Sau khi bị phụ huynh của bạn đánh, làm nhục trước đông người, em Bùi Đoàn Quang Huy, học sinh lớp 8 trường THCS Âu Lâu (TP. Yên Bái) lại phát hiện clip mình bị làm nhục phát tán rộng rãi trên mạng xã hội. Khủng hoảng chồng lên khủng hoảng, Huy xấu hổ, tuyệt vọng và cuối cùng em đã chọn cách thắt cổ tự tử để giải phóng mình. Hành động sỉ nhục trẻ của bậc phụ huynh kia đã gián tiếp làm hại một người.
Vì sao trẻ tự tử?
Chuyện phụ huynh ra tay trừng trị bạn học của con không phải là hiếm ở các vùng quê. Chỉ cần nghe con nói bị bạn đánh, nhiều bố mẹ liền nóng nảy vào cuộc và ra tay dằn mặt, sỉ nhục trẻ khác. Họ thường dùng cái uy của người lớn để đánh đập, chửi bới, sỉ nhục đứa trẻ mà không nghĩ hành vi của mình đã gây tổn hại nghiêm trọng đến danh dự của một đứa trẻ, khiến những đứa trẻ có tâm lý yếu đuối tổn thương nặng nề, chỉ vài bước là có thể đi tới chỗ chết.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tự tử là một trong ba nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cái chết của thanh thiếu niên ở độ tuổi 15–24. Bị bắt nạt, bị làm nhục nhiều lần chính là vấn nạn phổ biến đẩy các em vào lựa chọn đau khổ này.
Ở tuổi mới lớn, tâm lý các em chưa vững vàng. Trước cảnh bị sỉ nhục, đặc biệt là sỉ nhục nhiều lần, dồn dập, các em cảm thấy mất mặt, xấu hổ, cảm thấy mình bất lực, vô vọng, không có khả năng để bảo vệ bản thân mình.
Thanh thiếu niên thường khó nhìn nhận các sự việc, tình huống một cách bình tĩnh và toàn diện. Chẳng giống như người lớn, các em không dễ dàng suy nghĩ “Chuyện gì đã qua rồi thì cho qua đi”. Thay vào đó, các em cho rằng việc mình bị sỉ nhục là tình trạng không có lối thoát. Cảm xúc rối loạn, tinh thần hoang mang khiến các em có nhận thức sai lầm rằng: “Mình sẽ vĩnh viễn mắc kẹt trong đống bê bối này”, “Bạn bè sẽ nhớ mãi vụ việc này, sẽ chê bai, cười cợt mình suốt đời”, “Cả thế giới đang nhìn vào mình, chê cười mình”, “Mình sẽ tiếp tục bị đám người kia sỉ nhục”, “Mình là kẻ bất thường, là kẻ bị cô lập”, “Mình sẽ chẳng bao giờ dám ngửa mặt lên với bạn bè, hàng xóm”… Tất cả những suy nghĩ non nớt này cuối cùng sẽ khiến trẻ nghĩ, tự tử là cách duy nhất để được tự do. Dù bị sỉ nhục dưới bất cứ hình thức nào, trực tuyến hay trực diện, trẻ bị làm nhục đều rất dễ bế tắc, tuyệt vọng và tự tử.
Đối với trẻ em, bị bạn bè bắt nạt xấu hổ một thì chuyện bị người lớn bắt nạt, khiến các em xấu hổ 10. Vấn đề ở chỗ các em nhìn thấy sự mất cân bằng quyền lực. Người lớn với quyền lực và sức mạnh khổng lồ còn các em quá bé nhỏ sẽ càng làm cho nỗi tuyệt vọng chất chồng thêm. Bởi lẽ đó, những phụ huynh nóng nảy đừng nghĩ việc ra tay của mình có thể dẹp yên mâu thuẫn của đám trẻ. Sỉ nhục trẻ khác giùm con có thể làm con bạn tạm thời vênh váo với bạn bè vì được bố mẹ ra tay bảo vệ nhưng nó ngấm ngầm giết chết đứa trẻ khác và có thể đẩy bạn vào vòng lao lý. Thậm chí, đối với ngay cả đứa trẻ được ba mẹ bảo vệ một cách tiêu cực, về lâu dài cũng sẽ mất đi khả năng tự giải quyết các vấn đề của bản thân.
Nhận biết trẻ có dấu hiệu tự tử
Khi con bạn là nạn nhân của nạn bắt nạt, nếu có các dấu hiệu sau đây, bạn nên có thời gian bên con liên tục để kịp phát hiện và ngăn ngừa hành vi dại dột của trẻ:
√ Trẻ thu lu ở nhà, không dám ra đường, đến trường gặp thầy cô hay bạn bè.
√ Ủ rũ, vô vọng, ngại ngần, từ chối tiếp xúc với những người khác.
√ Tỏ ra ngoan ngoãn bất thường hay dễ dàng cho đi những món quà, những tài sản riêng của mình.
√ Rối loạn giấc ngủ, thậm chí không ngủ được.
√ Trẻ nói chuyện rất tiêu cực về cuộc sống, có thể nói cả về vấn đề tự tử.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, cha mẹ hãy:
√ Sẵn sàng lắng nghe con chia sẻ, không phán xét.
√ Tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý trẻ em ngay lập tức. Họ sẽ biết cách khơi lại lòng tự tin, tự trọng ở con bạn.
√ Tìm kiếm và cho bé tham gia vào các hoạt động con yêu thích, vận động những người bạn thân của con đến nhà chơi với con, giúp cho tâm trí con thoát khỏi nỗi ám ảnh bị bắt nạt và lấy lại tự tin.
√ Nói với con về những khía cạnh tích cực trong cuộc sống, rằng: “Bắt nạt chỉ là tình trạng tạm thời. Mọi chuyện rồi sẽ kết thúc”.
Bài: Thiên Minh
Tiếp Thị Gia Đình