Mệt mỏi mãn tính và những điều cần biết

Đã bao giờ bạn cảm thấy mệt mỏi rã rời nhưng mọi biện pháp nghỉ ngơi đều vô dụng? Hãy cẩn thận vì có thể bạn đã bị mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính rồi đấy!

Đi khám tổng quát tới 3 bệnh viện, làm đủ các thể loại xét nghiệm, siêu âm, bác sĩ vẫn “phán” chị Hải Phong có sức khỏe bình thường. Tuy vậy, chị Phong không thấy khỏe chút nào. Trước đó, chị là người cực kỳ năng động. Nhiều tháng nay, chị luôn thấy mệt mỏi, thường xuyên bị đau đầu, đau cơ, đau khớp, không thể tập trung và sức làm việc giảm sút. Liệu chị Phong có đang mắc phải hội chứng mệt mỏi mãn tính?

Bệnh mà cứ như đang giả vờ!

“Vì công việc quá nhiều, tôi đành phải uống cà-phê, có ngày uống tới 3 ly mà vẫn cảm thấy mệt mỏi, không thể tập trung. Ngay sau khi uống, mắt tôi đã cảm thấy nặng trĩu, tôi muốn ngủ, vật vờ suốt ngày, không nhấc nổi chân tay, hay suy nghĩ, y như thể tôi giả vờ để trốn việc vậy đấy! Tôi nghĩ mình thiếu ngủ, đã nghỉ phép cả tuần chỉ để ngủ nhưng ngay khi vừa ngủ dậy, tôi vẫn đuối. Tôi đi kiểm tra đủ các bệnh có dấu hiệu mệt mỏi kéo dài như ung thư, trầm cảm, đau cơ xơ hóa, đa xơ cứng… nhưng không mắc bệnh nào. Sau nhiều tuần đi sàng lọc, cuối cùng một bác sĩ khoa nội thần kinh mới kết luận tôi mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính mà rất nhiều phụ nữ hiện đại đang gặp phải”, chị Hải Phong cho biết.

 met moi man tinh hinh anh 1

Hội chứng mệt mỏi mãn tính (Chronic Fatigue Syndrome, viết tắt là CFS) là tình trạng toàn cơ thể mệt mỏi cùng cực mà không thể cải thiện sau khi nghỉ ngơi, không liên quan đến các bệnh lý khác.  Phụ nữ mắc bệnh này nhiều gấp đôi nam giới, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi 40 và 50.

Các triệu chứng của CFS khác nhau ở mỗi người. Triệu chứng thường gặp nhất là mệt mỏi, đuối sức, bạn liên tục cảm thấy đau yếu trong người nhưng không rõ nguyên nhân. Bên cạnh đó, nếu gặp thêm  ít nhất 4 trong số các dấu hiệu  dưới đây và kéo dài ít nhất 6 tháng, chắc chắn bạn đã mắc CFS.

Các triệu chứng mệt mỏi mãn tính:

♥ Đau cơ.

♥ Trí nhớ kém hoặc khó tập trung.

♥ Không cảm thấy khỏe khoắn sau một đêm ngủ ngon giấc.

♥ Thường xuyên mất ngủ hoặc gặp các triệu chứng rối loạn giấc ngủ khác.

♥ Thường xuyên nhức đầu.

♥ Đau khớp mà không bị sưng đỏ hoặc viêm.

♥ Thường xuyên đau họng.

♥ Nổi hạch ở cổ hoặc nách.

♥ Mệt mỏi cùng cực sau khi hoạt động thể chất, kéo dài hơn 24 giờ sau khi dừng hoạt động.

Cách nào thoát khỏi mệt mỏi mãn tính?

met moi man tinh hinh anh 2

Nguyên nhân gây ra hội chứng mệt mỏi mãn tính đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng vi-rút, huyết áp bất thường, gien, hệ thống miễn dịch suy yếu, sự mất cân bằng nội tiết tố đều có thể góp phần gây ra tình trạng này. Dù đã xác định được thủ phạm, khoa học vẫn chưa có cách chữa trị CFS. Cách điều trị hiệu quả nhất hiện nay là bạn phải tự thay đổi lối sống để thích ứng với tình trạng mệt mỏi mãn tính của mình:

♥ Loại bỏ hết caffeine (như trong trà, cà-phê), thuốc lá và rượu khỏi chế độ ăn uống để giảm chứng mất ngủ.

♥ Tập thói quen đi ngủ và thức dậy đúng thời điểm mỗi ngày. Thiết lập thói quen ngủ trưa 20–30 phút.

♥ Không làm việc hoặc tập thể dục quá nặng nhọc. Không để xảy ra tình trạng căng thẳng vì căng thẳng sẽ làm bệnh của bạn tồi tệ hơn.

♥ Dành thời gian mỗi ngày để thư giãn hoặc tham gia vào các hoạt động mà bạn thực sự yêu thích.

♥ Châm cứu, yoga và massage có thể giúp giảm cơn đau liên quan tới CFS.

♥ Nếu bạn cảm thấy bị cô lập, bi quan, buồn chán, cảm thấy mình vô giá trị, hãy tìm đến chuyên gia tâm lý, họ sẽ giúp bạn nâng cao nhận thức về bản thân.

♥ Tập thể dục cùng huấn luyện viên để được hỗ trợ thiết lập các bài tập vừa sức và tăng dần về cường độ.

Các triệu chứng của bệnh có thể thay đổi theo thời gian, thậm chí gây ra biểu hiện trầm cảm. Nếu thay đổi lối sống mà bạn vẫn không ngủ ngon, hãy đề nghị bác sĩ giúp mình các giải pháp hỗ trợ giấc ngủ hoặc dùng thuốc giảm đau nếu bạn đau nhức cơ khớp quá mức.

Bài: Nguyễn Thị Xoa
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua