Lâu nay, nhiều người nghe ung thư như nghe án tử. Tuy nhiên, trong chương trình Cafe Doanh nghiệp với chủ đề: “Ung thư không phải là chết”, TTGĐ đã gặp được những người phụ nữ đến từ Câu lạc bộ 4T – nơi hội ngộ của những người cùng cảnh ngộ mắc bệnh ung thư. Dùng tinh thần lạc quan để chữa bệnh ung thư có khó hay không, hiệu quả thế nào? Mời bạn hãy cùng Tiếp Thị Gia Đình lắng nghe chia sẻ từ chính bệnh nhân và bác sĩ nhé!
Tinh thần lạc quan có tác dụng hiệu quả trong chữa bệnh ung thư
Xuất hiện trong buổi nói chuyện, cô Nguyễn Thị Cam Thảo, 60 tuổi rất khỏe khoắn, tươi tỉnh và hay cười. Cô chia sẻ: “Tôi mắc cả 2 căn bệnh ung thư gan và ung thư bàng quang. Chạy chữa ở nhiều nơi mà không khả quan, cuối cùng tôi vào bệnh viện Ung Bướu và gặp bác sĩ Trần Nguyên Hà. Tôi còn nhớ bác sĩ Hà đã nói: “Tôi nghĩ sẽ thành công, nhưng chị phải quyết định 50%, tôi chỉ là người dẫn chị đi”. Phần của bác sĩ là lo điều trị, thuốc thang, động viên, còn phần tôi là phải làm sao để tinh thần lạc quan, vui vẻ thì mới chiến đấu được. Tôi không gặm nhấm nỗi buồn mà tìm cách chia sẻ với những người đồng cảnh ngộ. Ban đầu, chúng tôi đến với nhau bằng sự cảm thông, rồi dần lập thành một câu lạc bộ để mọi người cùng chia sẻ, giúp đỡ, truyền lửa cho nhau vượt qua căn bệnh hiểm nghèo. Ung thư gan thường “đi” rất nhanh, nhưng tôi đã sống ổn suốt 7,5 năm nay. Tôi muốn nói với các bệnh nhân rằng tinh thần rất quan trọng trong việc chữa bệnh ung thư, nó chiếm tới 50% tiên lượng của bệnh. Hãy sống lạc quan, tích cực và chia sẻ với mọi người vì đó là liều thuốc tốt nhất để cứu lấy mình”.
Cô Mai Thị Ngọc Sương, 60 tuổi, cũng là thành viên trong câu lạc bộ 4T. Đứng lên phát biểu, cô bảo: “Tôi bị ung thư vú đã 17 năm rồi. Khi phát hiện ung thư, tôi rất lo âu và thất vọng khi biết đây là căn bệnh khó chữa. Khi nhập viện ung bướu, tôi cũng may mắn gặp bác sĩ Trần Nguyên Hà. Được bác truyền lửa, động viên điều trị. Ngay lần đầu tiên, tôi điều trị 6 toa, khối u tan hết. 7 năm sau, ung thư tái phát lần thứ nhất. Năm ngoái, tôi bị tái phát lần thứ hai do công việc căng thẳng và gặp cú sốc lớn. Tôi nghiệm ra rằng, với bệnh nhân ung thư, chỉ cần suy sụp tinh thần thì sức khỏe sẽ xấu đi rất nhanh. Mình sống vui, sống khỏe thì mới có thể khiến ung thư tái phát chậm hơn để sống chung hòa bình với bệnh”.
Bác sĩ nói gì?
BS. CK II Trần Nguyên Hà – Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Ung bướu TP. HCM cho biết: “Tâm lý thông thường của bất cứ bệnh nhân ung thư nào cũng đều lo lắng. Nếu không có sự chia sẻ thì mối lo âu ấy cứ lớn dần, khiến bệnh nhân hoang mang và cô độc dù có gia đình bên cạnh. Trạng thái tâm lý lo âu, tiêu cực sẽ dẫn đến stress, làm giảm miễn dịch của cơ thể. Trong khi đó, tâm lý tích cực sẽ làm gia tăng miễn dịch, làm tăng khả năng chống lại bệnh, rất khó chữa bệnh ung thư. Có những bệnh tiên đoán xấu nhưng nhờ nghị lực, tinh thần của bệnh nhân mà kết quả thu được rất kỳ diệu.
Theo tôi, tuổi thọ không phải là năm tháng chồng chất lên nhau mà là sức sống của từng ngày. Người bệnh ung thư đừng cô lập ở nhà, đừng giận dữ, trách móc ai cả mà hãy chấp nhận để lên kế hoạch điều trị và tận hưởng cuộc sống.
Thực tế, việc chữa trị ung thư ngày càng hiệu quả. Trung bình 3 người mắc bệnh thì có 1 người khỏi bệnh. Với sự tiến bộ của y học khoa học ngày nay, 20 năm qua, thế giới đã giảm được 23% người chết do ung thư. Đó là một con số khá lớn, tạo nên sự lạc quan cho những ai đang mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này”.
Bài: Nguyễn Xoa
Tiếp Thị Gia Đình