Mẹ sẽ làm gì khi trẻ bướng bỉnh giữa chốn đông người?

Uốn nắn trẻ là một nhiệm vụ không hồi kết giữa mẹ và bé vì khi uốn nắn được tính cách này thì một tính cách khác lại bộc phát, nhất là khi trẻ bướng bỉnh

Làm gì khi trẻ bướng bỉnh? Bạn sẽ bối rối hay giận dữ? Cậu bé Thiên Minh, 2 tuổi, được mẹ dẫn đến một trung tâm thương mại dạo chơi nhân dịp Trung thu vừa qua. Cậu đi ngang cửa hàng thức ăn nhanh. Hôm ấy cửa hàng có chương trình tặng mỗi bé một chiếc đèn lồng rất đáng yêu. Thiên Minh thích cả hai chiếc nhưng mẹ chỉ cho bé chọn một. Trái với mong muốn, Thiên Minh nằm dài ra sàn, khóc tức tưởi. Nghe tiếng mẹ nói hay mẹ bế cậu lên là cậu càng làm dữ.

Trường hợp các bé nằm vạ ở nơi công cộng là điều không phải hiếm. Nhiều mẹ khó xử vì không biết nên làm gì khi trẻ bướng bỉnh như thế, cụ thể là nên áp dụng kỷ luật thế nào để giúp bé cư xử đúng với mọi người, đặc biệt ở nơi công cộng. Dưới đây là một số phương pháp gợi ý cho mẹ có con từ 1 đến 4 tuổi:

Đừng chỉ nói không

Nếu bạn luôn nói “Không được”, con trẻ sẽ chỉ biết như vậy là không được mà không hiểu đó là nguyên tắc hay ý muốn của bạn. Thay vì chỉ nói không, bạn cần cho con biết đâu là giới hạn và con phải hành động thế nào. Đó cũng là cách bạn dạy cho con thói quen tốt và biết tự kiểm soát các tình huống. Chẳng hạn như ban ngày bé chơi đồ chơi và bày khắp sàn nhà, thay vì chỉ nói: “Không được bày bừa”, bạn hãy yêu cầu con dọn gọn đồ sau khi chơi. Như vậy, bé sẽ biết được là khi bé chơi, bé phải có trách nhiệm dọn dẹp, không ai làm giúp bé cả.

 lam gi khi tre buong binh hinh anh 2

Bạn nhớ giữ nghiêm kỷ luật ngay cả khi trẻ bướng bỉnh nhé!

Dự đoán hành vi của trẻ

Bạn có thể dự đoán trẻ sẽ có một số hành vi sai trái để ngăn ngừa. Để tránh hành vi đó xảy ra, bạn tạo ra một trò chơi hay việc gì để làm xao nhãng trẻ, giúp chúng quên đi những cám dỗ vô hình. Chẳng hạn như trường hợp bé Minh Khang. Mỗi lần đi vệ sinh, bé cứ thích kéo giấy vệ sinh tràn xuống nền để chơi. Lần đầu nhắc, lần thứ hai nhắc mà bé vẫn chứng nào tật đó, bạn hãy cất cuộn giấy vệ sinh đi chỗ khác hoặc treo cao hơn hay ở một góc khuất. Hoặc nếu bé 18 tháng tuổi thích kéo các đồ vật trên kệ xuống, bạn hãy mang theo một món đồ chơi nào đó cho bé cầm khi đi siêu thị.

Theo các chuyên gia, một số trẻ khó chịu, có hành vi không đúng mực vì chúng đói, mệt mỏi… Vì vậy, bạn phải đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc (10 tiếng một đêm, giấc ngủ nhẹ từ 1 đến 2 tiếng buổi trưa), ăn đủ no… để trẻ được khỏe mạnh và tỉnh táo.

Kiên nhẫn

Ở độ tuổi 2–3, trẻ sẽ không hiểu và không nhận thức được hành vi của chúng ảnh hưởng đến người xung quanh thế nào. Nếu phản ứng của bạn không nhất quán trong các tình huống, bé sẽ không nắm được ý muốn của bạn. Chẳng hạn như một lần bạn thấy con ném quả banh vào cửa sổ, bạn nhắc. Lần sau, bé lại ném, bạn không nhắc. Như vậy bé sẽ bị bối rối và không nhận ra đó là việc không nên. Nhưng nếu bạn luôn có một cách phản ứng, trẻ sẽ hiểu sau 4–5 lần nhắc nhở. Kiên nhẫn là chìa khóa chính trong việc nuôi dạy bé ở độ tuổi này.

Đừng tức giận

Theo các chuyên gia, phản ứng tức giận của bạn cũng chỉ khiến trẻ chống lại yêu cầu của bạn. Vậy bạn sẽ làm gì khi trẻ bướng bỉnh? Hãy hít một hơi thật sâu, đếm đến ba rồi ngồi xuống ngang tầm ánh mắt trẻ. Dùng lời lẽ kiên nghị, nghiêm túc để nhắc nhở trẻ.

Thiên Bảo
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua