Bệnh lẫn hay mất trí nhớ ở người già đều gây ra các ảnh hưởng không tốt cho cuộc sống của người bệnh cũng như những người thân trong gia đình. Do đó, khi trong nhà có người lớn tuổi, các thành viên khác nên quan tâm chú ý nhiều hơn đến tình trạng tinh thần và những thay đổi khác của họ để có thể kịp thời nhờ sự can thiệp và hỗ trợ từ y học. Dưới đây là các dấu hiệu bệnh lẫn mà bạn nên lưu tâm
Các dấu hiệu bệnh lẫn ở người già
Sự thay đổi về khẩu vị
Những thay đổi lớn về khẩu vị, đặc biệt là đột nhiên thích ăn đồ ngọt, là hiện tượng đầu tiên của bệnh lẫn ở người già. Theo một nghiên cứu ở Nhật, nguyên nhân là do bộ phận điều khiển vị giác và sự thèm ăn của bộ não bị biến đổi. Điều này thậm chí còn khiến một số người già bị lẫn thích ăn cả đồ ôi, thiu, hỏng, mốc…
Có hành vi “phạm tội” ở mức độ nhẹ
Một số hành vi như lén lấy đồ, lái xe vi phạm giao thông, vào nhà người khác bất hợp pháp…có thể là biểu hiện ban đầu của chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương (Frontotemporal Dementia, gọi tắt là FTD). Theo một báo cáo đăng trên JAMA Neurology, 14% những người mắc chứng FTD có hành vi phạm tội mức độ nhẹ trước khi phát bệnh. Căn bệnh này làm tổn thương bộ phận quản lý của bộ não về các luật lệ và quy tắc ứng xử xã hội của người bệnh, khiến họ không làm chủ được hành vi.
Không phân biệt được âm thanh, ngôn ngữ
Theo nghiên cứu của Đại học bang California (Mỹ), khi một người không thể phân biệt được lời nói hay âm thanh nào là nói dối, châm chọc hoặc mang hàm ý, đó có thể là dấu hiệu bệnh lẫn.
Thu gom và tích trữ đồ đạc lung tung
Người có nguy cơ mắc bệnh lẫn thường sẽ có những dấu hiệu bệnh lẫn dễ thấy như hành động thiếu khả năng tự kiềm chế, thích tích trữ đồ đạc lung tung trong nhà và xem đó như một việc quan trọng, thậm chí họ còn gom cả những đồ phế thải chất đầy trong nhà.
Các giải pháp chủ động
√ Cải thiện môi trường lao động, luôn giữ tinh thần vui tươi, thoải mái sẽ giúp phòng ngừa bệnh lẫn và kéo dài tuổi thọ. Đồng thời, người lớn tuổi cũng nên kiên trì học tập, cập nhật tri thức mới và duy trì sự tiếp xúc rộng rãi với xã hội.
√ Hạn chế thực phẩm nhiều mỡ để tránh cholesterol tăng cao, dung nạp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết như protein, muối vô cơ, a-xít amin và các loại vitamin B1, B2 và B6, C và E. Cai rượu bia và không hút thuốc lá.
√ Trước khi về hưu, cần chuẩn bị tốt về mặt tư tưởng lẫn vật chất, giữ gìn những sở thích và hứng thú tích cực để có cuộc sống phong phú, thúc đẩy sức sống của trí não, giảm thiểu và kéo dài tiến trình lão hóa.
√ Kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều trị bệnh tật kịp thời, quan tâm đến cơ thể của mình nhưng không nên lo lắng thái quá dẫn đến áp lực.
√ Thường xuyên hoạt động ngoài trời và vận động vừa sức như đi bộ, tập Thái Cực quyền, yoga, các bài thể dục chậm, các điệu múa truyền thống, khiêu vũ nhẹ nhàng…
Bài: Lê Phương
Tiếp Thị Gia Đình