Chăm sóc đầu gối khỏe mạnh bằng dinh dưỡng

Bạn nghĩ rằng chỉ cần thường xuyên tập thể dục, năng bơi lội và massage đôi chân mỗi ngày thì đầu gối đã đủ khỏe mạnh? Không hề đâu nhé, tập nhiều nhưng ăn uống thiếu chất thì hiệu quả chỉ bằng một nửa thôi!

Đầu gối là khớp lớn nhất trong cơ thể giúp chân linh hoạt và ổn định để có thể đứng, đi lại, chạy, nhảy và xoay dễ dàng. Tuy nhiên, đầu gối sẽ trở nên yếu dần theo tuổi tác, do chấn thương lên đầu gối, thiếu dinh dưỡng, lối sống ít vận động và ăn uống dư thừa muối, hút thuốc hoặc uống rượu, thoái hóa khớp đầu gối. Ngoài các bài tập thể dục bổ trợ đầu gối, liệu pháp massage và hoạt động bơi lội, dinh dưỡng cũng là một trong những yếu tố quan trọng để chăm sóc đầu gối của bạn khỏe mạnh nữa đấy!

Các dưỡng chất cần thiết để chăm sóc đầu gối khỏe mạnh

Can-xi

Can-xi là chất tối cần thiết cho sức khỏe của xương. Nếu cơ thể bạn thiếu can-xi, có thể dẫn đến suy yếu xương và loãng xương. Tuy quan trọng là thế song cơ thể lại không thể tự sản xuất can-xi tự nhiên mà phải hấp thu từ nguồn thực phẩm bổ sung can-xi như sữa, phô-mai, hạnh nhân, hải sản, đậu nành, cá mòi, ngũ cốc, nước cam, rau có lá xanh đậm… Chăm sóc xương tốt đồng nghĩa với việc chăm sóc đầu gối tốt hơn.

Vitamin D

Sự thiếu hụt vitamin D có thể gây mất xương và tăng nguy cơ chấn thương gãy xương. Thêm vào đó, cơ thể không thể hấp thụ đủ can-xi nếu không có đủ lượng vitamin D. Cơ thể sản xuất vitamin D khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Vì vậy, bạn hãy dành 30 phút buổi sáng để phơi nắng mỗi ngày. Vitamin D còn có trong các loại thực phẩm như cá, dầu gan cá tuyết, lòng đỏ trứng và các sản phẩm từ sữa.

Dầu cá

Dầu cá chứa các a-xít béo omega-3, gồm a-xít eicosapentaenoic (EPA) và a-xít docosahexaenoic (DHA) giúp tăng cường các khớp gối, cải thiện mật độ xương, giảm đau và giảm sưng khớp nhờ vào đặc tính chống viêm. Một nghiên cứu thực hiện vào năm 2006 cho thấy những người uống 1.200mg EPA từ dầu cá mỗi ngày đều cảm thấy sức khỏe xương khớp được cải thiện rõ rệt. Bạn có thể ăn cá ngừ, cá thu và cá hồi 2 lần/tuần hoặc uống 2,6g dầu cá (chứa ít nhất 30% EPA/DHA) 2 lần/ngày.

Vitamin C

Vitamin C rất cần thiết trong việc tổng hợp collagen (thành phần chính của sụn đầu gối) và phát triển xương bình thường. Hơn nữa, loại vitamin thiết yếu này còn đóng vai trò quan trọng trong cải thiện mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương. Một số nguồn thực phẩm giàu vitamin C là bông cải xanh, ớt chuông, đu đủ, cam, chanh, dâu tây, kiwi, súp-lơ trắng, cải bó xôi và cải Brussels.

cham soc dau goi hinh anh 1

Giữ cân nặng ổn định

Cơ thể bạn càng nặng, các khớp xương càng làm việc nhiều. Nếu đang thừa cân hoặc béo phì, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để giúp bạn giảm cân từ từ và khỏe mạnh. Điều này sẽ giúp đầu gối của bạn ổn định và khỏe mạnh hơn khi không phải “gồng gánh” một khối lượng cơ thể quá lớn.

Thực phẩm chống viêm

Đầu gối có thể trở nên yếu và đau do viêm. Để chống lại chứng viêm và sưng, bạn hãy thêm các thực phẩm có đặc tính chống viêm vào khẩu phần ăn của mình. Các loại thực phẩm đó là cá hồi, gừng, nghệ, dầu ô-liu, quả bơ, cherry, óc chó, việt quất, khoai lang, cải bó xôi…

Ngoài ra, bạn cũng nên loại bỏ hẳn các thực phẩm gây viêm như sản phẩm làm từ bột mì trắng, gạo trắng, thực phẩm có đường, soda và các thực phẩm giàu chất béo bão hòa ra khỏi chế độ ăn uống hàng ngày của bạn. Ăn uống đầy đủ dưỡng chất sẽ là cách tốt nhất để chăm sóc đầu gối bạn khỏe mạnh hơn!

Những lưu ý khác trong chăm sóc đầu gối

– Trước khi tập thể dục, hãy khởi động để bôi trơn các khớp và tăng nhiệt độ cơ thể.

– Châm cứu có thể giúp giảm đau đầu gối do viêm xương khớp.

– Tránh xa rượu bia và thuốc lá.

– Hạn chế mang giày cao gót.

– Tăng lượng nước uống để làm mềm sụn và giữ cho cơ thể đủ nước.

– Không ăn quá nhiều muối vì muối góp phần làm mất can-xi.

– Khi muốn dùng các thực phẩm bổ sung có chứa can-xi, vitamin D, C, dầu cá… bạn cần tham khảo ý kiến bác sỹ để uống đúng liều.

Bài: Vi Cao

Đừng bỏ qua