Bạn thích nhà sạch sẽ trong khi chồng lại bừa bộn/Bạn muốn tính toán kỹ lưỡng cho kỳ nghỉ trong khi chồng lại muốn “thế nào hay thế đó”/ Bạn thích chuyện chăn gối nhiều hơn chồng… Vợ chồng bạn thường xuyên cãi nhau về những vấn đề trên, chúng như những câu chuyện cũ cứ đến dịp là lặp lại bất tận? Tiếp Thị Gia Đình mách bạn một số cách để giúp bạn tránh được các cuộc cãi vã kiểu này nhé!
1. Đừng để cuộc nói chuyện trở nên căng thẳng
Tiếp tục kéo dài một cuộc tranh luận có thể khiến bạn khó giải quyết mâu thuẫn trong hôn nhân. Càng đối đáp, cả hai càng nóng nảy và dễ bùng nổ tranh cãi. Lúc này, khả năng giải quyết vấn đề cũng tỷ lệ nghịch theo cấp số nhân. Vì vậy, khi thấy bắt đầu khó kiểm soát cảm xúc, bạn cần nhắc mình nói với tốc độ chậm hơn và luôn “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Nếu thấy tiếp tục tranh luận chỉ là “đổ dầu vào lửa”, bạn hãy đề nghị nửa kia kết thúc cuộc nói chuyện và chỉ đề cập lại vấn đề này khi cả hai bình tĩnh hơn.
2. Hãy bắt đầu cuộc tranh luận với “người thứ ba”
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng chúng ta đã khiến các vấn đề trở nên tồi tệ hơn ngay từ lúc bắt đầu nói. Chúng ta thường mở đầu cuộc tranh luận bằng cách nói về bản thân. Và như thế là bạn đã vô tình “mồi lửa” cho hướng đi sai của cuộc nói chuyện. Lúc này, anh ấy sẽ nghĩ rằng bạn đang nhìn vấn đề chỉ thuần theo quan điểm của bạn. Và nếu thật sự chồng bạn đồng ý với quan điểm của bạn ngay từ đầu thì đã chẳng có một cuộc tranh cãi nào rồi.
Vì thế, bạn nên bắt đầu câu chuyện bằng một góc nhìn khác, hay còn gọi là “người thứ ba”. Bạn vào vai một người ngoài nhìn vào để phân tích những điểm chung của hai vợ chồng. Từ đó, bạn lấy cách nhìn này để bắt đầu cuộc tranh luận, thể hiện sự tôn trọng, công nhận những điểm đúng của cả hai. Cuộc trao đổi sẽ diễn ra theo hướng tích cực, không còn trở thành “ai đúng, ai sai” nữa mà là “làm sao để chúng ta có thể giải quyết vấn đề này?”. Vợ chồng sẽ dễ đạt đến thỏa thuận vui vẻ chứ không phải là một người “thắng” và một người phải nhịn.
3. Hãy chấp nhận rằng cả hai đều phải nhường nhau để vấn đề được giải quyết
Tính cách, quan điểm của bạn và chồng không thể nào giống nhau 100%. Để có sự hòa hợp, bạn cần chấp nhận sự thật rằng cả hai đều phải hy sinh một chút gì đó. Chấp nhận được điều này, bạn sẽ dễ dàng hướng cuộc tranh luận của cả hai đi đến được một kết thúc tốt đẹp hơn.
Thay vì nghĩ “tôi phải hy sinh, đánh đổi”, bạn hãy nghĩ “làm sao để cả hai cùng có được một phần những gì mình muốn?”. Nền tảng của một cuộc hôn nhân lâu dài luôn là sự công bằng, thấu hiểu và chấp nhận nhau chứ không phải là một cuộc thi.
Bài: Roman
Mục Tình yêu & Gia đình Tiếp Thị Gia Đình