Bạn đã biết về 8 dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng này chưa?

Có nhiều người bị nhiễm ký sinh trùng nhưng lại không nhận ra điều đó. Bạn đã biết về những dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng này hay chưa?

Có nhiều người bị nhiễm ký sinh trùng nhưng lại không nhận ra điều đó. Ký sinh trùng sống trong thực phẩm bạn tiêu thụ hàng ngày rồi “ăn nhờ ở đậu” trong chính cơ thể bạn. Vậy làm sao để phát hiện những dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng mà bạn có thể đang mắc phải?

Ký sinh trùng thường gặp nhất là giun kim, giun đũa, giun tóc, giun móc, sán, giun xoắn và dientamoeba fragilis (sinh vật đơn bào) xâm nhập cơ thể qua da và miệng do tiếp xúc với khu vực bị nhiễm ký sinh trùng; uống nước hoặc ăn thực phẩm kém vệ sinh; hệ miễn dịch yếu… Ký sinh trùng có rất nhiều loại, hình dạng và kích cỡ khác nhau nên các dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng cũng rất phong phú.

Các dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng dễ phát hiện

1. Các vấn đề tiêu hóa mãn tính: Ký sinh trùng phá hoại đường ruột có thể gây viêm và phá hủy niêm mạc dẫn đến tiêu chảy mãn tính. Tiêu chảy thường kéo dài, khi đi ngoài phân ít và nhầy.

2. Đau bụng: Ký sinh trùng ở ruột non như giun đũa, sán lá, giun móc hoặc sán xơ mít thường ngăn cản đường đi của chất thải, gây viêm và kích thích, dẫn đến đau bụng.

3. Ngứa hậu môn: Ngứa xung quanh hậu môn là dấu hiệu của nhiễm giun kim, thường xảy ra vào ban đêm khi giun cái di chuyển ra vùng này để đẻ trứng. Nếu người bệnh gãi, vùng da này có thể bị trầy xước và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn thứ phát.

4. Mệt mỏi: Mệt mỏi có liên quan đến giun sống trong đường ruột vì chúng hút chất dinh dưỡng của cơ thể như các vitamin, khoáng chất, chất béo và tinh bột. Đồng thời, cơ thể còn phải tăng cường loại bỏ các chất thải độc do ký sinh trùng tiết ra nên dễ dẫn đến mệt mỏi, năng lượng giảm sút, bơ phờ và yếu sức.

5. Thay đổi tâm trạng: Trong ruột có các tế bào thần kinh và chất dẫn truyền thần kinh (serotonin). Khi chúng bị các chất thải độc do ký sinh trùng tạo ra trong ruột tấn công, cơ thể sẽ sinh ra tâm trạng lo lắng, bồn chồn, tính khí thất thường và thậm chí trầm cảm.

6. Thiếu máu do thiếu sắt: Giun đũa hoặc giun kim tiêu thụ rất nhiều vitamin và khoáng chất, trong đó có sắt, dẫn đến tình trạng thiếu sắt và thiếu máu. Thiếu máu nặng sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ nhỏ.

7. Vấn đề về da: Ký sinh trùng xâm nhập vào đường ruột gây viêm trong cơ thể, dẫn đến các vấn đề về da như phát ban, nổi mề đay, eczema… Ngoài ra, độc tố và chất thải của chúng còn làm tăng hàm lượng bạch cầu ái toan (tế bào bạch cầu chuyên chống lại các ký sinh trùng) trong máu, làm cơ thể dễ bị loét, sưng, tổn thương và ung nhọt.

8. Đau cơ và khớp: Một số ký sinh trùng có thể xâm nhập vào các mô mềm ở khớp và cơ, hình thành các khối như u nang gây khó chịu và đau đớn mà người nhiễm thường nhầm lẫn với viêm khớp.

Làm gì khi gặp những dấu hiệu này?

dau hieu nhiem ky sinh trung hinh anh 1

Khi nghi ngờ có dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng, bạn nên đến các phòng khám hay bệnh viện có khoa ký sinh trùng để khám tìm ra nguyên nhân cụ thể. Sau khi hỏi tình trạng bệnh, bác sỹ có thể cho bạn đi làm các xét nghiệm như sau:

♥ Soi phân để kiểm tra trứng và ký sinh trùng nếu người nhiễm gặp tình trạng tiêu chảy, phân lỏng, đầy hơi và đau bụng.

♥ Nội soi dạ dày hoặc đại tràng nếu kết quả soi phân chưa rõ ràng.

♥ Tiến hành xét nghiệm máu để tìm kháng thể hoặc kháng nguyên ký sinh trùng được sản xuất khi cơ thể bị nhiễm ký sinh trùng.

♥ Chụp X-quang, MRI, CT để tìm ký sinh trùng có thể gây tổn thương ở các cơ quan khác.

♥ Sau khi tìm ra nguyên nhân, bác sỹ sẽ cho bạn uống thuốc điều trị loại giun bị nhiễm.

Cách phòng nhiễm giun

dau hieu nhiem ky sinh trung hinh anh 2

Dưới đây là một số cách có thể bảo vệ bạn khỏi ký sinh trùng:

♥ Uống nước sạch hoặc nước tiệt trùng đóng chai khi đi du lịch, không nên uống nước từ hồ, suối hoặc ao.

♥ Nếu đang mang thai, hãy tránh tiếp xúc với vật nuôi như chó, mèo… và phân của chúng.

♥ Luôn quan hệ tình dục an toàn.

♥ Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

♥ Nấu chín thức ăn.

Bài: Vi Cao
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua