách. Khi chúng tôi chạy đến, Nam đưa tay lau mắt và mỉm cười rồi lấy đồng hồ đeo vào tay mẹ. Nam nói đã giữ cái đồng hồ trên tay suốt chuyến bay. Sau hội nghị, Nam lại một mình quay lại Mỹ. Lúc chia tay, bố mẹ đều khóc nhưng Nam vẫn mỉm cười, vẫy tay tạm biệt bố mẹ nhưng tôi biết, chỉ khuất sau cánh cửa là thế nào Nam cũng khóc. Nam luôn muốn bố mẹ yên tâm về mình. Những điều đó làm tôi thấy trân trọng quá trình phấn đấu của Nam.

Bên cạnh nhạy cảm, Nam cũng là đứa trẻ vụng về, nên tôi cũng thấy có lỗi là chưa kịp rèn giũa để Nam khéo léo hơn. Vì thế, trong quá trình ở cùng với các bạn trong ký túc xá hoặc ở nhà những người nuôi Nam, tôi nghĩ có khi Nam làm mọi người phiền lòng. Nhưng tôi tin là Nam sẽ tự sửa mình dần dần. Tôi luôn nói với Nam, chỉ cần mình thật sự cố gắng thì mọi điều đều có thể thực hiện được. Và Nam tin vào điều đó.

do nhat nam hinh anh 4

Cậu bé Thần Đồng Đỗ Nhật Nam bên ba mẹ

– Theo chị, Nam có thích hoạt động xã hội? Và là một người mẹ, chị có nghĩ mình phải đồng hành cho đến khi con trưởng thành?
– Điều tôi và bố Nam rất vui là Nam luôn mong muốn những điều tốt đẹp cho cộng đồng. Nam thường nghĩ làm thế nào để có thể đem đến điều tốt lành cho các em nhỏ. Ba tháng về Việt Nam nghỉ hè, lịch hoạt động của Nam gần như kín mít, lúc thì Nam dạy tiếng Anh cho các em nhỏ, lúc thì tham gia các chương trình từ thiện, lúc thì giao lưu ở những sự kiện văn hóa. Đôi khi cả nhà cũng buồn vì ít có thời gian bên nhau, nhưng rồi Nam luôn thuyết phục để bố mẹ hiểu.

Ngoài sinh hoạt cộng đồng, Nam cũng thích dịch sách. Vợ chồng tôi không “can thiệp” gì cả vì Nam là cậu bé rất độc lập trong việc lên kế hoạch và thực hiện. Thỉnh thoảng, chúng tôi khuyến khích Nam và luôn sẵn lòng lắng nghe Nam chia sẻ về công việc của mình vì dẫu sao Nam cũng ít tuổi, còn nhiều hạn chế về vốn sống và cách giao tiếp. Song tôi luôn tin rằng, khi mình thực sự mong những điều lành cho mọi người, mình sẽ được trái tim mách bảo đúng cách. Nếu đồng hành cùng Nam, tôi sẽ đồng hành về mặt tình cảm. Sẽ luôn ở cạnh, dõi theo bước chân của con, động viên và đón chờ khi con muốn trở về nhà. Như chú chim ra ràng, Nam cần khoảng không gian để bay lượn trên bầu trời. Tôi không muốn kỳ vọng của mình cản trở “đường bay” của con.

Và tôi sẽ không chỉ đồng hành cùng Nam đến lúc trưởng thành mà sẽ là mãi mãi. Tôi luôn dành nơi ấm áp nhất trong trái tim mình cho Nam, để con mạnh mẽ vượt qua những thử thách trong cuộc đời.

– Xin cảm ơn chị.

Thông tin thêm

√ Chị Phan Thị Hồ Điệp, hiện đang giảng dạy tại Khoa Giáo dục đặc biệt trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 2001, chị sinh Đỗ Nhật Nam. Hiện Nam đang theo học tại trường Church Farm School, Pennsylvania (Mỹ). Ngoài các môn học ưa thích như Khoa học, Lịch sử, Văn học, Toán, sở thích hằng ngày của Nam là đọc và dịch sách. Ngoài ra còn thích chơi golf, tennis và ăn bánh mì trứng.

Lam Lê

Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua