Hãy mạnh dạn nói: Tôi đau!

Vì sao bạn đến bệnh viện? 9/10 câu trả lời chắc chắn sẽ là do đau. Thế nhưng, khi đến bệnh viện, đau lại thường bị xem là yếu tố phụ trong việc đánh giá tình trạng bệnh nhân

Nhiều người thường kìm nén cơn đau vì sợ làm phiền người khác hoặc bị bác sĩ la rầy… với hy vọng cơn đau sẽ qua và bệnh sẽ mau hết. Ít ai biết rằng, được kiểm soát cơn đau là một trong những quyền chính đáng của mọi bệnh nhân.

Đau là dấu hiệu sinh tồn

Bác sĩ Thái Thị Hoa, Trưởng Trung tâm Điều trị đau, Bệnh viện FV, chia sẻ với Tiếp Thị Gia Đình: “Quản lý đau là một trong những yêu cầu trọng yếu để đánh giá chất lượng điều trị. Ví dụ trong quy trình chất lượng của JCI (Tổ chức Giám định Chất lượng Y tế Quốc tế của Mỹ) yêu cầu một bệnh viện đạt chất lượng phải thông báo cho bệnh nhân biết về khả năng gây đau (nếu có) trong quá trình điều trị và các lựa chọn quản lý đau”.

Trước đây, tình trạng bệnh nhân khi nhập viện chỉ được đánh giá qua 4 dấu hiệu sinh tồn là mạch, nhiệt độ, huyết áp và nhịp thở. Hiện nay, đau được xem là dấu hiệu sinh tồn thứ 5 để bác sĩ đưa ra phương pháp chữa trị tốt nhất. Dấu hiệu sinh tồn này đòi hỏi bác sĩ phải điều trị cấp kỳ và ưu tiên như mọi dấu hiệu khác trước khi điều trị đến nguyên nhân.

Vì vậy, ngoài việc bác sĩ chú trọng giảm đau thì người bệnh cũng phải học cách nói ra và nói đúng cơn đau của mình. Đừng cố chịu vì đau sẽ khiến bạn mệt mỏi, khó chịu và có thể gây ra các triệu chứng khác như buồn nôn, chóng mặt, uể oải, lơ mơ. Đau khiến bạn khó ăn, khó ngủ, mất năng lượng làm việc, biến bạn từ một cô nàng dễ thương thành bà chằn gắt gỏng. Đau có thể làm thay đổi lối sống, ảnh hưởng công việc, mối quan hệ và sự tự chủ của bạn.

Bác sĩ Hoa cho biết thêm: “Khi bệnh nhân đỡ đau, bác sĩ sẽ khám và điều trị chính xác hơn. Nếu đau cấp tính không được điều trị kịp thời, cái đau sẽ ghi nhớ trên não và trở thành đau mãn tính, nghĩa là đã qua đau cấp tính, bệnh nhân vẫn thấy đau triền miên, phải uống thuốc giảm đau liên tục dẫn đến thay đổi tính tình, cáu kỉnh, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần”.

Đã đau là phải được ưu tiên điều trị

Bác sĩ Hoa chia sẻ: “Trong túi mỗi điều dưỡng, bác sĩ nên có một thước đo và bảng công cụ tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá mức độ đau của bệnh nhân. Thước đo cho phép bác sĩ xác định ba mức độ đau: nhẹ, trung bình và nặng. Mỗi mức độ đau sẽ có kế hoạch điều trị khác nhau. Ở mức độ nhẹ (từ 0 – 3), bệnh nhân đau nhưng có thể chịu đựng được, bác sĩ chỉ cần cho dùng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol.

Ở mức độ đau trung bình (từ 4 – 7 điểm), bác sĩ cần kết hợp giảm đau với kháng viêm như Ultracet, Voltaren. Còn tới cấp độ đau nặng (từ 8 – 10 điểm), bệnh nhân đau đến mức không thể chịu được, đau dữ dội, phải gào thét lên, bác sĩ sẽ phải dùng đến morphin để cắt cơn đau, tránh gây ra sang chấn tâm lý và biến thành đau mãn tính”.

Bác sĩ Hoa nhấn mạnh: “Khi bắt đầu điều trị, bạn cần chia sẻ rõ ràng, đầy đủ cơn đau của mình để các bác sĩ và nhân viên y tế lập chương trình quản lý đau cho bạn. Hãy yêu cầu được điều trị đau vì đó là quyền chính đáng của bạn”.

Thông tin thêm

• Đau là một phản ứng sinh tồn khi cơ thể bị tổn thương ở các mô. Đau được chia thành hai dạng: đau nhanh (fast pain) và đau chậm (slow pain).

• Đau nhanh dễ dàng nhận thấy khi kim châm, dao cắt vào da hoặc da bị bỏng, bị giật điện…

• Đau chậm thường diễn ra trong thời gian dài, làm người bệnh không chịu thêm được, đi kèm là sự phá hủy thực thể tại mô.

Bài: Diệu Xoa

Mục Sức khỏe / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua