“Trong mắt mọi người, tôi là một “Ms hoàn hảo”: Xinh đẹp, ăn mặc có gu, có công việc nhiều người ao ước, sở hữu một căn hộ cao cấp và xe Ford. 30 tuổi, tôi vẫn chưa gặp được Mr Right. Tôi cầu toàn nên khó chấp nhận khiếm khuyết dù nhỏ ở người khác. Rõ ràng tôi hoàn hảo mà vẫn ế, tôi phải làm sao bây giờ?”
Theo các chuyên gia tâm lý, chủ nghĩa hoàn hảo đang là… bệnh dịch của thế kỷ XXI. Và bệnh nhân chủ yếu là phái đẹp. Khát vọng hoàn mỹ đôi khi đã dẫn đến bi kịch cho chính họ. Nếu bạn là tín đồ của chủ nghĩa hoàn hảo, bạn nên sống thế nào để không rơi vào bi kịch?
Hãy đơn giản hơn!
Theo các chuyên gia tâm lý, nguồn cơn bi kịch của “quý cô hoàn hảo, hoàn hảo mà vẫn ế” là nàng cầu toàn đến mức hà khắc với bản thân cũng như với xung quanh. Trong mắt nàng chỉ có đúng hoặc sai, trắng hoặc đen. Ai, cái gì kém hoàn hảo chút xíu cũng khiến nàng không ưng. Nàng quên mất rằng trên đời này thật ra chẳng có điều gì là hoàn hảo cả.
Chủ nghĩa hoàn hảo nguy hiểm ở chỗ nó có thể khiến người ta phiền muộn âu lo, mất ăn mất ngủ chỉ vì những điều cỏn con và thậm chí nó có thể cản trở họ hòa nhập với xung quanh.
Khát khao hoàn hảo đến mức bệnh hoạn chẳng khiến cho phụ nữ tốt thêm, mạnh mẽ hơn, ngược lại còn có thể hủy hoại họ. Làm bất cứ điều gì nàng hoàn hảo cũng chăm chăm giữ gìn hình ảnh. Thậm chí viết một câu status trên Facebook thôi nàng cũng phải nghĩ đến cả giờ! Chính sự chăm chăm ấy khiến nàng bị suy kiệt tinh thần. Nàng cũng dễ rơi vào tuyệt vọng, bởi vì đối với nàng, không đúng quy chuẩn là coi như vất đi hết.
Trong câu bông đùa: “Để tìm được tấm chồng lý tưởng, tốt nhất là nàng hoàn hảo… thôi đừng hoàn hảo nữa!” có một phần sự thật. Nói chung nàng hoàn hảo cần học cách nhìn xung quanh dưới nhiều sắc độ hơn chứ không đơn thuần là đúng – sai, đen – trắng! Nàng hãy chấp nhận mình không thể vừa là mẹ bỉm sữa chu đáo vừa là idol thời trang, vừa là người tình đam mê vừa là chuyên gia uyên bác, vừa là vận động viên xuất sắc vừa là đầu bếp tài ba.
Vâng, hãy chấp nhận mình không phải là siêu sao trong mọi lĩnh vực, từ đó bạn sẽ cho phép người đàn ông của mình không phải làm “superman” mọi lúc nọi nơi!
Đừng sợ sai lầm
Trong mắt “Ms hoàn hảo”, sai sót nhỏ có thể biến thành thảm họa quy mô toàn cầu, nên nàng luôn suy tính mọi thứ thật kỹ lưỡng. Thậm chí, chỉ đơn giản là đến nơi hẹn hò với chàng trai mình có cảm tình thôi nàng cũng cân nhắc: “Có cần thiết không? Chàng có xứng đáng với mình không?”. Trong khi tất cả những gì nàng phải làm ở đây chỉ là thư giãn trong không gian ấm áp, giữa âm nhạc du dương và trò chuyện cùng một người khác giới. Giả sử sau cuộc trò chuyện đó có điều không như ý, nàng có thể “bai bai” luôn để quay sang một một đối tác khác cơ mà? Mọi sai lầm đều đem lại cho ta kinh nghiệm, nhờ kinh nghiệm ấy chúng ta mới trưởng thành.
Làm sao để hạnh phúc?
Nàng hoàn hảo không được lòng người khác phái chủ yếu là ở lối ứng xử kẻ cả, hay “dạy dỗ” họ làm thế nào để hoàn hảo hơn. Nếu người đàn ông không được chỉn chu ở mặt nào đó, đấy là lựa chọn, là quyền của anh ấy. Đừng trách móc chàng vì không chịu mặc đồ màu sáng cho trẻ trung, không mua xe của hãng A thay vì hãng B, không sơn căn hộ sơn màu xám thay cho màu trắng toát. Con người ta chỉ cảm thấy thoải mái khi họ được là chính mình. Cứ để anh ấy đi trên con đường riêng. Rõ ràng, con đường của anh ấy chẳng tệ nên bạn và anh ấy mới có dịp gặp nhau đấy chứ!
Rút cục, có nên theo chủ nghĩa hoàn hảo hay không? Vấn đề là bản thân bạn cảm thấy thế nào. Khi làm người hoàn hảo, bạn có thấy mình phải “trả giá” không? Nếu hoàn hảo mà chẳng vất vả gì thì điều đó tốt thôi. Còn nếu như nó khiến bạn cảm thấy phiền muộn, cô đơn thì cần dừng lại.
Thử giảm tiêu chuẩn vời vợi của mình xuống, bạn sẽ thấy thế giới lập tức thay đổi, và người đàn ông dành cho bạn sẽ xuất hiện, bạn s4 thoát khỏi tình trạng hoàn hảo mà vẫn ế. Và ai biết được, có thể sau này, vì yêu bạn, chàng sẽ phấn đấu trở nên hoàn hảo thì sao!
Bình Minh Mưa
Tiếp Thị Gia Đình