1. Hạn chế ép ăn, ép mặc
Nhiều bậc phụ huynh vì sợ con lạnh và bị cảm nên bảo vệ trẻ bằng cách sốt sắng mặc rất nhiều quần áo cho con. Thật ra, khi trẻ đã có thể đi, hãy tạo điều kiện cho trẻ vận động nhiều nhưng vừa sức. Vận động giúp làm ấm cơ thể mà không cần phải “quấn” trẻ trong hàng lớp áo quần. Ngoài ra, người lớn còn hay sợ trẻ ăn không no, cứ ra sức ép trẻ ăn càng nhiều càng tốt. Cách làm này không đúng. Dạ dày và đường ruột của trẻ vốn còn nhỏ. Vào mùa lạnh, thường con người rất lười vận động, nếu ăn uống quá nhiều sẽ tạo nên gánh nặng cho dạ dày và ruột. Trẻ sẽ gặp các triệu chứng tiêu hóa không tốt.
2. Hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông đúc
Để bảo vệ trẻ, mùa lạnh không nên đưa trẻ đến những nơi nhiều người chen chúc, không khí lưu thông không tốt. Đặc biệt những nơi công cộng quy mô lớn như siêu thị hay các trung tâm mua sắm. Những chỗ này thường đông người, bầu không khí dễ sinh nhiều vi khuẩn. Cơ thể trẻ với sức đề kháng còn non nớt sẽ dễ nhiễm khuẩn, sinh bệnh.
3. Bảo vệ da cho trẻ
Mùa lạnh, da mất nước nên thường khô rát. Da của trẻ rất yếu nên sẽ dễ bị nứt nẻ hoặc ngứa ngáy. Để bảo vệ trẻ, bạn cho trẻ ăn thêm nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước và thường xuyên dùng nước ấm rửa tay chân, mặt cho trẻ. Ngoài ra, có thể thoa thêm phấn hay sữa bảo vệ da dành riêng cho trẻ nhỏ.
4. Tắm nắng nhiều hơn
Người lớn thường quan niệm nếu cho trẻ tiếp xúc với tự nhiên nhiều sẽ dễ bị cảm. Vì vậy cứ mùa lạnh là chỉ thích bảo vệ trẻ bằng cách “ủ ấm” trong nhà, tuyệt không nên ra ngoài. Hành động này cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho thể chất của trẻ trở nên yếu ớt. Bạn nên biết rằng, một mầm non sinh trưởng dưới ánh nắng mặt trời hay những giọt sương lạnh buốt đều giống như một món quà của tự nhiên ban tặng cho chúng một sức sống mãnh liệt. Trẻ cũng như một mầm non vậy. Dựa vào thể chất cụ thể của mỗi đứa trẻ, bạn hãy sắp xếp điều kiện cho trẻ ra ngoài, nhất là những nơi có nhiều cây xanh và thoáng đãng, giúp trẻ được hít thở bầu không khí trong lành, sưởi ấm bằng ánh nắng mặt trời dịu nhẹ. Đây là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho sức khỏe thể chất của trẻ.
5. Duy trì thông gió thoáng khí trong nhà
Nhiều người lớn cứ nghĩ nếu để gió vào nhà nhiều sẽ làm trẻ nhiễm lạnh. Cách nghĩ này thật sai lầm. Trong nhà để nhiệt độ quá nóng, không khí không được lưu thông, đặc biệt là khi nhà sử dụng máy điều hòa, môi trường “bức bí” này có thể sẽ khiến trẻ bị ngứa ngáy đường hô hấp, về lâu dài có thể chuyển thành cảm và sốt. Nếu có điều kiện, bạn nên lắp thêm một máy tạo độ ẩm trong nhà để tránh không khí trở nên khô hanh gây nhiễm đường hô hấp. Nếu không có điều kiện, tốt nhất mỗi ngày bạn giúp nhà cửa thông gió đổi khí bằng cách mở cửa sổ vào những thời điểm thích hợp trong ngày. Tùy theo thời tiết của hôm đó mà mở cửa với thời gian hợp lý, thông thường khoảng 15 phút là tốt nhất. Nếu trời nắng nhẹ, có thể thông gió khoảng một giờ hay lâu hơn một chút cũng không hề gì.
6. Trẻ lớn có thể vận động nhiều hơn
Nếu những điểm nói trên chủ yếu dành cho trẻ nhỏ, thì ở điểm này lại thích hợp cho những trẻ đã đến trước tuổi đi học. Bạn có thể cho trẻ tham gia những trò chơi mang tính rèn luyện thể lực như nhảy dây, trượt ván, nhảy lò cò… Ngoài ra, lúc nào có thể đi bộ thì hãy cố gắng hạn chế để trẻ ngồi xe. Vận động phù hợp với lứa tuổi giúp trẻ tăng cường thể chất, nâng cao sức đề kháng và phòng ngừa được nhiều bệnh.
7. Ăn nhiều trái cây và dinh dưỡng thanh đạm
Dù trẻ đang trong giai đoạn phát triển cơ thể lẫn trí não cũng đừng cho rằng thịt, cá, trứng, sữa là những thực phẩm tốt nhất. Vào những ngày lạnh, bạn có thể thay đổi những bữa ăn toàn thịt cá bằng những món thanh đạm hơn cho trẻ. Để bảo vệ trẻ, hãy bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc, đậu để hỗ trợ tiêu hóa và giảm gánh nặng cho dạ dày của trẻ.
Bài: Lê Phương
Tiếp Thị Gia Đình