Nước máy ở TP. HCM nhiễm kim loại nặng?

Gần đây, dư luận dấy lên nhiều trường hợp nước máy ở TP. HCM nhiễm kim loại nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Thực hư của việc này ra sao?

Cứ 6 tháng, anh Vũ Tiến Huy, Việt kiều Mỹ, lại đi kiểm tra sức khỏe tổng quát. Đặc biệt là sau mỗi lần từ Việt Nam về lại Mỹ, bác sỹ đều cho biết nồng độ kim loại trong máu cao hơn trước khi về Việt Nam. Điều kỳ lạ là sau mỗi lần về Việt Nam, dù chỉ đi nghỉ dưỡng ở resort, anh vẫn cảm thấy mệt mỏi, người buồn ngủ, thường lo lắng và cáu kỉnh. Anh bày tỏ nghi ngờ vào chất lượng nước máy ở TP. HCM.

Nghi ngờ nước máy ở TP. HCM nhiễm kim loại nặng

Anh Huy nói: “Về Việt Nam, tôi không làm việc gì có liên quan đến kim loại nặng, chỉ hít không khí và uống nước máy đun sôi để nguội cùng gia đình”. Nhận được ý kiến từ anh Huy và một số kiều bào về chất lượng nước máy ở TP. HCM, ngày 29–6, Tiếp Thị Gia Đình lấy ngẫu nhiên các mẫu nước máy tại Q. 1, Q. 2, Q. 3 và Q. 8 và đem đến Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 để đo các nồng độ kim loại nặng gồm asen, crôm, cadimi, chì, thủy ngân, nhôm và đồng thời kiểm tra hàm lượng clo dư.

Kết quả trả về cho thấy, nước máy ở khu vực Q. 1, Q. 2 và Q. 3 không phát hiện thấy các loại kim loại nặng kể trên. Riêng nước máy lấy tại địa chỉ 117/2 Mễ Cốc, P. 15, Q. 8 có phát hiện kim loại nhôm ở mức 0,06mg/L.

Song, khi đối chiếu với mức giới hạn tối đa cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam, hàm lượng nhôm tối đa cho phép là 0,2mg/L, thì lượng nhôm phát hiện trong nước máy tại địa chỉ trên ở mức khá thấp.

Ngày 28–7, Tiếp Thị Gia Đình tiếp tục mang mẫu nước lấy tại địa chỉ 117/2 Mễ Cốc nói trên đi kiểm tra lần thứ hai. Lần này, để đảm bảo khách quan, Tiếp Thị Gia Đình ghi mẫu nước là “nước giếng” và chuyển vào kiểm tra tại Viện Pasteur TP. HCM. Do máy của viện đã hỏng, đơn vị này lại chuyển về Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 với yêu cầu định lượng các kim loại nặng asen, chì, cadimi, crôm, thủy ngân và nhôm trong mẫu “nước giếng”. Kết quả lần này khiếnTiếp Thị Gia Đình thở phào: Không phát hiện bất cứ kim loại nào trong mẫu nước, kể cả nhôm từng có trong mẫu đi kiểm tra ngày 29–6.

Chuyên gia nói gì?

nuoc may o TP. HCM hinh anh

Tiếp Thị Gia Đình đem những kết quả thu được đến gặp ông Trần Kim Thạch, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco). Ông Thạch cho biết: “Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn rất quan tâm đến chất lượng nước trong đó có hàm lượng kim loại nặng. Hiện tại, tuần nào Sawaco (phòng quản lý chất lượng nước) cũng lấy mẫu nước trên toàn hệ thống cấp nước (bao gồm nước sạch tại các nhà máy nước, nước trên mạng lưới cấp nước) đến kiểm định tại các đơn vị kiểm định đạt chuẩn về phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO 17025:2009), ngoài ra còn một số chỉ tiêu cơ bản như độ đục, clo dư, pH, được Sawaco giám sát hàng giờ và thông qua các thiết bị giám sát liên tục trực tuyến. Các tuần đều cho kết quả: chất lượng nước sạch trên hệ thống cấp nước luôn đạt theo yêu cầu của Việt Nam (QCVN 01:2009/BYT) về nước sạch dùng cho ăn uống và sinh hoạt”.

Nói về sự khác nhau của kim loại nhôm trong nước giữa 2 lần thử nghiệm, ông Thạch giải thích: “Sự biến động này hoàn toàn bình thường. Trong quá trình xử lý nước, chúng tôi phải cho hóa chất PAC (Poly Aluminium Chloride) – một loại phèn giúp kết tủa cặn bẩn trong nước. Tùy vào mùa, tùy vào tình hình biến đổi chất lượng nước của dòng sông nên khi nước sông quá đục, chúng tôi phải thay đổi hàm lượng PAC cho phù hợp để đảm bảo chất lượng nước sạch luôn đáp ứng theo tiêu chuẩn nước sạch (QCVN 01:2009/BYT). Đó là lý do có sự khác nhau giữa các thời điểm về hàm lượng nhôm như đề cập. Song, chúng tôi luôn khống chế ở mức dưới 0,1 mg/L, trong khi theo quy chuẩn được cho phép là 0,2mg/L. Lượng nhôm vượt quá 0,2mg/L mới ảnh hưởng xấu sức khỏe người dùng”.

nuoc may o TP. HCM hinh anh 2

st Kết quả thử nghiệm cho thấy nước ở khu vực Q. 1, Q. 2, Q. 3 không phát hiện kim loại nặng

nuoc may o TP. HCM hinh anh 3

Kết quả thử nghiệm cho thấy nước ở khu vực Q. 1, Q. 2, Q. 3 không phát hiện kim loại nặng

Ông Thạch cũng khẳng định: “Nước đầu nguồn cung cấp nước cho TP. HCM là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Hiện nay, nguồn này chủ yếu bị ô nhiễm chất thải sinh hoạt, một phần chất thải công nghiệp chứ chưa phát hiện ô nhiễm kim loại nặng. Việc nhiễm kim loại nặng thường phụ thuộc vào địa chất của dòng sông và cũng có một số từ nguồn nước thải công nghiệp. Với tần suất quan trắc chất lượng nước nguồn như hiện nay, hàng tuần chưa phát hiện ô nhiễm kim loại nặng tại các nguồn nước cấp cho TP. HCM”.

Phản ánh băn khoăn của hộ dân ở 117/2 Mễ Cốc, P. 15, Q. 8 về tình trạng lõi lọc nước hơn một tuần đã nhìn thấy nhiều cặn đen, ông Thạch giải thích: “Trong quy chuẩn Việt Nam (QCVN 01:2009/BYT) cho phép tồn tại một lượng sắt và mangan ở mức 0,3mg/L. Khi nước đến tay người tiêu dùng, Sawaco đang khống chế hàm lượng sắt và mangan ở mức 0,05 mg/L. Vì ở mức thấp so với quy chuẩn cho phép, hai chất này không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng có thể tạo ra các cặn trong đường ống khi dòng nước trong hệ thống cấp nước bị tù đọng hoặc di chuyển thấp, gây ảnh hưởng đến cảm quan của người sử dụng”. Sawaco có kế hoạch bảo trì mạng lưới cấp nước (như bất kỳ hệ thống cấp nước nào trên toàn thế giới) thông qua quá trình súc xả định kỳ để loại bỏ các cặn này.

Thiết bị lọc nào tốt?

Mặc dù nước ở các quận kể trên trong TP. HCM không nhiễm kim loại nặng nhưng theo ông Trần Kim Thạch, nếu muốn an tâm hơn về chất lượng nước máy ở TP. HCM, các gia đình có thể trang bị các thiết bị lọc và tốt nhất nên chọn lõi lọc micro để giữ lại các cặn nhỏ, kể cả mangan và sắt. Lõi micro cần thay thế mỗi 3 – 6 tháng/lần.

“Dạo gần đây, tôi thấy các thiết bị lọc nước RO được quảng cáo rầm rộ. Cơ chế hoạt động của thiết bị này là cho nước đi qua và sẽ giữ lại các ion kim loại, các thành phần độc hại. Song, tôi thấy nước lọc từ thiết bị này chưa hẳn tốt cho sức khỏe. Singapore đã khuyến cáo người dân không sử dụng nước qua lọc RO nữa, vì nước RO là dạng nước tinh khiết, độ pH thấp chỉ từ 5,5 – 6,5. Theo một số nghiên cứu mới, ngưỡng pH này không phù hợp cho sức khỏe. Khi pH thấp thì bên trong cơ thể sẽ có tính a-xít nhẹ không tốt cho các cơ quan nội tạng. Cơ thể con người nên uống nước có tính kiềm nhẹ với độ pH từ 7,5 – 8,5. Đó cũng là lý do tôi khuyên người tiêu dùng không nên uống quá nhiều nước tinh khiết chỉ vì nghi ngại nước máy nhiễm kim loại nặng. Thay vì thế, bạn có thể uống nước nước ion–kiềm (Alkaline Water Ionizer) mà người dân Nhật Bản đang dùng rất rộng rãi” hoặc nguồn nước từ hệ thống mạng lưới cấp nước thành phố sau khi đã khử trùng như đun sôi hoặc dùng tia cực tím (UV) do hiện tại hàm lượng pH của nước trên mạng lưới cấp nước đang duy trì ở mức 7,5 –8,5.

Cũng theo ông Thạch, các hộ gia đình ở TP. HCM không nên uống nước trực tiếp từ vòi, nhất là những quận, huyện ở cuối nguồn như Bình Tân, Bình Chánh.

Lượng clo khử vi sinh sẽ giảm dần về cuối nguồn, do đó nước có khả năng tái nhiễm vi sinh vật gây hại. Bạn nên đun nước sôi kỹ và nếu có điều kiện có thể cho nước chạy qua đèn UV để diệt khuẩn tại chỗ. Ngoài ra, nếu muốn bớt mùi clo, bạn bơm nước ra để trong 1–2 giờ là hết”.

HÃY BẢO VỆ NƯỚC ĐẦU NGUỒN VÌ SỨC KHỎE CỦA CHÍNH BẠN

♠ Ông Trần Kim Thạch cảnh báo, mức độ ô nhiễm trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn ngày một tăng cao. Sông Đồng Nai trước đây được đánh giá là một trong ba dòng sông sạch nhất thế giới, bây giờ cũng ô nhiễm, đặc biệt là nhiễm vi sinh, nồng độ DO (chỉ số cho thấy nước bị ô nhiễm hữu cơ) xuống dưới 4. Sông Sài Gòn đáng lo hơn, có khi DO xuống đến dưới 1, nghĩa là ô nhiễm hữu cơ quá nặng. Trong khi đó, đối với nước mặt, yêu cầu DO phải trên 4. Bởi thế, bảo vệ nguồn nước không phải việc của riêng ai mà cần mọi người chung tay góp sức:

♦ Không xả thải bừa bãi và xả trực tiếp xuống sông, hồ.

♦ Mỗi gia đình nên có hệ thống bể phốt ba ngăn để tự xử lý nước thải của hộ gia đình, chứ không nên thải trực tiếp xuống cống. Nước đi qua hệ thống bể phốt ra ngoài sông đã tương đối đảm bảo.

♦ Nên hạn chế các hoạt động khai thác nước ngầm. Khi nguồn nước ngầm bị khai thác, sụt sâu quá, tạo điều kiện cho nước biển dễ dàng xâm nhập vào hệ thống. Sụt lún còn khiến cho nước thải chảy tràn trên bề mặt cũng dễ xâm nhập vào tầng nước ngầm, ảnh hưởng đến chất lượng nước.

Bài: Thiên Minh

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua