Có người từng hỏi tôi, nếu có một phép màu, liệu tôi sẽ ước mình nhìn thấy lại được? Tôi không ước điều đó, bởi tôi biết mình có khóc lóc, đau khổ cũng không thay đổi được những gì đã xảy ra. Tôi nghĩ, không nhìn được cũng không phải là điều bất hạnh. Mất đi một thứ, người ta sẽ được ông trời bù đắp cho một thứ khác và đôi khi, nghịch cảnh tạo cho con người bản lĩnh sống tích cực. Nếu chẳng có biến cố tuổi thơ thì sao có tôi của ngày hôm nay?
Cứ bình thản và dũng cảm bước tiếp
Mẹ tôi kể rằng, khi tôi lên 3 tuổi, thấy tôi ăn nhiều mà chẳng tăng cân, bố mẹ đưa đi khám, bác sĩ nói tôi bị suy dinh dưỡng nhẹ. Bão tố chỉ thực sự ập đến khi tôi lên 5 tuổi. Bác sĩ phát hiện tôi có một khối u trong não. Mặc dù được chữa trị kịp thời nhưng sau ca phẫu thuật, tôi bị chứng teo gai thị. Thị lực còn dưới 1/10, tôi chỉ nhìn lờ mờ mọi vật cách mình nửa mét. Ở quê không có trường học dành cho trẻ khiếm thị, tôi đành ở nhà trong suốt 5 năm sau đó.
Ngóng ra ngoài kia, nghe những tiếng cười đùa của bạn bè trong xóm, tôi tủi thân muốn khóc. Mẹ đã động viên tôi: “Mỗi người có một số phận riêng, không ai mất tất cả. Con không nhìn thấy được nhưng vẫn có nhiều người kém may mắn hơn con”. Ốc đảo tăm tối chỉ thực sự được phá bỏ vào năm 2005, khi tôi được biết về trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, ngôi trường dành riêng cho trẻ khiếm thị.
Biết ý định đi học của tôi, mẹ đã khóc rất nhiều. Nhưng nếu tôi cứ mãi ở nhà, tôi sẽ chỉ sống dật dờ như một cái bóng và mãi rụt rè, dò dẫm trong ốc đảo tăm tối của mình. Tôi muốn số phận của mình được bước sang những trang mới. Vì thế, 10 tuổi, tôi bắt đầu rời xa gia đình, tự học cách chăm sóc bản thân, vượt qua nỗi mặc cảm, nỗi nhớ nhà khôn nguôi cũng như sự ẩm ương của tuổi mới lớn để theo đuổi giấc mơ thay đổi số phận. Tháng 9–2005 trở thành một cột mốc quan trọng với tôi, lần đầu tiên tôi được đến trường. Thời gian đầu, tôi thực sự rất nhớ nhà, chỉ muốn ào vào vòng tay ấm êm của mẹ cho thỏa nỗi nhớ mong. Dần dà, cuộc sống tự lập đã giúp tôi hiểu ra, nỗi nhớ nhà ấy chẳng của riêng tôi. Bạn nào cũng phải chiến đấu với nỗi nhớ nhà đến khắc khoải như thế. Chúng tôi tựa như những chú chim non đang học cách đập cánh để một ngày kia bay vào không gian bao la.
Những giấc mơ chưa bao giờ tắt
Khi trở thành học sinh trường THPT Thăng Long, vì không thể nhìn bảng, giáo trình chữ nổi lại ít ỏi, cho nên nhiều môn tôi phải nhờ bạn bên cạnh đọc giúp. Cái khó ló cái khôn, chiếc máy ghi âm trở thành công cụ hữu ích để tôi ghi âm lại bài giảng của thầy cô. Với môi trường học mới này, điều khiến tôi thích thú hơn cả là được tự trải nghiệm cuộc sống ở trọ, tự phục vụ bản thân. Trường cách nhà hơn một cây số, hôm tôi đi bộ, có hôm bắt xe buýt và có hôm bạn bè đến chở đi học. Tôi tự đi chợ, nấu ăn và thực hiện mọi sinh hoạt hằng ngày và cứ cuối tháng lại tự bắt xe buýt từ chỗ trọ về nhà thăm bố mẹ.
Khi còn ở quê nhà, thấy anh trai tôi chơi cờ vua, tôi thường nhờ anh dạy cách chơi. Không nhìn được nên tôi cứ dí sát mắt để lờ mờ thấy bóng dáng quân cờ và đường đi nước bước. Chơi rồi mê, cờ vua trở thành người bạn của tôi trong suốt thời thơ ấu. Đến năm lớp 8, trường Nguyễn Đình Chiểu mở lớp dạy cờ vua, tôi đã đăng ký tham gia ngay và lớp học đó là cơ duyên để tôi trở thành vận động viên của câu lạc bộ cờ vua khuyết tật Hà Nội.
Hiện tại, tôi đang nỗ lực tập luyện để tham gia cuộc thi cờ vua khuyết tật Quốc gia sắp tới đây. Tôi chơi cờ vua bằng tất cả đam mê và thi đấu với mục tiêu giành huy chương Vàng giải vô địch Quốc gia để được đi dự Para Games sắp tới.
Thông tin thêm
► Nguyễn Thị Mỹ Linh sinh năm 1995. Hiện Linh là học sinh lớp 11 trường THPT Thăng Long, Hà Nội. Với nỗ lực không ngừng của mình, Mỹ Linh đã được Thành đoàn Hà Nội vinh danh là Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2015.
► Mỹ Linh đã dành nhiều huy chương tại giải cờ vua Quốc gia dành cho người khuyết tật năm 2014 và 2015.
► Ngoài cờ vua, Linh còn yêu thích công nghệ thông tin với thành tích huy chương Vàng ở nội dung Excel trong cuộc thi diễn ra tại Indonesia.
Bài: Thu Hà
Tiếp Thị Gia Đình