Là không gian duy nhất của ngôi nhà không có điểm tựa nên sân thượng cần có những yếu tố phong thủy riêng để có thể trụ vững trong tổng thể ngôi nhà. Vậy các yếu tố phong thủy sân thượng đó là gì?
Các yếu tố phong thủy sân thượng cần lưu ý
Cây xanh và ánh nắng
Theo các chuyên gia phong thủy, sân thượng rất thịnh dương (tức là luôn nhận được sự chiếu sáng tối đa của mặt trời) nên bạn cần bố trí yếu tố âm như cây xanh, tiểu cảnh… sao cho hài hòa và hợp lý để cân bằng hai thái cực này. Quá nhiều cây xanh sẽ sinh ra nhiều tối khí, nhưng quá ít lại dẫn đến dương thịnh, làm không gian oi bức.
Khi bố trí cây xanh, tiểu cảnh, hồ nước… trên sân thượng, bạn tránh để chúng nằm trên đầu phòng thờ, nhà bếp, phòng ngủ ở tầng dưới. Hãy trồng các loại cây leo và làm giàn chắc chắn. Sự dẻo dai và vươn mình của dây leo sẽ giúp gia chủ tăng cường tính bền bỉ, luôn tiến lên phía trước.
Bạn cũng cần chăm sóc chúng thường xuyên. Cây chết hoặc héo úa sẽ là một điềm chẳng lành cho gia chủ. Hãy nhanh chóng đốn bỏ khi thấy cây bắt đầu có dấu hiệu còi cọc, vàng lá, héo úa… vì chúng sẽ kìm hãm khí tốt và sinh khí xấu, khiến cho ngôi nhà trở nên u ám và tăm tối hơn.
Yếu tố thủy
Trang trí thêm các tiểu cảnh sông, ao, khe, suối, thác… sẽ giúp phong thủy sân thượng hài hòa, không gian tươi mát, hãm dương sát và đảm bảo tinh thần của gia chủ luôn ổn định.
Sân thượng cũng là nơi lý tưởng để đặt bể nước dự phòng, bồn nước sinh hoạt hoặc các hệ thống cấp thoát nước. Nhưng hãy lưu ý nếu nước quá nhiều sẽ sinh ra hiện tượng ngập nước khiến tài lộc bị chìm đắm hoặc cuốn trôi đi mất.
Bạn cũng không nên đặt bồn nước sinh hoạt ở giữa sân thượng vì đó là khu vực thuộc thổ, trong khi bồn trữ nước lại có “thủy vượng”. Đừng để nước từ sân thượng thấm xuống các tầng khác. Điều đó đại diện cho sự rò rỉ, thiếu bền bỉ trong tổng thể ngôi nhà.
Các vật nhận và phát điện từ
Một số ngôi nhà có bố trí cột thu lôi, ăng-ten hoặc trạm thu phát sóng điện thoại ở sân thượng. Những vật này chứa rất nhiều nguồn điện và sinh ra lực từ trường rất mạnh. Theo các chuyên gia, chính giữa sân thượng là điểm có ảnh hưởng đến gia chủ và con trai trưởng trong nhà, đặt các vật này ở đó sẽ ảnh hưởng đến trí não của họ. Nếu ngôi nhà là một sinh thể, trung tâm sân thượng chính là biểu tượng cho đỉnh đầu.
Linh vật tốt cho sân thượng
Rồng đá: Sân thượng hướng ra biển, hồ, sông, suối… sẽ phạm vào đại kỵ, khiến tâm trạng gia chủ bất an, luôn bị xô đẩy như sóng nước. Hãy đặt một đôi rồng bằng đá với phần đầu hướng ra nơi có yếu tố thủy ngự trị. Nếu chủ nhà tuổi Tuất, để tránh xung khắc, hãy thay rồng đá bằng long quy hoặc kỳ lân.
Chim ưng đá: Từ sân thượng nhìn xuống, tầm nhìn dễ bị khuất bởi các góc, phong thủy gọi đó là cục khốn khiến chủ nhân không vững tâm, khó vươn lên. Một con chim ưng bằng đá hướng đầu ra ngoài, hai cánh dang rộng từ lan can sân thượng sẽ giúp hóa giải. Nếu gia chủ cầm tinh con gà thì không nên đặt chim ưng vì phạm phong thủy sân thượng và gây xung khắc.
Rùa đồng hoặc rùa đá: Các biểu tượng trang trí có vật nhọn, hình răng cưa, hình dao trảm… khiến gia chủ có thể gặp những mối nguy hại tiềm ẩn và khó lường. Rùa vốn mang nhiều tính âm, đại diện cho cái thiện và sự trường thọ. Tượng rùa có khả năng biến hung thành cát, hóa giải mọi điềm xấu. Khi đặt tượng rùa, bạn cần đặt chúng nằm đối đầu nhau để phát huy tối đa công dụng.
Bài: Lê Phương
Tiếp Thị Gia Đình