Lũ không về khiến cuộc sống người miền Tây lao đao

Lũ không về khiến đồng ruộng không được bồi đắp phù sa, nguồn lợi thủy sản và các loại rau đặc sản ngày càng khan hiếm, hoạt động sản xuất của người dân miền Tây bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Cứ đến cuối tháng 7, đầu tháng 8 hàng năm, người dân miền Tây lại ngóng lũ về. Lũ đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của Đồng bằng sông Cửu Long. Lũ đem phù sa, chất dinh dưỡng… bồi đắp dần theo thời gian khiến miền Tây thành vựa lúa, tôm cá, trái cây trù phú. Lũ đem đến nhiều nguồn lợi để khai thác cho những nông dân nghèo, ít ruộng ở khu vực tập trung gần 20 triệu dân này.

Ấy thế nhưng, giờ đây, miền Tây đang mất vị trí dẫn đầu về an ninh, lương thực khi lũ đổ về ngày càng ít. Thậm chí năm nay, người dân lần đầu tiên chứng kiến tình cảnh giữa tháng 8 mà lũ chưa về.

Ông Phan Phú Quý ở ấp Phú Quý, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu (An Giang) buồn rầu chia sẻ: “Đã 4 năm nay không có nước lũ về hoặc về rất ít, không có tôm, cá để đánh bắt. Nhiều năm mất mùa nước nổi, năm nay chúng tôi rất mong ngóng nước về, để dân có cái mưu sinh mấy tháng nông nhàn”.

Phóng tầm mắt về bờ bắc con kênh Bảy Xã, ông Quý bộc bạch thêm, bốn năm trước đây, lũ về khiến vùng nước này ngập cao gần 1 mét, có nơi nước ngập cao hơn đầu người. Đây là thời điểm người nông dân vào vụ đánh bắt thủy sản, trồng các loại rau thủy sinh và thu hoạch rau đặc sản mùa nước nổi…Nhưng bây giờ, nước lũ mới ngập ngang mắt cá chân.

Tình trạng lũ không về hay ít nước lũ khiến những hộ dân sống bằng nghề đáy cá linh ở An Giang, Đồng Tháp rơi vào tình cảnh lỗ nặng, nguồn thủy sản cũng ngày càng giảm đi. Mấy năm trước, vào thời điểm trước lũ, những hộ làm nghề phải bỏ chi phí hàng trăm triệu đồng để đấu thầu mặt nước, thuê nhân công, mua dụng cụ đánh bắt. Tuy nhiên mấy năm nay, các ngư dân bị lỗ nặng.

Anh Trần Văn Phú, ngư dân ở ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hội Đông (An Giang) kể, với mỗi gian đáy phải thuê 8 công nhân làm, chi phí cho mỗi công nhân một tháng là 3 triệu đồng. Tuy nhiên, mấy năm nay, bình quân mỗi ngày một gian đáy chỉ hứng được 100 – 200 kg cá linh vào chính vụ. Chi phí cao, cá thu hoạch ít nên những người đóng đáy dần bỏ nghề.

Không chỉ tác động tiêu cực đến nguồn lợi thủy sản mà tình trạng ít hoặc không có lũ cũng gây ảnh hưởng lớn đến vùng trồng rau thủy sinh. Những con lũ đem theo phù sa giúp rau mau lớn, vì vậy người nông dân đem giống rau nhút xuống cặp bờ sông bãi bồi thả. Tuy nhiên, do năm trước không có lũ nên diện tích trồng loại rau này trong vùng giảm rất nhiều.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh − Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (nguyên Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long) cho biết, miền Tây đang bị thiệt hại kép. Đợt tai hạn mặn lịch sử vừa qua cách đây chưa lâu thì giờ lại đối mặt với tình trạng lũ không về. Nước về ít và trễ khiến cho cơ cấu mùa vụ sẽ đảo lộn; chuột bọ, côn trùng gây hại sinh đẻ nhiều và phá hoại mùa màng nặng nề hơn; chi phí sản xuất tăng cao; năng suất chất lượng sụt giảm.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua