Chị Ngọc Anh (Q. 1, TP. HCM) chia sẻ: Tôi đã và đang vướng vào mối quan hệ lệ thuộc, nhập nhằng theo kiểu bỏ thì thương mà vương thì tội. Mối quan hệ chẳng đem lại hạnh phúc mà chỉ có những nỗi khổ đau, ám ảnh mỗi ngày. Tôi biết là tôi muốn chấm dứt mối quan hệ này, nhưng tận sâu thẳm trong lòng cảm giác như có một sợi dây vô hình cứ níu kéo.
Không riêng chị Ngọc Anh, Tiếp Thị Gia Đình cũng từng nghĩ về các cặp đôi mà mình gặp với nỗi băn khoăn: Cả hai không còn thắm thiết, sao hai người họ đến giờ vẫn bên cạnh nhau? Câu trả lời chính là những cặp đôi này đang trong mối quan hệ lệ thuộc.
DẤU HIỆU LỆ THUỘC
Các chuyên gia nói rằng mối quan hệ lệ thuộc là mối liên hệ mà bạn để giá trị bản thân và tên tuổi của mình bị ảnh hưởng bởi người khác. Dấu hiệu chính để nhận biết mình rơi vào tình huống này đó là bạn có cảm giác mình chỉ biết hy sinh bản thân và thỏa mãn cho nhu cầu của đối phương.
Tình cảm cũng lắm lúc mơ hồ và không thể phân biệt rõ ràng như màu trắng với màu đen, như trời nắng với trời mưa. Với người trưởng thành từ yêu nhau đến kết hôn, cả hai còn có nhiều mối ràng buộc khác. Cặp đôi sẵn sàng thỏa hiệp để bên nhau dù không còn tình yêu chỉ vì các lý do như con nhỏ, tài chính, tiếc nuối quãng thời gian đã đầu tư cho mối quan hệ, sĩ diện vì sợ xấu hổ, thậm chí còn cả lý do kinh khủng hơn là họ bên nhau để trả thù nhau.
Sự lệ thuộc cũng xảy ra khi hai người cùng dung túng, chấp nhận những hành vi sai trái tồn tại trong mối quan hệ hay gia đình của họ.
Hoặc khi một người bình thường, có cách sống lành mạnh lại dung túng một hành vi không tốt của đối phương và cuối cùng chính họ cũng bị ảnh hưởng từ chính việc làm của mình. Mô hình cổ điển của sự lệ thuộc này là người vợ vẫn chuẩn bị mồi mỡ, rượu chè cho các ông chồng nghiện rượu.
Bạn có thể nhận ra mình đang trong một mối quan hệ lệ thuộc nếu người xung quanh nói rằng bạn quá phụ thuộc vào anh ấy. Hoặc bạn muốn độc lập hơn nhưng mỗi lần hành động hay có ý kiến thì xung đột lại xảy ra.
Bạn cũng có thể xem các dấu hiệu dưới đây để biết mình có đang trong mối quan hệ kiểu đó hay không:
♠ Bạn có thấy mình hy sinh quá nhiều để thỏa mãn nhu cầu của đối phương?
♠ Bạn có khó khăn để từ chối khi đối phương cần bạn?
♠ Bạn có che giấu cho đối phương những vấn đề về nghiện ngập hay phạm pháp?
♠ Bạn có lo lắng về việc người khác nghĩ gì về mình?
♠ Bạn có cảm giác như mình đang bị mắc kẹt trong mối quan hệ với anh ấy?
♠ Bạn có im lặng để hòa bình với anh?
Nếu trên hai câu trả lời là có, nghĩa là bạn đang rơi vào mối quan hệ lệ thuộc này.
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA LỆ THUỘC
Bất cứ ai cũng có thể gặp trạng thái lệ thuộc. Một số nghiên cứu cho thấy những người bị cha mẹ bỏ bê thuở nhỏ có thể rơi vào tình trạng này.
Trẻ con dễ bị tổn thương và hoàn toàn lệ thuộc vào người nuôi dưỡng từ việc ăn uống, ngủ, nghỉ. Nếu đứa trẻ lớn lên trong vòng tay cha mẹ thiếu trách nhiệm, quá dữ dằn hay không có mẹ thì chúng càng lệ thuộc nhiều hơn vào người nuôi dưỡng.
Trong trường hợp này, vì muốn được yêu thương, chúng dễ quên đi cảm xúc, nhu cầu của bản thân để làm hài lòng cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng. Và chúng cũng sẽ lặp lại cách sống, cách suy nghĩ từ thuở nhỏ trong các mối quan hệ khi trưởng thành.
Khi liên tục kiềm chế bản thân để thỏa mãn nhu cầu của đối phương, trong bạn dễ hình thành áp lực và một sự bất bình ngấm ngầm. Đến một lúc nào đó, không chịu đựng nổi những điều không hài lòng ở đối phương, bạn dễ có phản ứng thái quá, thiếu kiểm soát chính mình và muốn để cảm xúc bộc phát, hủy hoại mọi thứ nếu không thể kiểm soát tâm trạng và hành vi của đối phương. Và nếu không thể kiểm soát hành vi của mình, bạn sẽ thất vọng và rơi vào trầm cảm.
TÁC ĐỘNG VÀ THAY ĐỔI
Khi bị lệ thuộc, bạn sẽ trở nên dễ nóng giận, mệt mỏi và lờ đi những mối quan hệ khác trong cuộc sống. Còn ngược lại, nếu đối phương lệ thuộc vào bạn, bạn cũng nên nhận thức rõ để giúp đối phương thay đổi.
Việc điều chỉnh mối liên hệ này cần bắt đầu từ việc thăm dò về quãng thời thơ ấu và kết nối với các hành vi mà đối phương khó kiểm soát hiện nay. Bạn cần chia sẻ với đối phương những cảm xúc sâu xa trong tâm hồn, đối mặt với những tổn thương để cả hai cùng thấu hiểu nhau.
Mối quan hệ này sẽ trở nên lành mạnh hơn, nếu người lệ thuộc có ý chí và thực hiện đúng phương pháp:
– Bồi đắp ước mơ cao đẹp, tin vào sự thông minh và năng lực của chính mình.
– Cả hai cùng vượt qua những thói quen không tốt.
– Luôn có phản ứng phù hợp với từng đối tượng tiếp xúc. Biết chịu trách nhiệm về hành động của mình, chấp nhận với việc nói không cũng như chấp nhận được sự từ chối.
– Tự tạo niềm vui cho chính mình.
– Cần dành thời gian cho người thân, bạn bè để mở rộng các mối quan hệ.
Chia tay không hẳn là giải pháp tốt nhất hoặc duy nhất để giải quyết tình trạng lệ thuộc. Song khi nào bạn, chính xác là người trong cuộc, nên thoát khỏi cảm giác lệ thuộc bằng cách chia tay? Đó là lúc bạn cảm thấy áp lực bị ép buộc phải ở trong mối quan hệ luôn gây tổn thương này không có ý nghĩa gì với bạn nữa. Bạn biết rằng mình không phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của bất cứ ai, ngoại trừ chính bạn. Bạn cảm thấy thoải mái khi bước ra khỏi mối quan hệ không êm đẹp, người ấy không có ý nghĩa gì nữa.
UYÊN HỒ
Tiếp Thị Gia Đình