Phụ huynh dọa không cho con đi học, chuyển trường nếu dạy mô hình VNEN

Hàng chục phụ huynh tại Trường TH Nguyễn Trãi (TP Vinh) tiếp tục kéo đến đề nghị nhà trường dừng ngay việc đưa chương trình VNEN vào giảng dạy con em họ trong khi nhiều địa phương trong cả nước đang lúng túng trước việc chọn hay bỏ VNEN

VNEN bị tố tệ hơn chương trình truyền thống

Những ngày qua, hàng chục phụ huynh có con em đang theo học tại Trường TH Nguyễn Trãi, TP Vinh (Nghệ An) kéo tới đề nghị Ban giám hiệu trường này phải ngừng ngay việc đưa chương trình VNEN vào giảng dạy cho con em họ. Không ít phụ huynh còn thẳng thừng cho biết, nếu nhà trường vẫn khư khư áp dụng chương trình VNEN họ sẽ không cho con em đi học hoặc xin chuyển sang trường khác.

Nguyên nhân khiến các bậc phụ huynh phản đối chương trình VNEN là do mô hình học mới này không phù hợp với thực tế. Cụ thể như: thế ngồi học (học sinh quay mặt lại với nhau) không phù hợp ảnh hưởng cột sống, vai và thị lực. Học sinh tiếp thu chương trình học mới chậm, kết quả yếu. Bài vở ở lớp ít, học sinh ở lứa tuổi tiểu học không thể tự học hay tự thảo luận.

chuong trinh VNEN

Phụ huynh đề nghị Trường TH Nguyễn Trãi, TP Vinh (Nghệ An) phải ngừng ngay việc đưa chương trình VNEN vào giảng dạy cho con em họ

Đặc biệt, khi học sinh học hết bậc tiểu học theo chương trình này nhiều giáo viên cấp II cho biết các em tiếp thu kém hơn những học sinh học theo chương trình truyền thống, khả năng tích lũy kiến thức cũng bị yếu hơn. Theo ý kiến của nhiều phụ huynh, chương trình VNEN chỉ cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản chứ không đem lại những kiến thức nâng cao như chương trình học truyền thống khiến phụ huynh lo ngại về học lực của con em mình sau khi học hết tiểu học.

Được biết, năm học 2016-2017 trường tiểu học Nguyễn Trãi có 825 học sinh với 22 lớp, đây là năm thứ 5 trường triển khai dạy học theo mô hình trường học mới VNEN và một trong hai trường của TP Vinh chọn làm thí điểm. Thời gian qua có phụ huynh 7 học sinh chuyển trường vì cho rằng chương trình VNEN không phù hợp với con em mình. Cuối buổi sáng 28-8, tại buổi tổ chức đối thoại, giải đáp các thắc mắc của phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Trãi, ông Thái Huy Vinh, phó giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, và ông Trần Thế Sơn, trưởng Phòng Giáo dục tiểu học của Sở, đều nhấn mạnh quan điểm của Sở là đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nhưng trong quá trình đổi mới phải phù hợp vùng miền, trường này, trường kia, chứ không áp đặt.

Trước tình trạng nhiều phụ huynh phản đối áp dụng chương trình VNEN đối với con em họ, Ban giám hiệu Trường TH Nguyễn Trãi cho biết, chậm nhất đến ngày 29-8, nhà trường sẽ tổng hợp ý kiến phụ huynh chọn mô hình dạy học phù hợp đảm bảo quyền lợi cho học sinh, sớm ổn định việc dạy học. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Nghệ An, từ năm học 2012-2013 đến 2015-2016, chương trình thí điểm trường học mới VNEN đã được triển khai ở 73 trường tiểu học trong toàn tỉnh. Từ năm học 2015 – 2016, chương trình trường học mới tiếp tục triển khai thí điểm cho 26 trường THCS.

Gần đầy, phụ huynh của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị cũng đã phản ứng và gửi đơn đề nghị ngừng áp dụng mô hình VNEN tại trường học vì cho rằng không hiệu quả và nhiều bất cập. Vừa qua, tại Trường THCS Lương Ninh và THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) nhiều phụ huynh tiếp tục lên tiếng phản đối việc áp dụng mô hình VNEN, xin chuyển qua học chương trình cũ vì học mô hình mới không hiệu quả. Thậm chí một số phụ huynh còn nói sẽ cho con bỏ học nếu vẫn cứ áp dụng mô hình này.

Mới đây, tại Trường THCS Đất Đỏ tại Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiều phụ huynh nhất quyết xin rút con khỏi các lớp học theo mô hình VNEN. Trong năm học trước, một số trường THCS ở tỉnh Đắk Lắk và địa phương khác cũng xảy ra tình trạng phản đối dự án này.

VNEN đang “chết lâm sàng”

Liên quan đến vấn đề mô hình VNEN, Sở GD-ĐT Quảng Bình vừa tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến. Theo đó, đối với những Trường TH đã thực hiện thì vẫn tiếp tục thực hiện. Còn đối với những trường THCS thì phải rà soát lại ý kiến và báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo.

Tỉnh Quảng Trị thuộc nhóm 1 của dự án trường học mới (VNEN), được Bộ GDĐT đầu tư kinh phí để thực hiện tại 32 trường tiểu học (76 điểm trường gồm 32 điểm chính và 44 điểm lẻ) vào năm học 2014-2015. Những lớp học ở trường áp dụng VNEN được hỗ trợ kinh phí dạy học ngày 2 buổi, ăn trưa, kinh phí sinh hoạt chuyên môn, kinh phí tu sửa hạ tầng. Trong năm học 2015-2016, Quảng Trị nhân rộng mô hình VNEN toàn phần ở 11 trường học. Tiếp đó, Sở GD-ĐT nhân rộng thêm mô hình VNEN ở 13 lớp khối lớp 6 ở 6 huyện.

chuong trinh VNEN 0

Mô hình VNEN đang chết lâm sàng

Trước thông tin nhiều địa phương tạm dừng mô hình dạy học VNEN, ngày 10-8, bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị cho biết, việc nhân rộng mô hình VNEN ở tỉnh Quảng Trị rất khiêm tốn và dè dặt so với yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Chủ trương của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị trong năm 2016-2017 này không nhân rộng thêm mô hình VNEN ở các trường học khác.

Trong khi đó, từ năm học này tỉnh Hà Tĩnh quyết định nói không với chương trình VNEN. Từ bỏ chương trình này, nhiều giáo viên ở tỉnh Hà Tĩnh mừng vui là do họ cảm thấy “thoát nạn”, không bị “vòng kim cô” VNEN trói buộc và nỗi ấm ức bấy lâu được giải tỏa. Bị ép buộc phải dạy học theo mô hình trường học mới này trong khi các  điều kiện cần và đủ chưa đáp ứng, nhiều giáo viên vừa thương, vừa xót cho học trò nhỏ bé của mình. Việc tổ chức lớp học theo nhóm khiến học sinh phải quay lưng, quay đầu nhiều hơn và các em dễ bị các bệnh vẹo cột sống, đốt cổ; về lâu dài có thể ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần học trò. Hơn nữa, mô hình này đặt ra mục đích cao siêu về vai trò tự quản lớp học và bắt các bé chỉ mới có suy nghĩ non nớt phải đứng ra tổ chức lớp học theo cặp đôi, thảo luận nhóm… cũng chưa phù hợp.

Sau 3 năm triển khai mô hình VNEN đến nay, Việt Nam đã có 54 tỉnh, thành thực hiện ở 2.365 trường tiểu học và hơn 1.000 trường THCS. Riêng TP. HCM có 61 trường tiểu học ở các huyện ngoại thành và quận 2 thực hiện toàn phần, còn lại 223 trường áp dụng một phần.

Các nhà giáo dục kiến nghị, trước hiện tượng mô hình VNEN đang có triệu chứng bị “chết lâm sàng” như nêu trên, Bộ GD-ĐT cần đúc kết, đánh giá đúng hiệu quả của dự án. Vấn đề đặt ra là có nên triển khai đại trà trong cả nước hay phải tiến hành chọn lọc và đầu tư bài bản, khoa học hơn để nhận được sự ủng hộ thay vì “tẩy chay” như hiện nay?

LÂM VIÊN

Ảnh: TTO, TNO

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua